Theo những người lớn tuổi ở làng gốm Bàu Trúc, người có công lập nên làng nghề Ninh Thuận là bà Poklong Chanh. Bà Poklong Chanh đã kêu gọi phụ nữ trong làng phải siêng năng lao động, tự làm ra những vật dụng trong gia đình thường dùng, dệt thổ cẩm, làm nồi, chén dĩa, lu khạp… Truyền thống tốt đẹp đó đã hình thành làng nghề cho đến ngày nay. Gần đó, có một làng nghề lâu đời nhất Đông Nam Á: làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.
Thổi hồn vào đất
Từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi theo QL1A đi 10km về hướng Nam, tới thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây có làng gốm Chăm Bàu Trúc nổi tiếng từ bao đời nay. Ai cũng bất ngờ đến thú vị trước sự thay da đổi thịt của làng gốm quá nhanh. Những con đường ngang, đường dọc đã được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu, sạch đẹp. Nhà cửa của bà con cũng xây dựng khang trang, vách tường, mái lợp ngói bề thế.
Những sản phẩm gốm vừa mới ra lò đang khoe màu đất nung đỏ dưới trời nắng chang chang. Cái nắng của vùng gió cát Ninh Thuận khá gay gắt, gió trưa lồng lộng nhưng vẫn không làm dịu bớt cái nóng như cháy da. Trong những nhà xưởng sản xuất gốm, không khí làm việc vẫn nhộn nhịp, ai làm việc nấy, âm thầm với những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi.
Làng gốm Bàu Trúc có khoảng 500 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Hầu hết dân trong làng sống bằng nghề làm gốm. Cái độc đáo của gốm Bàu Trúc là người thợ không cần dùng khuôn mẫu, họ tạo hình trực tiếp bằng cách đi xoay vòng theo sản phẩm đang chế tác. Đôi bàn tay khéo léo với từng động tác đến nhuần nhuyễn tuyệt vời, cứ từng miếng đất nhỏ tiếp nối lên, đặt vào đâu là như trong khuôn mẫu in ra và hàng trăm sản phẩm cứ giống nhau như đúc.
Để có được đất làm ra sản phẩm, phải trải qua công đoạn nhồi đất cho đều. Đất sét đen được đào lấy từ hầm sâu ngoài ruộng, đem về xưởng ủ 3-5 ngày rồi pha với cát mịn, để sản phẩm có độ bền, chắc, không bị nứt khi đem nung.
Chúng tôi ghé vào xưởng gốm của ông Đàng Xem, một nghệ nhân nổi tiếng ở làng gốm Bàu Trúc. Ông Đàng Xem khoảng 60 tuổi, người rắn rỏi, khỏe mạnh, niềm nở mời khách tham quan không khí đang sản xuất. Ông giới thiệu với chúng tôi phù điêu tượng thần Apsara, một loại hình trang trí treo tường, ông đang làm dở dang do một du khách người Mỹ đặt hàng.
Ông không giấu niềm vui: “Để giới thiệu gốm Bàu Trúc với năm châu bốn biển, tôi lấy giá rẻ lắm, chỉ 1 triệu đồng/sản phẩm. Họ đặt làm 10 tấm phù điêu nhưng với điều kiện phải giống hệt nhau. Có lẽ họ muốn thử bàn tay vàng của nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc, không dùng khuôn mẫu, nhưng làm ra sản phẩm 10 cái như một”.
Rồi ông hướng dẫn chúng tôi vào trong căn nhà trưng bày, có nhiều bằng khen những sản phẩm đoạt huy chương vàng. Chỉ vào những tấm huy chương vàng, ông nói giọng đầy tự hào: “Đây là niềm danh dự của dân gốm Bàu Trúc, khi từ cục đất đen vô tri, qua bàn tay vàng của những nghệ nhân, đã thổi hồn, hóa đất đen thành vàng”.
Ngoài sân, một bà cụ đang chất những sản phẩm vừa nặn xong, chuẩn bị đốt lửa nung, tôi mon men đến hỏi chuyện. Bà nói: “Tôi năm nay 79 tuổi, đã 70 năm làm nghề gốm rồi. Thuở nhỏ, khi vừa 9 tuổi, tôi được cha mẹ dạy làm nghề gốm. Lớn lên, tôi lại tiếp tục truyền nghề cho con cháu làm gốm”.
