Trong khi mọi người đang náo nức, nhộn nhịp đón tết, tại các xóm nghèo ở quận 4, quận 8 TPHCM, không khí vẫn không khác ngày thường. Lo chạy ăn từng bữa nên chuyện đón tết trở thành phù phiếm.
Nhà tạm, cuộc sống bấp bênh
Quận 4, quận 8 chỉ cách trung tâm TPHCM 10 - 15 phút đi xe máy, nhưng đến nay vẫn còn những xóm nghèo với những căn nhà được dựng rất tạm bợ, siêu nhỏ, siêu mỏng. Do rất tối tăm, ẩm thấp nên nơi trú ngụ của những người lao động nghèo còn gọi bằng cái tên nghe rất xốn xang: khu ổ chuột.
Tại quận 8, ngoài mặt đường nhà cửa khang trang, nhưng đi sâu vào những ngõ hẻm mới thấy có những chỗ xe máy không đi qua được. Ngõ nhỏ, nhà cũng nhỏ, nhưng cư dân lại rất đông. Nhà quá chật hẹp nên khoảng không gian hẻm được tận dụng triệt để. Đủ thứ linh tinh chất đống trước nhà, còn người thì đổ hết ra hẻm ngồi cho đỡ oi bức, tù túng. Không khí ồn ào, ngột ngạt, mùi tanh tưởi từ lòng kênh bốc lên nồng nặc. Ngày mưa, triều cường nước ngập cả phố. Diện tích các căn nhà ở đó thường chỉ 15 - 20m². Một số ngôi nhà còn đạt kỷ lục siêu nhỏ, chỉ vẻn vẹn 4 - 8m². Đa phần nhà không có số, 2 - 3 căn chung một số nhà.
Dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương phía quận 8 có một khu lao động lớn nhất thành phố, nằm quanh khu vực rạch Ụ Cây (thuộc phường 9, 10, 11) với hơn 1.000 căn nhà sàn tạm bợ trên kênh, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, thiếu vệ sinh và không an toàn phòng cháy. Ai muốn vào phải cẩn thận nghiêng người mới lách được qua những con hẻm nhỏ tối tăm.
Dưới chân cầu Hiệp Ân 1 (phường 12) cũng có khoảng 100 căn nhà lụp xụp như vậy. Người dân che nắng, che mưa bằng đủ thứ bạt, tôn, liếp... Sàn gỗ ọp ẹp, trên đầu là cầu, xe cộ chạy ầm ầm, dưới chân là lòng kênh đen ngòm. Ở xóm gầm cầu này, ngày cũng như đêm, quanh năm không có ánh nắng mặt trời. Nhà của ông Huỳnh Văn Thới có tới 6 người ở nhưng chỉ vẻn vẹn 4m². Để có chỗ ngủ cho từng ấy người, ông làm thêm một cái chòi trên gác. Bước lên trên chòi phải cúi gập người xuống.
Ông Thới kể: “Do nhà chật đến mức không đủ chỗ ngồi, nên đến bữa ăn mỗi người xới một bát, đi ra ngoài tìm chỗ mà ăn, hoặc người ăn trước, người sau. Bao nhiêu năm nay, gia đình tôi chưa từng được ăn một bữa cơm quây quần đông đủ”.
Bên cạnh những tòa nhà cao tầng của chung cư Khánh Hội, khu vực Bến Vân Đồn (phường 1, quận 4) vẫn còn xóm nhà lụp xụp. Căn nhà của chị Nguyễn Thị Diệu chỉ 8m2 nhưng chứa tới 7 người, chỉ đủ trải chiếc chiếu cho mấy đứa con của chị nằm ngủ. Chỗ nấu nướng phải kê trên lối đi chung của hẻm. Thiếu những tiện nghi tối thiểu để ăn ở nhưng phần lớn người dân ở những xóm nghèo này vẫn cứ phải kéo dài tình trạng như vậy mấy chục năm nay. Bởi lẽ họ không có khả năng tìm nơi ở mới. Đa số dân đều là những lao động nghèo, buôn gánh bán bưng kiếm sống.
Bệnh tật, thất học và tệ nạn
Khó khăn, thiếu thốn đã đẩy người dân sống tại các xóm nghèo vào tình cảnh phải sống chung với bệnh tật, thất học và tệ nạn. Bà Huỳnh Thị Muối, 66 tuổi, ở phường 10, quận 8, tuổi già, sức yếu và bệnh tật nhưng vẫn phải bươn chải kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai. Bà cho biết có 4 người con, nhưng trong đó có tới 2 người qua đời vì HIV. Nỗi đau đau mất con vẫn chưa nguôi ngoai, bà kể: “Ở xóm này, có nhiều thanh niên thất nghiệp bị bạn bè rủ rê, lôi kéo dính vào ma túy. Kẻ tới cơn nghiện hay làm liều nên ở cái xóm nghèo này nạn trộm cắp hoành hành”. Chân cầu Nguyễn Tri Phương phía quận 8 trở thành địa điểm tụ tập hàng đêm của những con người đã bán linh hồn cho ma túy, kim tiêm vứt bừa bãi. Khu vực bến Nguyễn Duy (phường 10), cầu Hiệp Ân 1 (phường 12), cầu Hiệp Ân 2 (phường 5)... cũng trở thành tụ điểm tiêm chích ma túy.
Hầu hết cư dân sống tại những xóm nghèo này đa số không chữ nghĩa, không vốn liếng, ai thuê gì làm nấy. Đã vậy nhà nào cũng đông con và do nghèo - nên rất nhiều trẻ em chịu cảnh thất học. Chị Nguyễn Thị Đông ở Bến Vân Đồn, phường 1 quận 4, ngậm ngùi: “Nhà có 6 miệng ăn mà chỉ trông vào tiền lương phụ hồ của chồng chị. Hơn tháng nay, anh bệnh, không đi làm được. Đứa con lớn nhất của chị mới 17 tuổi đành phải bỏ học, đi làm thuê mỗi ngày để lo cho cả nhà”. Sống ở đây, trẻ em được đến trường học bổ túc vào buổi tối đã là may mắn lắm. Nhiều em học đến lớp 4, lớp 5 phải nghỉ vì bố mẹ không kham nổi tiền học phí cho con. Bỏ học từ khi còn quá nhỏ, một số em ở nhà trông em, phụ cha mẹ công việc nhà, số khác đi làm thuê, làm mướn cho chủ những xưởng tư.
Tin vui cuối năm
Tết này, người dân sống ở khu vực rạch Ụ Cây đón cái tết cuối cùng ở đây. UBND quận 8 đang khẩn trương triển khai dự án chỉnh trang đô thị ven rạch Ụ Cây (thuộc 3 phường 9, 10, 11) và bố trí tái định cư cho 2.552 hộ dân với trên 14.000 người. Những hộ đủ điều kiện tái định cư sẽ được bố trí căn hộ tại chung cư phường Tân Mỹ (quận 7) với cơ sở hạ tầng khang trang, đầy đủ. Những hộ không đủ điều kiện tái định cư sẽ được xét cho thuê nhà ở xã hội tại chung cư An Sương (quận 12).
Ông Trần Thanh Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường 10, quận 8, cho biết: “Công tác chuẩn bị để chuyển người dân ở đây đến nơi ở mới đang vào giai đoạn nước rút. Một số hộ trong diện di dời sẽ được đón Tết ở nơi ở mới”. Đại đa số người dân đều hài lòng với chủ trương giải tỏa nhà ở rạch Ụ Cây để chỉnh trang đô thị, chấp nhận chuyển tới nơi ở mới.
HIỀN LƯƠNG