Những mùa Euro kỷ niệm!

Sức nóng của những trận cầu nảy lửa trên đất Áo và Thụy Sĩ khiến tôi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về những mùa Euro đã qua...

Kỳ Euro đầu tiên mà tôi được biết là vào năm 1988. Giải đấu đó chỉ đến với tôi, một đứa trẻ vừa học xong lớp 5 ở một làng quê tỉnh Thanh Hóa, qua trang tin thể thao của báo Nhân Dân hay qua lời kể của các cậu, các chú và các anh trong xóm.

Lúc đó, tình yêu của dân ta dành cho đội tuyển Liên Xô rất lớn, thế nên khi “anh cả” chịu thất bại 0-2 trước Hà Lan trong trận chung kết, nhiều người rất thất vọng. Lần ấy, nghe nói bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 của Van Basten đẹp lắm, nhưng mãi đến tận năm 2008 này, tôi mới được thưởng thức hình ảnh của nó qua chương trình điểm lại các VCK Euro của VTC.

Euro 1992, nhà vẫn chưa có tivi, mà “phụ huynh” thì vẫn cấm tôi đi xem bóng đá vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặc dù vậy, tôi vẫn âm thầm… trốn đi xem đều đặn. Tối vẫn lên giường nằm bình thường, nhưng chờ đến giờ bên nhà hàng xóm tiếng truyền hình bóng đá nổi lên là tôi rón rén mở cửa, lẻn đi.

Đêm trận chung kết, trốn đi xem xong, sáng tôi vẫn dậy sớm nghe bản tin thể thao trên Đài tiếng nói Việt Nam. Nhưng khi phát thanh viên chưa kịp đọc kết quả, tôi đã buột miệng đọc trước, thế là bố biết, hỏi: “Tối qua đi xem đá bóng phải không?”, tôi không dám trả lời, nhưng cụ cũng thừa biết và… tha. Hú vía! Năm đó, tôi cổ vũ cho “những chú lính chì” Đan Mạch.

Từ vị trí “đóng thế”, Đan Mạch cứ lừng lững tiến vào chung kết. Do hay chơi ở vị trí thủ môn, nên tôi cực kỳ mê anh Schmeichel. Trận chung kết Đan Mạch – Đức, tôi vui sướng khôn cùng vì đội bóng mà mình cổ vũ đã giành chiến thắng...

Khi trái bóng của Euro 2000 lăn trên 2 quốc gia Hà Lan và Bỉ, tôi đang làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. Nhớ nhất là giữa giải đấu, phải đi công tác trên cửa khẩu Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Ở đó không bắt được sóng truyền hình, chỉ có ở nhà máy đường Phục Hòa, cách cửa khẩu 3km, là có chảo thu tính hiệu qua vệ tinh. Thế là đêm đêm, gần đến giờ bóng lăn, dân cửa khẩu rùng rùng xe cộ nổ máy rầm rầm chạy ra nhà máy để xem bóng đá. Còn tôi, phải mượn một chiếc xe mini Tàu của một người dân rồi cọc cạch đạp xe một mình trên con đường rừng âm u, trập trùng đồi dốc để đi theo “tiếng gọi trái tim”.

Ngồi xem cạnh toàn bà con người Tày, Nùng, họ bình luận với nhau toàn bằng tiếng dân tộc nên chả hiểu gì cả. Tôi chỉ “bắt được sóng” khi nghe họ gọi tên các cầu thủ hay khi đọc các thuật ngữ đặc trưng: việt vị, penalty… vì trong tiếng dân tộc không có. Thật khổ ở những đêm có 2 trận, xem hết trận 1, người ta phóng xe hay đi bộ về nhà nghỉ ngơi cả, ngay cả chủ nhà có TV cũng đóng cửa nghỉ tạm chờ đến trận sau mở cửa trở lại.

Nhiều tốp thanh niên thì kéo nhau ra bãi cỏ ngồi tán gẫu, riêng tôi một mình bơ vơ, chả quen biết ai. Ngồi ngoài đường một mình buồn ngủ rũ ra, đành lóc cóc đạp xe quay về cửa khẩu ngủ mà tiếc đứt ruột một trận cầu bị bỏ lỡ…

Nhiều năm đã trôi qua, và nay Euro 2008, hàng đêm, trái tim tôi lại thổn thức lăn cũng trái bóng ở các sân cỏ tận phương trời Âu xa xôi cứ như những ngày đầu gia nhập túc cầu giáo.

TIÊN LONG (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục