Dư luận mấy ngày qua đang hồi hộp dõi theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều đã công bố kết quả thi tốt nghiệp. Nhìn vào bảng thống kê số liệu, không khó để nhận ra tỷ lệ học sinh đậu năm nay cao hơn hẳn năm 2011. Trong đó, Hưng Yên là tỉnh có tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp cao nhất nước với 99,99%. Ngay cả Bắc Giang là nơi diễn ra hàng loạt vi phạm thi cử nghiêm trọng chấn động cả nước như giám thị ném bài giải cho thí sinh, học sinh ngang nhiên trao đổi tài liệu, nghe điện thoại di động khi chưa kết thúc giờ làm bài… cũng có đến 99% thí sinh đậu tốt nghiệp.
Ngoài ra, cả nước còn có hàng trăm ngôi trường đạt tỷ lệ 100% thí sinh đậu tốt nghiệp như: Hải Phòng 41/56 trường, Đà Nẵng 10/20 trường, Lâm Đồng 28/58 trường, Quảng Trị 13/42 trường, Đồng Tháp 25/44 trường… Hy hữu là trường hợp một trường THPT ở Quảng Ngãi, từ tỷ lệ đậu tốt nghiệp 0% vào năm 2007 nay cũng “bứt phá” ngoạn mục, cán mức 100% học sinh đậu tốt nghiệp (?!).
Tuy nhiên, những con số thống kê đẹp như mơ đó không khiến quá nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc. Bằng chứng là ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, đã có hàng ngàn lượt thí sinh và phụ huynh đổ dồn về các TP lớn tìm nơi luyện thi đại học. Nói như vậy để thấy rằng bất chấp kết quả kỳ thi tốt nghiệp, cả thí sinh và phụ huynh đều hiểu rằng kết quả tốt nghiệp chỉ là một trong những yếu tố mang tính thủ tục cho đủ hồ sơ dự thi đại học.
Duy chỉ có một nơi hơn nửa tháng qua sống trong tâm trạng thấp thỏm trông chờ kết quả thi tốt nghiệp. Đó là các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Năm nay, đa số các trường TCCN trên toàn quốc đều công bố tuyển sinh thêm đối tượng tốt nghiệp THCS hoặc đã học xong chương trình THPT nhưng chưa có bằng tốt nghiệp.
Song, năm nào cũng vậy, dù cánh cửa học nghề luôn rộng mở nhưng tình trạng tuyển sinh của các trường TCCN vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, tuyển được 60% - 70% chỉ tiêu đề ra đã là thành công lớn. Bởi không phải địa phương nào cũng “cả gan” như Vĩnh Phúc quy định học sinh học lực yếu, kém không được nộp hồ sơ dự thi ĐH. Mặt khác, theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 2011, có đến hơn 85% học sinh cả nước muốn dự thi ĐH, trong đó 56% sẵn sàng bỏ ra một năm ôn luyện tiếp tục thi lại năm sau nếu chẳng may trượt ĐH.
Qua đó cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay chỉ còn mang tính chất chạy đà hao tổn nhiều sức lực. Tác dụng của nó không nhằm phân loại, sàng lọc bớt thí sinh dự thi ĐH như mục tiêu ban đầu vốn có mà chỉ làm cho áp lực thi cử càng tăng thêm gánh nặng. Kết quả tốt nghiệp có chăng chỉ là “bọc lót” cho những yếu kém trong công tác phân luồng và hướng nghiệp học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Song, điều này có thật sự cần thiết khi kết quả tốt nghiệp năm nào cũng mang nặng tính “chạy đua vũ trang” hơn phát huy thực chất? Phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên bị cuốn vào một kỳ thi hao mòn sức lực nhưng ý nghĩa thật sự chỉ xoay tròn quanh những con số.
THANH THU