Những kỷ niệm khó quên với bóng đá Liên xô và Euro

LTS: Nhân dịp Euro 2008, SGGP Thể Thao mở thêm chuyên mục "Euro trong mắt tôi" dành cho độc giả của SGGP Thể Thao. Chuyên mục này sẽ chuyển tải góc nhìn của bạn đọc khắp nơi về Euro 2008 qua các bài viết về những ấn tượng, những kỷ niệm nhân mùa Euro 2008, và cả những bài thơ sáng tác được qua những đêm thức trắng xem bóng đá. Bài viết xin gửi về địa chỉ: Ban Thể Thao báo Sài Gòn Giải Phóng (432-438 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TPHCM) và mail: toasoan@hcm.vnn.vn. Đồng thời, xin các bạn ghi rõ địa chỉ và số điện thoại để tiện liên lạc. Các bài viết được chọn đăng đều có nhuận bút.

LTS: Nhân dịp Euro 2008, SGGP Thể Thao mở thêm chuyên mục "Euro trong mắt tôi" dành cho độc giả của SGGP Thể Thao. Chuyên mục này sẽ chuyển tải góc nhìn của bạn đọc khắp nơi về Euro 2008 qua các bài viết về những ấn tượng, những kỷ niệm nhân mùa Euro 2008, và cả những bài thơ sáng tác được qua những đêm thức trắng xem bóng đá.
 
Bài viết xin gửi về địa chỉ: Ban Thể Thao báo Sài Gòn Giải Phóng (432-438 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TPHCM) và mail: toasoan@hcm.vnn.vn. Đồng thời, xin các bạn ghi rõ địa chỉ và số điện thoại để tiện liên lạc. Các bài viết được chọn đăng đều có nhuận bút.
 
Những ngày còn bao cấp, nhà nghèo không có ti vi, hàng tuần tôi vẫn háo hức chờ đến tối thứ Năm để xem chương trình Câu lạc bộ TDTT của Đài truyền hình Việt Nam (lúc đó chưa chia thành VTV1, VTV2, VTV3 như bây giờ). Thuở ấy, những trận đấu ở giải VĐQG Liên Xô (cũ) có một sức cuốn hút đến kỳ lạ đối với chúng tôi - những cậu bé mới lớn, cho dù chỉ là hình ảnh mờ mờ qua chiếc ti vi đen trắng của bác nhà hàng xóm. Những cái tên vần ốp, ép, cô… và những đội bóng như Spartak Matxcova, Dinamo Kiev, Dinamo Matxcova, Dinamo Tbilitsi… dần dần trở nên thân thuộc đối với những người hâm mộ bóng đá Việt Nam thuở ấy, trong đó có tôi.
 
World Cup năm 1986, khi mà đội tuyển Liên Xô bị thua đội tuyển Bỉ ở vòng 2 do bị trọng tài bắt việt vị sai, tôi (lúc ấy còn bé) đã khóc hết nước mắt vì tiếc cho đội bóng yêu thích của mình đã không giành được quyền đi tiếp vào vòng trong. Hôm sau, nghe một anh bạn nói: "Này, hình như FIFA treo còi lão trọng tài ấy và xử cho đội tuyển Liên Xô của mày lọt tiếp vào tứ kết đấy", tôi đã mừng như phát điên và lùng gần khắp thành phố để tìm tờ báo Thể thao Văn hóa (lúc đó còn khó kiếm chứ không như bây giờ) để xem thực hư thế nào. Rồi khi biết mình bị lừa, tôi đã suýt đánh nhau với anh chàng đó vì tội dám "lừa đảo". Và cho đến bây giờ, sau gần 20 năm, tình yêu đối với bóng đá Liên Xô cũ vẫn không hề thay đổi.
 
Nhìn lại gần 20 năm "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" thì kỷ niệm ấn tượng nhất vẫn là trận chung kết Euro 1988 giữa Liên Xô và Hà Lan. Năm đó, tôi đang bận bù đầu vì chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp. Bài vở nhiều, nên chỉ có những trận thật quan trọng mới dám thức đêm xem. Oái oăm thay, sáng hôm sau trận chung kết giữa Hà Lan và Liên Xô, tôi lại phải thi môn quyết định.

Tối đó, tôi quyết định đi ngủ sớm để lấy sức dậy xem trận chung kết. Thao thức trằn trọc mãi không ngủ được, 1 tiếng trước giờ bóng lăn, tôi buộc phải choàng dậy vì… mất điện. Hốt hoảng, tôi lén mở cửa đi ra ngoài, nhưng tìm mãi vẫn không thấy nơi nào có ánh điện. Phải đi bộ gần 5 km mới đến khu vực có điện và phải nói khó mãi với một nhà còn sáng đèn, họ mới cho tôi "tá túc" để xem bóng đá.

Cũng may là ông chủ nhà cũng yêu bóng đá và thế là tôi lại có người cùng bình luận về trận chung kết trước giờ bóng lăn. Kết thúc trận đấu tôi đi bộ về nhà đã gần 5 giờ sáng và vừa đủ thời gian để ăn sáng cũng như "tiêu hóa" thất bại của đội tuyển "con cưng". May sao, kỳ thi đó đã trôi qua một cách trót lọt, dù đêm trước tôi đã gần như thức trắng.
 
Nhắc lại những kỷ niệm xưa để thấy rằng, Euro giờ đây vẫn... thiêng liêng, đáng được chờ đợi không chỉ riêng với tôi mà với tất cả những đệ tử trung thành của "túc cầu giáo".
 

THÁI HƯƠNG
 (Tổng công ty hàng không, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục