Dù đã có kế hoạch di dời nhưng trong thời gian chưa có quyết định chính thức, Cảng Sài Gòn vẫn phải làm nhiệm vụ chính, trong đó có bốc dỡ hàng hóa. Việc mua sắm thêm trang, thiết bị hiện đại để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, qua điều tra của chúng tôi, việc mua sắm máy móc, thiết bị ở Cảng Sài Gòn có rất nhiều “chuyện lạ”…
Ít ai ngờ rằng, một số máy móc chuyên dùng mà Cảng Sài Gòn trang bị cho các công ty xếp dỡ phần lớn là cũ, hư hỏng liên tục, sử dụng không hiệu quả. Trong quá trình xem xét trước khi mua, các chuyên viên Phòng Khoa học – kỹ thuật có cảnh báo, chứng minh tính khả thi, mức độ hư hỏng… nhưng lãnh đạo cơ quan đã bất chấp. Hiện nay, các máy móc nêu trên có cái đã thanh lý, có cái không dùng được vì không phù hợp... Qua điều tra, việc mua sắm các thiết bị trên tiêu tốn hàng chục tỷ đồng và tiền sửa chữa cũng tương đương như vậy.
Mua về để... thanh lý!
Công việc chính của các công ty xếp dỡ trực thuộc Cảng Sài Gòn là bốc dỡ hàng hóa và một trong những mặt hàng chủ lực là bốc xếp gạo. Để cơ giới hóa các công đoạn, đảm bảo an toàn cho công nhân trực tiếp sản xuất và nhanh chóng giải phóng mặt bằng thì việc trang bị băng tải bốc xếp gạo từ bờ xuống ghe là cần thiết.
Tuy nhiên, trong lần mở thầu mua băng tải bốc xếp gạo cho Công ty Xếp dỡ Khánh Hội (gọi tắt là Công ty Khánh Hội), ông Hoàng Hùng Dân, chuyên viên Phòng Khoa học – Kỹ thuật Cảng Sài Gòn, cáo giác: “Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc tại phòng kỹ thuật, tôi không lạ gì năng lực của nhà thầu Vinh Phát. Ngay tại thời điểm đó, nhà thầu Vinh Phát đang có vụ kiện liên quan đến việc chế tạo băng tải ở tỉnh Long An. Tôi đã cảnh báo với Ban mua sắm và Phòng kỹ thuật.
Trong đợt mở thầu lần 1, nhà thầu Vinh Phát bị loại kỹ thuật. Thế nhưng, ông Nguyễn Khánh Hòa, Trưởng Phòng Khoa học – Kỹ thuật, Trưởng ban tư vấn kỹ thuật của Ban Mua sắm Cảng Sài Gòn đã chỉ đạo cho nhân viên photo hồ sơ kỹ thuật của nhà thầu khác cung cấp cho nhà thầu Vinh Phát. Từ bộ hồ sơ này, nhà thầu Vinh Phát đã trúng thầu…”.
Và, đúng như cảnh báo của ông Hoàng Hùng Dân, đến nay, 2 trong 4 băng tải theo hợp đồng với Vinh Phát dù đã được nghiệm thu thanh toán nhưng không đưa vào sử dụng được vì không phù hợp về mặt kỹ thuật… Đầu tháng 2-2010, khi đi thực tế tại Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, chúng tôi chứng kiến cả 2 băng tải gạo đều không hoạt động. Trong kết luận thanh tra đơn thư tố cáo có nêu: “…Từ tháng 8-2008 đến nay, 2 băng tải đều chưa đưa vào khai thác.
Qua kiểm tra băng tải tại Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, hệ thống điện bị hỏng, không khởi động được; còn băng tải tại Cảng Tân Thuận thì hệ thống điện hoạt động không tốt, hệ thống băng chuyền cũng không hoạt động được!”. Chỉ riêng hợp đồng này đã hao tốn khoảng 650 triệu đồng chi phí trang bị.
Năm 2004, lãnh đạo Cảng Bà Rịa Serece đề xuất mua máy hút hàng rời. Với vai trò tham mưu của mình, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ Nguyễn Khánh Hòa đã nhất trí và đích thân xem xét máy móc, thiết bị.
Thế nhưng, theo kết luận thanh tra: “Năm 2004, do nhu cầu làm hàng rời, Cảng Sài Gòn chấp thuận mua máy hút hàng rời đã qua sử dụng của Cảng Bà Rịa Serece theo phương án đầu tư do Xí nghiệp Cơ khí và Dịch vụ hàng hải đề xuất. Khi mua về máy sử dụng được, nhưng sau đó do hàng rời về ít nên máy không sử dụng nữa.
