Thư nước Pháp
Thành phố Lille đã phải chứng kiến một trong những cuộc loạn đả đáng tiếc nhất của EURO 2016, đã có thêm người bị bắt, bị thương.
Có gì đáng nói không nếu người bị cảnh sát bắt giữ có quốc tịch Anh trong khi trận đấu ở Lille lại diễn ra giữa Nga và Slovakia? Người ta thấy các CĐV Nga và Slovakia vẫn vui vẻ chụp ảnh, nhảy múa với nhau. Trong trận đấu, trên khán đài đã có pháo sáng nhưng không có một vụ rắc rối nào xảy ra mặc dù Nga đã để thua Slovakia và đối diện với nguy cơ về nước sớm.
Việc CĐV Anh xuất hiện ở Lille trong khi đội bóng của họ lại đang có mặt tại Lens, cách đó khoảng 40 cây số, cho thấy có vẻ như một số hooligans muốn tìm đến CĐV Nga để gây sự. Phía văn phòng cảnh sát của Lille cho biết, lực lượng an ninh được điều động đến và sử dụng các biện pháp trấn áp mạnh tay nhất. Họ nhìn thấy ngay một vụ cố tình gây bạo loạn chứ không phải là những sự cố giữa các nhóm CĐV. Tóm lại, đấy là những kẻ cố tình đánh nhau, không liên quan gì đến bóng đá.
Ở nước Pháp những ngày này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân thiện của CĐV Ireland, một trong những “du mục bóng đá” có tiếng ở châu Âu. Họ đi cổ vũ bóng đá cực kỳ chuyên nghiệp. Một trong bí quyết của họ đó là tổ chức đi theo nhóm, đến thành phố nào thì tranh thủ lấy cảm tình của nơi đó. Rất dễ chứng kiến những hình ảnh CĐV áo xanh lá cây của Ireland cùng nhau giúp đỡ cho người dân địa phương. Các khách sạn mà họ cư trú đều luôn mang đầy màu sắc với các lá cờ Ireland treo cùng cờ nước Pháp. Những bài bản này dường như đã được chuẩn bị trước nhằm tránh các rắc rối không đáng có đối với cư dân địa phương. Đây là lý do mà người đứng đầu nhóm an ninh của Ireland sang Pháp để phối hợp cùng chính quyền sở tại khẳng định: Ireland không bao giờ gây chuyện trong bóng đá.
Nếu có mặt trên khán đài trận Nga – Slovakia, có lẽ bạn cũng sẽ cảm nhận được bầu không khí bóng đá đơn thuần của CĐV Nga. Họ cũng chan hòa, nhiệt tình và không hề muốn có rắc rối. CĐV thì ở đâu cũng thế, thứ duy nhất họ quan tâm đó là bóng đá, là đội tuyển của mình. Chẳng ai muốn đánh nhau để rồi bị mất cơ hội xem bóng đá.
Ở góc độ khác, việc truyền thông quốc tế quá hồ hởi đưa tin về những vụ loạn đả ngoài đường phố khiến cho EURO 2016 mang hình ảnh xấu. Trên thực tế, các vụ đánh nhau đó đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng an ninh. Nước Pháp vừa trải qua một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử, diễn ra trên toàn quốc, nhưng đâu có nghĩa là EURO 2016 bị đe dọa…
LONG KHANG (Từ Paris)