Đó là nhận định của những người làm phim khi nói đến tình hình sản xuất phim truyền hình hiện nay. Những chiếc bóng được thổi lên đủ màu, ngũ sắc dưới ánh sáng mặt trời, nhưng liệu nó còn giữ được sắc màu nếu không có một nền tảng vững chãi.
Nghị định 96 của Chính phủ với chủ trương xã hội hóa điện ảnh, phim Việt Nam phải phủ 30% trên sóng truyền hình đã làm nên một sức bật lớn cho những nhà đầu tư mạnh dạn tiến vào lĩnh vực sản xuất phim. Giờ vàng được dành riêng cho phim Việt Nam, công chúng đón nhận nồng nhiệt và tất nhiên lợi nhuận từ quảng cáo cũng tăng vùn vụt, điều các nhà đầu tư lầm tưởng chỉ có thể làm được ở phim Hàn Quốc, Trung Quốc…
Đến nay, hơn 200 kênh truyền hình trên cả nước, mỗi năm phát sóng hàng trăm đầu phim dài tập với thời lượng từ vài chục đến hơn trăm tập, con số đó cho thấy số lượng chóng mặt của phim truyền hình Việt Nam hiện nay. Nó giống như một guồng máy làm ra tiền (nhờ quảng cáo) cứ ào ào hoạt động, miễn sao lấp đủ 30% phim Việt trên tổng số thời lượng phát sóng và tất nhiên không thể tránh được sự dễ dãi, tắc trách của các nhà đài khi nhiều phim kém chất lượng ào ào lên sóng.
Bộ mặt phim truyền hình ngổn ngang bởi hiện nay phim vẫn được sản xuất theo kiểu… tùy hứng, tùy mối quan hệ, tùy tình thân và tùy vào những điều “không nói ra thì không ai biết”… Các nhà đài hầu như chẳng có định hướng nào về mặt đề tài hay phân bổ kế hoạch sản xuất sao cho hợp lý, khoa học, dù có đài ban hành cả quy chế hợp tác sản xuất phim. Quy trình thông thường, các hãng phim có đề cương kịch bản gửi lên để các nhà đài duyệt… Nhưng dù hãng phim có tên tuổi, có bề dày hàng chục năm vẫn khó lòng đối địch được với những đơn vị sản xuất mới toanh, chưa hề làm phim, nhưng sau đó phim vẫn lên sóng ào ào… và hơn nữa, còn được chễm chệ phát vào giờ vàng, giờ đẹp nhất để lấy quảng cáo.
Kịch bản phim lại là một vấn đề nháo nhào trong hậu trường, các nhà đài chỉ có thể duyệt đề cương chứ không thể đọc hết kịch bản. Vì vậy, cùng một kịch bản tác giả chỉ cần đổi tên, đổi địa danh, có thể đem bán cho nhiều đài là chuyện không lạ. Việc lấy kịch bản nước ngoài thay đổi đôi chút thành của mình, chuyện vẫn thường xảy ra ở phim truyền hình. Khi báo chí phát hiện, ai cũng bảo “tư tưởng lớn gặp nhau”, rồi huề cả làng.
Người làm phim chân chính mong muốn có sự công khai kế hoạch sản xuất mỗi năm ở những mảng đề tài này, vấn đề kia, mong có cuộc “đấu thầu” công khai để hãng phim có năng lực thực sự được làm phim. Nhưng rõ ràng với cách làm phim hiện nay, các đài đang tạo cơ hội cho những tiêu cực phát sinh. Chưa kể, còn nảy sinh nhiều trung gian làm phim, đẩy giá thành phim lên cao nhưng chất lượng lại thấp.
Hơn nữa, với cơ chế cào bằng, phim chính luận, phim lịch sử, phim thiếu nhi, phim giải trí đều ở mức tiền ngang nhau thì tất nhiên các nhà sản xuất sẽ chọn con đường nhàn nhã nhất. Đó là làm phim giải trí với những chuyện tình tay ba tay tư, với những gương mặt đẹp, chân dài, đóng phim chỉ là hình thức tạo thêm danh hiệu. Điều đó đã tạo nên sự mất cân đối lớn giữa các đề tài phim, các loại phim chính luận ngày càng thưa dần trên sóng truyền hình, đời sống nông thôn nhất là ở phía Nam gần như không có trong bộ nhớ của các nhà làm phim xã hội hóa…
Một giám đốc hãng phim tư nhân đã tuyên bố: “Mỗi tập phim chúng tôi chỉ có thể cho quay cao nhất 2 ngày, đạo diễn mà kéo đến 2 ngày rưỡi thì chỉ có húp cháo”. Với tình hình này, chưa nói việc đoàn phim nào cũng chịu rất nhiều sức ép về kinh phí, chỉ riêng việc các diễn viên mắt nhắm mắt mở không thuộc thoại vì chạy sô mệt lử, dù diễn chưa đạt, đạo diễn cũng đành cho qua để theo cho kịp tiến độ làm phim thì thử hỏi làm thế nào có thể đầu tư cho cái gọi là “tác phẩm nghệ thuật” được…?
Phim truyện Việt Nam lấp đầy 30% sóng thực sự đã đem lại sinh khí mới cho truyền hình Việt Nam, làm nức lòng khán giả màn ảnh nhỏ, nhưng những bất cập của nó nếu không có một sự cải tổ từ gốc thì sự rạn vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian…
Ngô Ngọc Ngũ Long