Hành trình bị kéo dài, phí tổn nhiên liệu tăng, nguy cơ tai nạn giao thông cao... Đó là những hệ lụy do tình trạng cầu đường xuống cấp đang diễn ra phổ biến ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. “Hung thần” phá đường đã được định danh là xe quá tải, xong đến thời điểm này, ngành giao thông vận tải vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Theo ông Đào Văn Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc, hàng chục tuyến quốc lộ trên địa bàn địa phương này đều đang bị hoành hành bởi nạn xe quá tải. Trong đó, trên QL2 lúc nào cũng nườm nượp các loại xe có 3 trục, 4 trục bánh, xe sơmi rơmoóc, xe container từ cảng Hải Phòng ngược lên; các xe tải từ các tỉnh phía Bắc sang. Tương tự, các QL2B, 2C và các tuyến tỉnh lộ cũng đang oằn mình phục vụ các các phương tiện chở vật liệu xây dựng, chở quặng cho các khu công nghiệp địa phương. Hầu hết các phương tiện này đều chở quá tải, các xe có 3-4 trục bánh chở 40 - 80 tấn, khiến đường xuống cấp nhanh, mặt đường bị lún, võng, phát sinh nhiều ổ gà...
Không kém phần bức xúc là các tuyến giao thông đường bộ địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo thông tin từ Sở GTVT Hải Dương, tình trạng đường hư hỏng do xe quá khổ, quá tải tập trung chủ yếu trên các tuyến vận chuyển vật liệu xây dựng từ các nhà máy lớn như Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Hải Dương, các mỏ khai thác đá, quặng sắt địa bàn huyện Kinh Môn, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công các công trình trọng điểm.
Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM tình trạng cầu đường xuống cấp do xe quá tải cũng rất nghiêm trọng. Theo ước tính, nhiều tuyến QL hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500-2.000 xe quá tải.
Theo Tổng cục ĐBVN, tốc độ tăng trưởng xe tải từ năm 2002 đến năm 2010 diễn ra tương đối nhanh (tăng trưởng bình quân 8,67%/năm). Năm 2002 số lượng xe tải có tải trọng từ 7 tấn trở lên là 57.317 xe thì đến năm 2010 số lượng đã đạt 111.491 xe. Và đến đầu năm 2013 số lượng xe tải ở nước ta đã đạt mức 652.111.
Nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng xe quá tải là trong một thời gian dài hàng rào kỹ thuật để hạn chế tổng trọng lượng của xe chưa đầy đủ và chưa chặt chẽ. Chưa quy định cụ thể về kích thước, giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơmoóc và sơmi rơmoóc tải tự đổ, ô tô xitéc, rơmoóc và sơmi rơmoóc... Ngoài thực tế, rất nhiều chủng loại xe tải nguồn gốc Trung Quốc còn được cơi cao thùng xe để chở thêm được nhiều hàng mặc dù nếu chở vật liệu xây dựng vừa đủ theo thể tích thùng xe cũng đã vượt tải cho phép của đường bộ. Bên cạnh đó, hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe còn quá ít, trình độ khoa học công nghệ còn quá kém so với nhu cầu thực tế.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng xe quá tải là các văn bản pháp lý hiện chưa có quy định cụ thể trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các đối tượng liên quan đến vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa trên xe ô tô liên quan đến tải trọng cầu đường, đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thể quản lý xe quá tải ngay tại đầu nguồn hàng.
Theo Tổng cục ĐBVN, trong giai đoạn hiện nay, ngân sách nhà nước đang hạn hẹp nên Chính phủ ra sức kêu gọi xã hội hóa, khuyến khích các nhà tài trợ, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, sự xuống cấp quá nhanh các công trình đường bộ do ảnh hưởng của xe quá tải đang làm lo ngại cho các nhà đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT, BTO và BT. Chính vì vậy, ngăn chặn xe quá tải một lần nữa lại cần rung chuông báo động.
BÍCH QUYÊN