Tháng 8-2008, máy hút này được chuyển giao cho Xí nghiệp Xếp dỡ và Dịch vụ Cảng Sài Gòn quản lý. Tháng 5-2009, tiến hành kiểm tra hiện trạng của máy, hệ thống hút và thổi đều hoạt động được, nhưng do không có hàng để thử nên không kiểm tra được hiệu quả hút của máy. Xí nghiệp xếp dỡ đề xuất thanh lý”. Như vậy, thiết bị mới mua về với giá 50.000 USD nhưng chỉ sử dụng 2 giờ đồng hồ rồi “treo” đến hơn 4 năm và… thanh lý!
Hợp đồng... phi kinh tế
Trong quá trình điều tra, chúng tôi rất bất ngờ với một số hợp đồng mà Cảng Sài Gòn đã thực hiện. Đó là hợp đồng thuê thiết bị số 004/HĐKT/2006 do bên thuê là ông Lê Công Minh, Tổng giám đốc ký ngày 28-2-2006 với bên cho thuê là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Dịch vụ Cảng Sài Gòn (công ty này vốn là công ty thành viên của Cảng Sài Gòn, được cổ phần năm 2003 và cũng do ông Lê Công Minh làm Chủ tịch HĐQT). Thiết bị được thuê là 2 cần cẩu khung nâng container hiệu KOCHS, để tăng năng suất xếp dỡ cho Công ty Tân Thuận (một công ty thành viên của Cảng Sài Gòn).
Việc thuê hay mua thiết bị là quyền của doanh nghiệp căn cứ theo năng lực tài chính và hiệu quả kinh tế của phương án. Bài toán kinh tế mà Cảng Sài Gòn đã làm là ứng trước cho Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) số tiền 672.210 USD để Công ty XNK có vốn mua thiết bị rồi sau đó thuê lại. Số tiền ứng trước này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê thiết bị hàng tháng. Điều 3 của Hợp đồng này nêu rõ, thời hạn thuê là 7 năm kể từ ngày giao thiết bị và tiền thuê hàng tháng là 750.000.000 đồng (các năm sau và sau nữa tiền thuê có giảm đôi chút).
Việc thuê bao không phụ thuộc vào việc bên sử dụng thiết bị có sử dụng hay không và không bao gồm nhân viên vận hành, nguyên nhiên liệu sử dụng và bên thuê (Công ty Tân Thuận) phải chịu mọi chi phí sửa chữa cho bất kỳ hư hỏng, thay thế phụ tùng hoặc các chi phí phát sinh khác…
Khi chúng tôi có mặt tại Công ty Tân Thuận, cả 2 cần cẩu KOCHS đều không hoạt động. Việc bốc dỡ hàng hóa ở đây hoàn toàn do các xe cẩu bánh lốp thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đội phó Đội cơ giới, Công ty Tân Thuận, cho biết: “Chúng tôi thật sự không hiểu việc trang bị cần cẩu KOCHS này như thế nào, khi Công ty XNK không có chức năng sản xuất lại được mua rồi đem cho Công ty Tân Thuận có chức năng sản xuất thuê lại. Phép tính “luẩn quẩn” này có phải vì lợi ích của tập thể cán bộ công nhân viên Cảng Sài Gòn?”.
Trước sự bất hợp lý không thể biện minh được, cuối năm 2007, tại Đại hội CNVC Công ty Tân Thuận, ông Sơn đã có ý kiến phản đối vụ việc này và được các đại biểu đồng tình. Đầu năm 2008, Tổng Giám đốc Lê Công Minh chỉ đạo Ban Mua sắm Cảng Sài Gòn tổ chức đấu thầu để mua lại 2 cần cẩu KOCHS (do Công ty XNK mua trước đó dưới sự bảo trợ của Cảng Sài Gòn, đã cho Cảng Sài Gòn thuê và làm việc ở Cảng Tân Thuận).
Việc mua, thuê cần cẩu KOCHS ở Cảng Sài Gòn được một cán bộ cảng diễn đạt bằng hình ảnh: “Cái đầu” chỉ đạo “tay trái” mua rồi cho “tay phải” thuê, sau đó “cái đầu” lại chỉ đạo “tay phải” mua của “tay trái”… “Phết phẩy” trong trường hợp này có hay không và đã rơi vào tay ai, đó là điều thắc mắc của đa số cán bộ công nhân viên Cảng Sài Gòn vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ!
ĐOÀN HIỆP
----------------
Bài 2: Sử dụng, đề bạt cán bộ tùy tiện.