Cả nhà làm gốm, cả làng làm gốm. Bà nói cứ sáng mở mắt ra là tay cầm cục đất nặn gốm. Vài ngày không quây quần bên ánh lửa nung gốm thì rất buồn. Tôi cầm lên xem những sản phẩm con cóc, con trâu nhỏ nhắn, xinh xắn, bên dưới từng sản phẩm có dán tên riêng từng người.
Bà giải thích: Đây là sản phẩm của mấy trẻ con đến học làm gốm lúc không đi học. Tôi dạy cho chúng tập làm những sản phẩm nhỏ, đơn giản. Nếu bán được, sản phẩm của ai thì người đó nhận tiền, cho chúng mừng để hăng hái học nghề.
Cả làng cùng “hòa tấu”
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cách làng gốm Bàu Trúc chừng 300m, xéo bên kia đường. Cả làng có khoảng 500 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Hai bên đường là những gian hàng trưng bày sản phẩm, mời chào khách đến tham quan mua làm kỷ niệm, quà biếu cho người thân. Đường vào làng mát rượi, vì có những cây cổ thụ che nắng. Khách đến đây như có cảm giác được thưởng thức một thứ âm nhạc vừa lạ lùng, vừa độc đáo.
Những âm thanh réo rắc êm ái, không ồn ào, cũng không vội vã cao trào, âm thanh của cả làng cùng hòa tấu. Đó là những tiếng dệt vải kêu lè xè, lách cách, lụp cụp, thỉnh thoảng chen vào những tiếng thình thình mạnh mẽ. Điệu nhạc vui tai phát ra từ những khung cửi. Nhiều nhà có đến hơn chục khung, sau mỗi khung cửi là một cô gái Chăm duyên dáng ngồi điều khiển. Đôi tay cứ thoăn thoắt hết nối chỉ đến kéo sợi, nhịp nhàng và chính xác. Những đôi bàn tay đã làm nên bản hòa tấu tuyệt vời của làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.
Cô gái bán hàng thổ cẩm nhoẻn miệng cười tươi như hoa mời khách mua hàng, nụ cười có lúm đồng tiền của cô gái Chăm như sợi dây cột chân khách lại, không thể bước đi. Những xấp thổ cẩm có màu sắc trang nhã, thanh lịch bắt mắt, được dệt theo từng khổ vừa đủ may chiếc áo hay cái túi xách, chiếc khăn choàng. Giá bán lại rất rẻ, chỉ từ 50.000 đồng cho chiếc khăn choàng, 600.000 đồng cho chiếc áo và váy. Xấp vải may áo và váy, công dệt mấy ngày mới xong.
- Nếu dệt liên tục, mất khoảng 4 ngày. Tiền vốn mua chỉ, nhuộm màu mất gần 300.000 đồng, cùng với những chi phí khác, tiền công thợ không đầy 60.000 đồng/ngày.
Nụ cười lúm đồng tiền lại nở trên môi, giọng nhỏ nhẹ của cô bán hàng như chim rừng ru giấc giữa trưa. Nghề dệt có ở đây lâu chưa? Tôi hỏi cô bán hàng. Cô cười duyên: “Em chỉ biết qua sách báo thì làng dệt này có rất lâu đời. Là một trong những làng nghề có lâu đời nhất Đông Nam Á”.
Bà chủ cửa hàng nãy giờ ngồi nghe chúng tôi chuyện trò, tâm đắc góp ý: “Tôi hy vọng thế hệ những người thợ trẻ sẽ phát huy được sức sống mới của làng nghề thổ cẩm. Đó là được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà xưởng, trung tâm dạy nghề, nhà trưng bày… Bên cạnh những nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, cũng cần lớp trẻ bổ sung vào những mẫu mã mới, những màu sắc đẹp, hài hòa, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”.
Ngoài kia nắng đã lên cao, tiếng trống trường tan học vang vang, từng tốp học sinh khăn quàng quấn cổ, nói cười râm ran tan học về nhà. Thế hệ chủ nhân của làng nghề tương lai. Những lớp nghệ nhân có kiến thức, bàn lĩnh sẽ góp phần đưa làng nghề Ninh Thuận này cất cao đôi cánh bay giữa trời cao biển rộng.
BÍCH PHƯỢNG