Những lời ru mênh mang

Những lời ru mênh mang

Theo báo cáo “Tình hình Trẻ em thế giới 2007” của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 36% phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi trên thế giới lập gia đình hoặc sống như vợ chồng trước tuổi 18, phổ biến nhất là ở hạ Sahara châu Phi và Nam Á. Vì sao những “cô dâu trẻ con” này vẫn buộc phải lên xe hoa?

Những cô dâu nhỏ tuổi

Những lời ru mênh mang ảnh 1
Các cô dâu ở Kandahar (Afghanistan) đều là trẻ em

Theo UNICEF, nạn tảo hôn rất phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi có đến 1/3 phụ nữ lấy chồng trước tuổi 18. Thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khẳng định ít nhất 1/3 số “em gái” ở Nigeria lấy chồng khi chưa được 15 tuổi (phổ biến là tuổi 13, có trường hợp chỉ 9 hoặc 10 tuổi) và 75% lấy chồng trước 18 tuổi.

Ở Afghanistan, Ủy ban nhân quyền độc lập (AIHRC) tại nước này khẳng định, hơn một nửa số vụ hôn nhân ở tỉnh miền Nam Kandahar là tảo hôn. Ở Ấn Độ, 46% phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi lấy chồng hoặc sống như vợ chồng trước tuổi 18, còn ở những khu vực nông thôn, tỷ lệ này có thể là 55%. Ở Nepal, tỷ lệ tảo hôn là 56%, còn ở Dải Gaza (Palestine), tỷ lệ này cũng chiếm đến 42%.

Trong nhiều trường hợp, nạn tảo hôn là một phong tục truyền thống rất phổ biến. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác, trong đó có động cơ kinh tế. Ở hạ Sahara châu Phi, gia đình cô dâu nhận được đồ thách cưới có giá trị từ gia đình chú rể - nhiều khi là gia súc. Ở Ấn Độ, nơi những gia đình nghèo phải vay nợ để lo một khoản hồi môn cho gia đình chú rể, số tiền họ phải trả sẽ ít hơn nếu cô gái còn trẻ. Một lý do khác là nhiều gia đình muốn tránh cho con gái họ bị xâm hại tình dục, nên thường cho con gái lấy chồng sớm.

Không chỉ có những lời ru buồn

Những lời ru mênh mang ảnh 2

Lấy chồng ở Nigeria đồng nghĩa với lao động nặng nhọc

Lấy chồng sớm còn có nghĩa là việc học tập sẽ không thể tiếp tục, và vì thế cơ hội tốt nhất để vươn lên trong cuộc sống cũng không còn nữa. Lấy chồng có nghĩa là những bé gái vô tư phải bước vào cuộc mưu sinh với gia đình chồng, phải mang thai sớm và chịu đựng biết bao vấn đề về sức khỏe mà nó kéo theo.

Đối với những em gái, việc mang thai sớm là mối đe dọa đối với sức khỏe của chính bản thân và con cái các em. Những phụ nữ dưới 15 tuổi có tỷ lệ tử vong khi sinh cao gấp 5 lần những phụ nữ hơn 20 tuổi. Các em cũng có nguy cơ mắc bênh truyền nhiễm qua đường tình dục nhiều hơn những phụ nữ lớn tuổi.

Về khía cạnh toàn cầu, nạn tảo hôn đã trở thành một rào cản gần như đối với tất cả “Mục tiêu Thiên niên kỷ” mà Liên Hợp Quốc đặt ra: giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, xúc tiến bình quyền nam - nữ, bảo vệ trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em và đấu tranh chống các bệnh dịch.

Giải pháp nào?

UNFPA mong muốn các quốc gia quy định tuổi kết hôn hợp pháp phải từ 18 tuổi trở lên. Chỉ như vậy, các em gái mới có thời gian để cơ thể phát triển và trưởng thành. Làm được điều đó, tỷ lệ tăng dân số ở các nước đang phát triển mới giảm được.

Ông Djibrilla thuộc Tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế (DEI) cho rằng, để chấm dứt nạn tảo hôn ở một số quốc gia mà giới tôn giáo có vai trò lớn, cần khuyến khích vai trò của các vị chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền chống tệ nạn này. Những quy định không còn phù hợp cũng nên được sửa đổi. Ví dụ như ở nhiều nước phương Tây và Hồi giáo, việc quan hệ tình dục với trẻ em được coi là phạm tội và sẽ bị bỏ tù. Tuy nhiên, ở một số nước như Nigeria, nam giới chỉ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em khi quan hệ ngoài hôn nhân.

Về phần mình, Suraya Subhrang, một chuyên gia của AIHRC cho rằng nạn tảo hôn là một hiện tượng xã hội phức tạp chỉ có thể giải quyết bằng một chính sách phát triển dài hạn trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế và văn hóa và phải được áp dụng trên phạm vi toàn quốc gia.

Hà Vy (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục