Những “Bài học Lịch sử cuộc sống” đầy sinh động trên ghế nhà trường

Những “Bài học Lịch sử cuộc sống” đầy sinh động trên ghế nhà trường

Trường Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APC)

Những năm gần đây, việc dạy và học lịch sử nói riêng và các ngành khoa học xã hội nói chung, luôn nhận được sự quan tâm của dư luận, khi mà học sinh dần như quay lưng với bộ môn được cho là “giữ hồn dân tộc”. Học lịch sử là điều cần thiết. Thế nhưng, học như thế nào, học gì từ vô vàn kiến thức trong quá khứ Và dạy sao cho học sinh yêu mến, thích thú với bộ môn này. Với chúng tôi, những giáo viên giảng dạy Lịch sử tại Hệ thống Trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (APC), dạy môn Lịch sử là sự tiếp cận nhiều sắc màu và đầy thú vị.

Trên lớp: Các bài học lịch sử được các em chủ động với sự trợ giúp bằng công nghệ: các bài học xen kẽ các buổi xem phim - bình luận, phỏng vấn, thuyết trình, hùng biện... một cách sôi nổi. Giáo viên trở thành người trợ giúp, gợi ý hướng dẫn, toàn bộ quá trình học và tiếp nhận cũng như thụ cảm kiến thức do các em làm chủ. Các bộ phim nổi tiếng được giáo viên chọn lựa và giới thiệu đến cho các em cách nhìn trực quan và sinh động hơn. Nhiều cảnh tượng diễn ra trước mắt, những câu chuyện ly kỳ, những hình ảnh đánh động lòng người, gây nên những cảm xúc mạnh giúp các em khắc sâu bài học hơn.

Một trong những tiết học lịch sử của học sinh đã được APC “sân khấu hóa lịch sử” rất sinh động

Hàng tuần. Trong 3 tiết chiều ngày thứ 6, các em được lựa chọn các môn học mà mình thích. Câu lạc bộ Kịch Điện ảnh (CLB) là một trong số nhiều sự lựa chọn đó. Khác với việc giảng dạy đơn thuần, CLB mang đến cho học sinh những trải nghiệm phong phú về kịch nghệ. Tại đây, các em được học kỹ năng diễn xuất, sắc thái biểu cảm cho từng loại nhân vật, được học qua những bước đơn giản của kỹ năng viết kịch bản, qua đó, các nhân vật lịch sử vốn khô cứng trên lớp được các em “thổi hồn” vào những vai diễn trên sân khấu rất sinh động, nhân văn hơn. CLB vẫn thường có các buổi giao lưu cùng các đơn vị sân khấu kịch trong thành phố, được sự hỗ trợ rất lớn từ các nhà viết kịch nổi tiếng…

Vào dịp cuối kỳ. Hội diễn Sân khấu Kịch Lịch sử toàn hệ thống lại rôm rả được triển khai. Từ nội dung trong sách giáo khoa, kiến thức và nhân vật lịch sử được các em ghi nhớ trên lớp và được tái hiện qua hoạt động của CLB, giờ được “thực hành” trên sân khấu. Chúng tôi gọi đó là “Chu trình 3 vòng Lịch sử: Ở lớp - Trong CLB - Trên sân khấu”. Với mỗi lần tổ chức chúng tôi lựa chọn một chủ đề thích hợp, ví như: “Tướng lĩnh Việt Nam”, “Phụ nữ Việt Nam”, “Nhân tài Đất Việt”,... Các vở kịch nổi tiếng lấy nước mắt và cảm xúc người xem có thể kể đến Quần anh tụ nghĩa, Hào khí Đông A, Huyết án Lệ Chi viên, Thái hậu Dương Vân Nga…, và gần đây nhất là vở kịch Điện Biên Phủ gây xúc động lớn vì sự biểu diễn chuyên nghiệp, có đầu tư và sự xuất thần của các diễn viên “học sinh”.

Sân khấu hóa Lịch sử. Nhằm tạo cho hoạt động sân khấu hóa lịch sử thêm phần sinh động, hoạt động “dã ngoại lịch sử” được xem là “chất nền sân khấu”. Gọi như thế vì các hoạt động này hướng đến các mục đích học tập lịch sử nhưng được phối kết hợp với chương trình dã ngoại, giúp cho các cuộc thi thay đổi địa điểm trình diễn, vừa tạo được hứng khởi cho các em học sinh. Sự phối kết hợp này được xem như là “nhất cử tam tiện”, tức là làm một việc mà được ba điều lợi: vừa đi chơi, vừa đi học tập và lại vừa đi biểu diễn. Nếu như trình diễn trong các nhà hát, hội trường trước đây là chủ yếu, thì giờ đây sân khấu ngoài trời, quảng trường được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi từng tổ chức chương trình “Hội diễn sân khấu Kịch Lịch sử” tại Đà Lạt, Đăm Bri, Phan Thiết, Nha Trang, Gia Lai...tạo nên những tín hiệu tích cực vì không khí mới mẻ, sân khấu rộng lớn, khán giả đông đảo khiến cho các em biểu diễn xuất thần hơn.

Cuộc sống vốn nhiều màu sắc và lịch sử lưu lại sắc màu ấy, thế nên việc truyền tải lịch sử cũng phải sống động như chính nó từng diễn ra như thế. Với chúng tôi, lịch sử vượt ra ngoài một môn học trên ghế nhà trường, trở thành một môn nghệ thuật, với đầy đủ sắc màu sinh động, đa dạng trong cách tiếp cận. Cùng với các phương pháp giảng dạy truyền thống được chắc lọc hiện nay, sân khấu hóa lịch sử được kỳ vọng sẽ trở thành một cách tiếp cận mới trong việc phát huy tính tích cực, chủ động trong cách dạy và cách học, đồng thời xóa tan những lối mòn suy nghĩ tiêu cực về bộ môn, mở ra một góc nhìn khác để đến gần hơn, chân thực hơn và đầy đủ hơn về môn lịch sử. Và rằng, “hãy để lịch sử trở nên đẹp hơn trong mắt các em!”.

Thầy Trần Văn Nhân

Tin cùng chuyên mục