Những con số nói thật

Ngày 22-1, đến dự Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu xóa đi những ngờ vực về tính khách quan của số liệu thống kê. 
Đánh giá cao kết quả thầm lặng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống thống kê, người đứng đầu Chính phủ cho biết, khi quý 1-2017 tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,15%, một mức thấp đến bất ngờ, nhiều người đã khuyến nghị Thủ tướng nên điều chỉnh chỉ tiêu để không mang tiếng là không hoàn thành kế hoạch. 

Thủ tướng chia sẻ rất thật rằng, lúc ấy, cảm thấy con số này như một “cái tát” đối với Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, ông đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cùng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngồi lại để đưa ra các kịch bản tăng trưởng của quý 2, 3 và 4, làm rõ các sản phẩm chủ lực, các lĩnh vực trọng điểm để chỉ đạo, gắn liền với trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, trưởng các đơn vị, các địa phương. Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan của số liệu thống kê và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ làm công tác thống kê”. 
Kết quả, “kỳ tích tăng trưởng” của năm 2017 có phần đóng góp của ngành thống kê - thông qua việc theo dõi sát sao các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành sản xuất và kịp thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, điều hành nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, xử lý một cách hiệu quả những “điểm nghẽn”, nổi cộm của từng thời kỳ. Đây cũng chính là cơ sở để hoạch định các chiến lược, quy hoạch của quốc gia, của ngành và các địa phương, từ đó hình thành các cơ chế chính sách phát triển đất nước. 

Nhưng khách quan cũng mới chỉ là điều kiện đủ để có được những số liệu thống kê chất lượng nhất có thể. Thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu trong công tác thống kê cần tiếp tục điều chỉnh, bổ khuyết, Thủ tướng yêu cầu ngành thống kê trong thời gian tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê; nhằm tính đúng, tính đủ phần đóng góp vào GDP cũng như những chỉ số khác của khu vực kinh tế chưa được quan sát (bao gồm 5 thành tố: kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, kinh tế phi chính thức, kinh tế tự sản tự tiêu và phần bị bỏ sót - PV). Quan trọng hơn, đồng thời cũng là nhiệm vụ nặng nề hơn, ngành cần nỗ lực nâng cao tính dự báo, khả năng phân tích bối cảnh kinh tế quốc tế, các yếu tố của thị trường thế giới có thể ảnh hưởng tới Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và ngỏ ý sẵn sàng trực tiếp lắng nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin về những vấn đề quốc tế và trong nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành.

Cũng tại hội nghị, báo cáo do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trình bày tại hội nghị cho biết, năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải tiến các phương án điều tra phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào nghiên cứu cải tiến phương án điều tra doanh nghiệp theo hướng tăng cường sử dụng dữ liệu của các bộ ngành, đặc biệt là của cơ quan thuế. 

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm bổ sung kết quả của một số hoạt động kinh tế chưa được thu thập và biên soạn trong chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội và tổng sản phẩm địa phương (GDP, GRDP); nghiên cứu phương pháp, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để chuyển đổi năm gốc so sánh từ năm 2010 sang năm 2020; chuẩn bị Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và các cuộc điều tra thường xuyên của ngành; tập trung xử lý kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017... 

Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong năm 2017, toàn ngành đã thực hiện 1 cuộc tổng điều tra và 28 cuộc điều tra thống kê lớn, quan trọng trong kế hoạch, trong đó có cuộc tổng điều tra kinh tế. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 lần đầu tiên thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa cho nước ngoài của các doanh nghiệp, của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Còn nhớ, chỉ cách đây vài ngày, trong một cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định với báo giới về quyết tâm “chụp” cho được bức ảnh sát thực nhất với thực tế của nền kinh tế. Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát đang được Tổng cục gấp rút chuẩn bị trình Chính phủ, song được dự báo là có thể gặp không ít khó khăn, không chỉ từ khía cạnh kỹ thuật mà ngay từ nhận thức, quan niệm... Tập hợp và xử lý số liệu dù có cẩn thận đến đâu mà sai lệch ngay từ khâu khai báo thì cơ quan thống kê quốc gia cũng đành… bó tay! 

Một yếu tố quan trọng nữa cũng cần kể đến là tính độc lập của cơ quan thống kê. Ý thức được điều này, tại cuộc tổng điều tra vừa rồi, một điểm mới là có nhiều phần việc do cơ quan thống kê quốc gia trực tiếp thực hiện, thay vì để địa phương báo cáo như trước. Việc làm này đã góp phần ngăn chặn “bệnh thành tích” và những yếu tố tác động khác.

Quả thực, chỉ khi có được những con số biết nói (và nói thật) thì mới có thể phân tích, đánh giá, xây dựng cơ sở nền móng vững chắc cho những quyết sách xác đáng trong ngắn hạn, cũng như những quy hoạch có tính khoa học và tầm nhìn dài hạn. Nếu ví số liệu thống kê như nguyên liệu đầu vào, thì có thể nói, không có bột tốt làm sao có được bánh ngon! 

Tin cùng chuyên mục