Mới đây, Bộ GD-ĐT ra chỉ thị yêu cầu các trường ĐH, CĐ trong cả nước phải báo cáo công khai, minh bạch về kết quả điều tra, khảo sát tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT chính thức bắt buộc các trường phải thực hiện, nếu không sẽ có biện pháp xử phạt, cắt chỉ tiêu đào tạo đối với những đơn vị báo cáo không trung thực, kê khống tỷ lệ có việc làm của tân cử nhân, thạc sĩ. Thực tế này cho thấy, việc kiểm định chất lượng đào tạo và quản lý tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm lâu nay chưa chặt, thậm chí còn bỏ ngỏ. Vì thế, mạnh ai nấy làm và không ít trường năng lực có hạn nhưng tự khoe, đánh bóng tên tuổi để chiêu sinh… bằng những con số ảo, tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm cao ngất ngưởng 70% - 80%.
Đây chính là nghịch lý và tỷ lệ có “việc làm ảo” này đang vênh với những “con số biết nói”, thậm chí từng gây nóng nghị trường Quốc hội bởi bức tranh màu xám về thực trạng đào tạo lãng phí; cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp gia tăng từng quý. Theo báo cáo gần đây của Bộ LĐTB-XH, trong quý 2-2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1. Điều đáng nói là trong số thất nghiệp này, có tới 418.200 lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn kỹ thuật, thì có trên 290.000 người trình độ CĐ, ĐH trở lên. Không những thế, kết quả khảo sát cũng cảnh báo thị trường lao động đang thừa nhóm ngành nghề gồm quản trị kinh doanh, kinh tế - tài chính, giáo dục… nhưng lại thiếu kỹ sư công nghệ, chuyên ngành kỹ thuật.
Chính vì thế, việc bắt buộc các cơ sở giáo dục CĐ, ĐH phải tiến hành điều tra, khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp và công khai trên website của trường là cần thiết. Nó không chỉ giúp người học có cái nhìn đúng, chọn lựa ngành nghề phù hợp ở những cơ sở đào tạo có uy tín mà còn hỗ trợ, định hướng thông tin về cơ hội việc làm của các ngành nghề đào tạo mà họ muốn theo học. Hơn nữa, điều này cũng giúp các trường nhìn lại mình để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo, đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời mở cửa, hội nhập sâu với thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang diễn ra rầm rộ, với tốc độ, quy mô phát triển nhanh toàn cầu đang tác động đến các nền kinh tế cũng như đòi hỏi cao về nguồn nhân lực có hàm lượng tri thức, chất xám cao, kỹ năng tinh nhuệ. Để thích ứng với thay đổi này, các trường ĐH trên thế giới đã chủ động thay đổi giáo dục theo kiểu truyền thống sang thực hành, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, theo sát thị trường lao động thời công nghệ cao, kỹ thuật số. Còn nền giáo dục của Việt Nam chuẩn bị hướng đi và thích ứng với đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này như thế nào để tăng kỹ năng, cơ hội tìm việc làm cho sinh viên?
Thực tế cho thấy muốn xây dựng nền giáo dục hội nhập thành công trong thời kỳ toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đòi hỏi các trường ĐH, CĐ phải chủ động “lột xác”, tìm hướng đi riêng, tạo ra sự khác biệt về nâng cao chất lượng đào tạo. Thay vì chạy theo số lượng, họ phải chú trọng chất lượng và chuẩn hóa đầu ra. Ngoài đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội, các trường phải chú trọng đào tạo năng lực khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho sinh viên. Cùng với hành trang kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, sinh viên phải được trang bị năng lực về ngoại ngữ, trình độ công nghệ thông tin đạt chuẩn, am tường môi trường đa văn hóa… Có như thế, họ mới có thể tự tin bước chân vào thị trường lao động thời hội nhập, tìm kiếm việc làm ở trong nước, các công ty đa quốc gia trong và nước ngoài.
Bài toán nan giải về thất nghiệp nói chung, trong đó tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân mở ngành học, mở trường ĐH, CĐ ồ ạt thiếu quy hoạch, buông lỏng quản lý chất lượng là “thủ phạm” chính. Vì thế, cùng với yêu cầu bắt buộc các trường phải công bố tình trạng việc làm, Bộ GD-ĐT phải quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục bậc ĐH, CĐ, xiết chặt chỉ tiêu ngành nghề đào tạo.
Nếu không có giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng đào tạo dư thừa nhưng chất lượng yếu, thiếu nhiều kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo, năng động… thì sinh viên tốt nghiệp không chỉ ngơ ngác mà còn bị đẩy xa khỏi cơ hội việc làm trước cánh cửa hội nhập khu vực lẫn toàn cầu.
KHÁNH BÌNH