Những kỹ sư miệt vườn

Những kỹ sư miệt vườn

Đến cù lao An Bình (huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long), du khách không chỉ đến với những loại hình du lịch sinh thái, những làn điệu đờn ca tài tử mượt mà sâu lắng, mà còn đến với vùng đất của những “kỹ sư miệt vườn” có những sáng kiến độc đáo, biết làm cho các loại cây kết trái trổ hoa nghịch mùa...

“Người khùng” ở đất cù lao

Trước kia, nếu ai đến thăm cù lao An Bình khó có thể quên cảm giác lênh đênh trên những chiếc xuồng ba lá, len lỏi qua những con rạch chằng chịt như một mê cung, hai bên là những vườn nhãn bạt ngàn xanh mướt, cây trái trĩu cành như níu chân người nán lại thưởng thức vài quả nhãn ngọt lịm đầu mùa, trong tiếng đờn ca tài tử réo rắt mà mùi mẫn dễ nào quên. Xuồng qua một khúc sông là gặp một lò sấy nhãn, mùi nhãn sấy nồng nàn quyến rũ, hiếm nơi đâu có được. Bởi vậy, thuở ấy cù lao An Bình còn có tên cù lao Nhãn. Một thời người dân cù lao phất lên nhờ nhãn. Nhưng hào quang đó chỉ tồn tại vài năm. Rồi như một quy luật khắc nghiệt, hàng năm đến mùa nhãn chín rộ, giá cả cứ liên tục rớt thảm hại, riết rồi bán như cho, người trồng nhãn lỗ nặng. Đó cũng là lý do cây nhãn dần biến mất, nhường cho cây chôm chôm, sầu riêng, sa bô chê… Rồi cũng điệp khúc trúng mùa rớt giá như một cái vòng luẩn quẩn oan nghiệt cứ bám mãi người dân cù lao không thoát khỏi sự lận đận nhọc nhằn.

Thu hoạch chôm chôm nghịch mùa

Có một thanh niên ở cù lao An Bình không chịu an phận theo quy luật của thời tiết mà cây ra hoa kết trái. Anh mày mò nghiên cứu, sưu tầm sách vở rồi mạnh dạn áp dụng theo phương pháp mới, bắt cây đơm hoa kết trái theo ý muốn của mình, tạo ra mùa trái vụ. Mùa đầu tiên anh… thất bại, tiền vốn mất trắng. Nhiều người nói anh bị tâm thần, đi ngược quy luật tự nhiên. Đó là anh Phạm Văn Đoàn, sinh năm 1971, ngụ tại xã Bình Hòa Phước. Nhưng Đoàn không nản chí, anh cho rằng “thất bại là mẹ thành công”. Anh miệt mài tiếp tục nghiên cứu, chỗ nào chưa hoàn chỉnh bổ sung, khắc phục. Vào mùa thứ hai, sự kiên trì của anh mang lại kết quả tốt đẹp. Nghiên cứu của anh áp dụng cho cây ra trái nghịch vụ, tuy chưa được như ý muốn, nhưng bù lại, chôm chôm mùa nghịch của anh bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi chôm chôm mùa thuận chỉ bán được 2.000 đồng/kg tại vườn. Vậy là từ đó, anh Đoàn không còn bị gọi là người “khùng” nữa, mà là “vua” trái cây mùa nghịch. Và cũng từ đó, người dân cù lao An Bình kéo đến học tập anh Đoàn phương pháp cho cây ra trái nghịch mùa. Tiếng lành đồn xa, các trường đại học đưa sinh viên đến quan sát thực tế và học tập kinh nghiệm của anh Đoàn. Họ gọi anh là “kỹ sư miệt vườn”.

