Trong hơn 500.000 tấm ảnh ghi lại đất nước con người Việt Nam qua 14 năm cầm máy của nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng, có gần 5.000 bức ảnh chuyên biệt về Trường Sa. “Đó là những bức ảnh thấm đẫm mồ hôi và sóng biển, nhưng cũng đầy niềm kiêu hãnh trong đời chụp ảnh”, anh Hùng tự hào cho biết.
8 lần triển lãm ảnh là 8 lần đem đến cho hàng triệu khán giả Việt Nam và người nước ngoài những bức ảnh khắc họa chân thực, sâu sắc, sống động nhất về đất nước và người Việt qua các vùng miền, song gây cảm xúc và chuyển tải thông điệp mạnh mẽ nhất là lần triển lãm ảnh “Trường Sa Tổ quốc nơi đầu sóng” tại thủ đô Hà Nội năm 2012. Gần 5.000 tấm ảnh là ngần ấy góc nhìn sinh động về đảo và tình quân dân Trường Sa. Tất cả những tấm ảnh từ bia chủ quyền, triền cát, chim muông, cá biển, cỏ cây, âu tàu, đèn biển, đến chủ nhân của đảo là những người lính can trường thầm lặng hy sinh, đều dấy lên thông điệp: Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, những người lính Trường Sa đang thầm lặng hy sinh nhưng tự hào kiêu hãnh được bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc mình. Cuộc triển lãm ấy đã thực sự gây hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng người Hà Nội.
Sóng Song Tử Tây Ảnh: HOÀNG CHÍ HÙNG
Ông Nghiêm Quang Vinh ở số ngõ 4, số 24 đường Tây Sơn Đống Đa - Hà Nội là khách mời danh dự trong triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng. Ông đã chụp lại tất cả những bức ảnh tại triển lãm và ghi chép số liệu cẩn thận. Sau đó ông về biên tập lại thành một cuốn tài liệu để tuyên truyền cho bà con khu phố Thái Hà. Ông Vinh cho biết: “Để có những bức ảnh về Trường Sa triển lãm ở thủ đô thì chưa nghệ sĩ nào vượt qua Hoàng Chí Hùng. Anh Hùng đã thắp sáng tình yêu Trường Sa trong lòng người dân Hà Nội. Người Hà Nội hướng về Trường Sa nhiều hơn sau cuộc triển lãm ảnh của anh”.
Nghệ sĩ Hoàng Chí Hùng đến Trường Sa 4 lần. Đêm đầu tiên trên con tàu hướng Trường Sa thẳng tiến, trong khi mọi người tập trung ở boong giữa của tàu vui văn nghệ, kể chuyện biển đảo thì anh lặng lẽ vác máy ảnh đứng trước mũi tàu. Nhìn về phía Trường Sa, anh trào nước mắt. “Lúc đó cảm xúc trong tôi dâng tràn. Tôi hình dung ra Trường Sa trong biển đêm có những người lính đang bồng súng đứng gác nơi mũi sóng; một tốp khác đang đi tuần tra quanh đảo. Tôi quay lại, bất chợt nhìn thấy một chiến sĩ đang ôm súng đứng gác trên phía ca-bin. Lúc đó tôi đã khóc. Bởi tôi hiểu, người lính kia đang canh gác bình yên cho con tàu và đoàn công tác”, anh Hùng nhớ lại.
Hiện nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng đang là Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Du lịch TPHCM và từng đoạt nhiều giải thưởng về ảnh. Anh đang biên tập cuốn sách thứ sáu về “Văn hóa tộc người Việt Nam”, trong đó, anh dành một phần đặc biệt đăng những tấm ảnh về các đảo, điểm đảo Trường Sa và những chiến sĩ canh biển trời Tổ quốc. Anh chia sẻ: “Những tấm ảnh về Trường Sa không chỉ là bằng chứng lịch sử về chủ quyền đất nước, mà tôi muốn lưu giữ nó lại cho đời sau, để thế hệ ngàn đời người Việt thấm nhuần, đảo Trường Sa đã thấm nhiều mồ hôi và máu đào liệt sĩ. Thế hệ người Việt phải tự hào và giữ gìn, bảo vệ”.
MẠNH TUẤN