Trong buổi họp báo mới đây, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cho biết sẽ thuê HLV ngoại cho đội tuyển quốc gia, một động thái được cho là nhằm giải quyết tình trạng quân tôi – quân anh vốn lùm xùm trước SEA Games 26. Có 2 điều đáng tiếc: Thứ nhất là đến nay mới tính đến chuyện thuê HLV ngoại là quá trễ đối với một môn rất cần trình độ của chuyên gia nước ngoài như quần vợt. Thứ hai, dù đã hứa sẽ tự cân đối thu chi nhưng hiện ngân sách hoạt động cũng như tiền thuê HLV ngoại vẫn do nhà nước gánh vác phân nửa.
Quần vợt là một môn mà trên thế giới vốn đã chuyên nghiệp từ… xa lắc với hàng ngàn giải đấu có tiền thưởng suốt năm. Tại Việt Nam, môn này được xếp vào hàng xã hội hóa nhanh nhất, dễ nhất. Vậy mà rốt cục, vẫn phải dùng tiền nhà nước và thành tích cũng chẳng cải thiện được gì.
Ở môn bóng chuyền, vốn đã chuyên nghiệp hóa chẳng kém gì bóng đá, cho đến nay vẫn chưa tìm được tổng thư ký mới sau khi ông Trần Đức Phấn “hạ cánh an toàn” về Tổng cục TDTT với hàm Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao. Cách đây 3 năm, khi nhậm chức tổng thư ký, ông Phấn đã hứa đưa bóng chuyền Việt Nam vào tốp đầu châu Á ở nữ và đứng đầu Đông Nam Á ở nam. Kết quả là thành tích vẫn cứ thụt lùi nhưng cá nhân ông cựu tổng thư ký thì lại “lên” để lại một mớ ngổn ngang mà không ai dám nhận.
“Tiêu biểu nhất” trong các lời hứa chính là môn bóng đá khi kế hoạch vào tốp 15, tốp 10 châu lục vẫn đang phải bàn tới bàn lui chưa chốt thời gian là 20 năm nữa hay nhiều hơn. Trong khi đó, ngay chuyện vô địch Đông Nam Á thôi đến nay vẫn mông lung. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn chưa tìm được HLV trưởng, chưa xây dựng được vị trí giám đốc kỹ thuật trong khi mùa giải 2012 đã đi gần hết nửa đường mà chưa hề tìm ra tài năng mới.
Hiện VFF buộc phải tính chuyện gọi các ngoại binh nhập tịch để đá AFF Cup cuối năm nay hòng chữa cháy cho lời hứa sẽ khôi phục vị thế bóng đá Việt Nam sau thất bại thảm hại ở SEA Games 26. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, có thể đây vẫn chỉ là lời hứa hão.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao khi đã chuyên nghiệp hóa, có sự hỗ trợ tích cực từ nhiều nguồn lực xã hội mà những lời hứa vẫn không thể thực hiện được? Trả lời: Vì dù đã có nhiều sự chủ động nhưng những lời hứa vẫn hoàn toàn không dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng. Nói đúng hơn, các kiểu làm kế hoạch vẫn máy móc, duy ý chí và thường được soạn thảo bởi các viên chức nhà nước được biệt phái sang làm công tác liên đoàn. Chất lượng con người ra sao, bản kế hoạch sẽ như vậy. Kế hoạch càng thiếu thực tế, chắc chắn vẫn chỉ là hứa hão mà thôi.
Ví dụ như kế hoạch thi đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia năm 2012 chỉ mới là dự kiến, theo kiểu đến hẹn lại lên thay vì chủ động chọn lựa các trận đấu hạng A của FIFA để tìm “quân xanh” thường xuyên. Với bản kế hoạch đó, VFF cũng cứ thủng thẳng tìm HLV và cũng chẳng lấy cơ sở nào để định lượng được trình độ của đội tuyển tại AFF Cup cuối năm nay khi đến đầu tháng 9 mới bắt đầu giai đoạn tập huấn.
Hoặc như việc đội tuyển bơi lội đang ở Mỹ tập huấn chẳng hạn. Đã sang đó hơn 1 tháng nhưng nay lại có thể phải về nước sớm do không phù hợp điều kiện tập luyện. Chẳng biết khảo sát, tiền trạm thế nào mà chẳng ai lường trước các phát sinh. Đã nắm không kỹ vậy mà vẫn tiêu tiền ngân sách tập huấn rồi lại đặt ra các chỉ tiêu đạt chuẩn Olympic cho VĐV trong thời gian ở Mỹ.
Chẳng trách sao ở Việt Nam người ta luôn cho rằng làm lãnh đạo ngành thể thao là việc dễ nhất bởi cứ hứa rồi thất hứa cũng chẳng sao khi mà mọi thiệt hại đều do ngân sách nhà nước gánh chịu nhưng chẳng ai bị truy cứu trách nhiệm vì thành công hay thất bại cũng… chẳng chết ai.
Việt Quang