Mùa đậy mũ

Phà Đình Khao ngày ngày đưa đón khách trên dòng sông Cổ Chiên, nối liền TP Vĩnh Long với cù lao An Bình. Tôi sang đất cù lao trên chuyến phà đông người, vô tình gặp anh Cao Văn Rinh ở xã Bình Hòa Phước, nhà có 2 công chôm chôm đang thời đậy mũ mùa nghịch. Nghe anh nói vanh vách về kỹ thuật đậy mũ, vừa lạ vừa hấp dẫn đã thu hút tôi theo chân anh đến khu vườn của anh. Đưa tôi vào vườn chôm chôm, anh nói như tâm sự: “Cuộc sống gia đình tôi mọi thứ đều trông cậy vào vườn cây này. Hàng ngày tôi chăm sóc vườn cây như chăm con mọn. Theo dõi từng cây, xem coi chúng có mầm bệnh nào xảy ra để có cách vun phân, tưới nước kịp thời. Bởi vậy, những khi rớt giá, lòng đau như cắt”. Đi vòng quanh vườn chôm chôm, tôi ngạc nhiên khi thấy có những cây dưới gốc quấn quanh một lớp vải nhựa hình nón, cao gần 1m. Anh Rinh giải thích đó là “đậy mũ”, làm như vậy cho mưa không thấm vào gốc. Đây là thời gian cách ly với nước, cho rễ cây khô để tạo mầm. Thời gian này cũng không bón phân, kéo dài 50 ngày. Đây là thời gian quan trọng nhất và cũng nguy hiểm nhất, phải có con mắt nhà nghề, xem cây chịu đựng đến mức nào, nếu để cây thiếu nước quá sức chịu đựng là nó chết luôn, không thể chuyển từ sinh trưởng sang sinh sản được. Anh Rinh giải thích: “Tùy theo sự nhạy cảm của từng cây mà xử lý, không phải cây nào cũng giống nhau. Sau thời gian cây chịu khát, mới nhấp nước từ từ, rồi bất ngờ bơm nước cho ngập mặt liếp chừng một giờ, sau đó để nước rút khô trở lại từ 10 đến 15 ngày. Khi thấy cây bắt đầu có nụ bông, thì bón phân và cho nước chảy vào mương”. Thấy người hàng xóm đang chăm sóc vườn chôm chôm cạnh bên, anh Rinh đưa tôi sang và giới thiệu: “Đây là anh Trần Hoàng Năm, một trong những lão làng trồng chôm chôm trái mùa, anh Năm sẽ cho anh biết thêm những điều kỳ thú về cây chôm chôm”. Anh Năm cởi mở: “Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 11 là vào mùa nghịch, cực lắm, có khi giữa đêm phải thức dậy ra canh con nước, mực nước cao phải lội mương xả bọng cho nước rút. Đến khi cây trổ bông, hàng ngày phải xử lý nước cho phù hợp, thấy nụ bông còn nhọn như mỏ con cá chạch là chưa được, chờ nụ lớn bằng đầu đũa mới nhấp nước liền. Nhấp nước hai lần, mỗi lần cách nhau nửa tháng”.

Nghe các anh trình bày về phương pháp cho cây trổ bông nghịch mùa thật hấp dẫn, vì nó thể hiện sự thông minh, nắm bắt sự chuyển động của từng cây khác nhau. Hay nhất là nắm bắt quy luật từ sinh trưởng sang sinh sản để đạt hiệu quả cho cây ra trái nghịch mùa. Các anh đúng là những “kỹ sư miệt vườn”.

Đôi điều băn khoăn

Anh Hồ Thanh Thế (Bảy Thế) ngụ ấp Phú Thạnh 1 xã Đồng Phú, trồng 200 gốc sầu riêng với diện tích 15.000m² nay đã 12 năm. Thấy bà con lối xóm trồng nhãn, chôm chôm cho ra trái nghịch mùa bán có giá, nhất là xuất khẩu sang châu Âu với giá gấp 3 lần bán ở thị trường nội địa, anh Thế cũng chuyển sang nghiên cứu cho sầu riêng kết trái nghịch mùa và thành công ngoài mong đợi. Dẫn chúng tôi vào vườn sầu riêng đang ra trái nghịch mùa, anh cho biết sầu riêng từ lúc ra bông đến thu hoạch chỉ 3 tháng. Mùa nghịch từ tháng 6 đến tháng 9 và bán lai rai đến tết. Tiếp đó tới mùa thuận từ tết ra hoa, sang tháng 3 có trái để bán. Anh hái một trái sầu riêng chín cây, rồi tách ra mời tôi ăn ngay trong vườn với nét mặt đầy tự hào, rồi tâm sự: “Đây là loại sầu riêng độc đáo tôi đã nghiên cứu thành công. trái có hương vị ngọt thanh, thơm lừng, không hạt, ruột màu vàng rượm rất hấp dẫn”. Nghe anh nói tôi góp ý: “Vậy sao anh không tính đến chuyện xuất khẩu sầu riêng?”. Gương mặt anh Bảy Thế thoáng băn khoăn, anh ngập ngừng: “Những người trồng sầu riêng như tôi luôn mơ ước sầu riêng sẽ được xuất khẩu. Tuy có một số giống sầu riêng của chúng ta chất lượng hơn hẳn sầu riêng Thái Lan nhưng lại thua về mẫu mã, màu sắc… khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng chưa tốt nên khó xuất khẩu đại trà. Vấn đề này rất cần đến sự giúp đỡ của các bộ ngành chức năng.

Anh Bảy Thế chợt buồn: “Điều chúng tôi lo lắng hiện nay là các loại hàng hóa Thái Lan đang ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam, tất cả đều giá rẻ và chất lượng, trong đó có sầu riêng. Tuy người dân đề cao tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng khi đứng trước hai món hàng giống nhau, một bên đạt chất lượng lại giá rẻ, còn một bên giá cao, thì...”. Anh Bảy Thế bỏ lửng câu nói, nhưng tôi biết anh đang băn khoăn điều gì.

Nắng chiều nghiêng xế bóng, anh Bảy Thế tiễn tôi ra bến phà Đình Khao để trở về bên kia sông Cổ Chiên. Anh bắt chặt tay tôi rồi nói giọng cương quyết: “Phải giành lại thế chủ động ở thị trường nội địa. Tôi sẽ cố gắng hết sức trong vấn đề nhân những giống sầu riêng tốt, để sầu riêng Việt Nam có thương hiệu riêng trên thị trường thế giới”. Và tôi tin như vậy, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được sáng tạo, vun bón từ những bàn tay và khối óc của những kỹ sư miệt vườn sẽ ngày càng vươn xa.

Nguyễn Tường Lộc

Tin cùng chuyên mục