Trở về với đời thường, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 308 vẫn không quên hài cốt đồng đội mình vẫn còn nằm đâu đó trên khắp các chiến trường năm xưa. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng quyết tâm, sự giúp đỡ của nhân dân, họ đã tìm được nhiều phần mộ của đồng đội.
Trong căn nhà trên đường Trường Sơn, quận 10, đại tá Phan Phong Thu, nguyên Chính trị viên Trung đội, Đại đội 937, Tiểu đoàn 308, tâm sự: “Là những cán bộ lâu năm của Tiểu đoàn 308, từng tham gia các trận đánh trên địa bàn miền Trung và miền Tây Nam bộ, từng tận mắt thấy đồng đội hy sinh và tự tay chôn cất các anh, nay không biết đồng đội mình ra sao thì đâu có an lòng!”. Để tìm các đồng đội đã hy sinh, các cựu chiến binh tập hợp những người còn sống, rồi thành lập ban liên lạc và cử người đi tìm mộ liệt sĩ.
Tổ đi tìm mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 308 gồm các cựu chiến binh Nguyễn Sừng, Huỳnh Đèo, Ngô Đồng. Đây là đội quân hoàn toàn tự nguyện. Vẫn “cơm nhà, áo vợ”, với một ít tiền lận lưng, các cựu chiến binh đã rong ruổi khắp nẻo đường miền Tây trên những chuyến xe đò, bất kể ngày nắng hay mưa. Trong tay họ chỉ có tờ giấy giới thiệu của Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 308. “Chỉ có vậy thôi! Thế mà khi đến nơi, chúng tôi đã được lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện ủy, UBND huyện, cơ quan quân sự, phòng thương binh - liệt sĩ… các tỉnh, TP tạo mọi điều kiện đi lại, ăn ở và thậm chí hỗ trợ tiền xe để trở về!”, đại tá Phong Thu cho biết. Hành trang của họ khi đi tìm hài cốt liệt sĩ nặng trĩu nghĩa tình và ký ức sâu lắng về đồng đội. Đó chính là động lực thúc đẩy các cựu chiến binh trên những bước đường dài ngày với không ít khó khăn.
Rất nhiều lần, khi họ đến hiện trường thì mọi thứ đã thay đổi. Tại Nghĩa trang Phụng Hiệp (tỉnh Cần Thơ), các cựu chiến binh mừng rỡ khi thấy phần mộ của đồng đội mình. Đây là phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh ở trận Láng Sen.
Đại tá Phong Thu bồi hồi nhớ lại: “Khi chôn cất, tụi tôi đều làm mộ bia bằng gỗ, nhưng trong cả quá trình trước quy tập, bọn địch đã nhổ bỏ. Nhân dân địa phương đã lén làm lại mộ bia và ghi họ tên”. Vậy là các phần mộ của các liệt sĩ Tiểu đoàn 308 đã có tên tuổi rõ ràng, chính xác.
Đến Nghĩa trang Long Mỹ (tỉnh Cần Thơ), tổ công tác tìm được 28 phần mộ liệt sĩ nhưng rất tiếc là tất cả đều khuyết danh. Qua xác minh, được biết lúc đầu các liệt sĩ được chôn ở Vàm Kinh. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một số anh chị em thanh niên xung phong hy sinh và cũng được chôn tại đây. Một phần do bị địch phá, một phần do khu vực được khai quật, tìm kiếm nhiều lần… nên mộ phần các anh chị bị lẫn lộn và không xác định được.
Theo thống kê, Tiểu đoàn 308 có 116 đồng chí hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Trận Chắc Tức (tháng 5-1952) có 15 đồng chí hy sinh; trận Láng Sen (tháng 6-1953) có 9 đồng chí hy sinh… Nghĩa trang Long Mỹ (ngã ba Vĩnh Tường) có số mộ liệt sĩ Tiểu đoàn 308 nhiều nhất nhưng hầu hết là khuyết danh; Nghĩa trang Phụng Hiệp có 14 phần mộ và có đầy đủ họ tên… Tổ đã nắm được danh sách 40 trận đánh (hoặc chiến dịch) có các đồng đội hy sinh. Việc xác định tên cho các đồng đội ở Nghĩa trang Long Mỹ vẫn luôn canh cánh bên lòng của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 308.
ĐOÀN HIỆP