Nhân Ngày nhà giáo sắp đến, chúng tôi đến tìm gặp thầy Nguyễn Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng- người vừa được phong chức danh Phó Giáo sư Văn hóa tại Văn Miếu- Hà Nội vào ngày 12/11/2011 vừa qua để thuyết phục thầy viết lại những chuyện vui buồn trong bao năm làm học trò và làm thầy. Nhưng rốt cục, với bản tính khiêm nhường, thầy lại đi viết về những người thầy khác. Từ một người sinh ra, lớn lên và từng ăn học tại Sài Gòn (trước 1975) trong suốt thời chiến tranh đến khi được tiếp cận với nền văn hóa Hà Nội (sau 1975), thầy đã trải lòng về những cảm xúc rất riêng của mình.
Sau 1975, tôi vẫn còn độ tuổi thanh niên và rất lo lắng cho tương lai của mình. Lúc ấy tôi phải đi tìm việc làm - mà làm gì bây giờ? Chả nhẽ lại xin đi làm công nhân, hay xin đi “bổ củi” – một nghề rất phát triển vào thời ấy, khắp phố phường đi đâu cũng thấy mọc lên như những “nhà máy” chế biến gỗ cung cấp chất đốt. Nhưng mẹ tôi khi xem tử vi cho tôi lại bảo phải làm nghề dạy học mới đúng số. Tôi bèn la cà mấy nơi để tìm người đỡ đầu. May mà gặp thầy Trần Chút – lúc bấy giờ là Phó khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp (nay là Hiệu phó Đại học Văn Hiến) một người rất có uy tín lúc bấy giờ. Sau khi hút xong điếu thuốc Hoa mai và gật gù mấy cái, ông hỏi qua lý lịch của tôi và trải nghiệm của tôi về học vấn tại Sài Gòn. Xong ông hẹn làm hồ sơ để trình lên thầy Lý Hòa (Hiệu trưởng) và thầy Hoàng Ngọc Bích (Hiệu phó) để xem xét và chấp thuận.
Như vậy cuộc đời tôi đã sang trang. Từ một anh học trò thời chế độ cũ- không có cái gì còn giá trị- nhất là đối với ngành Khoa học Xã hội Nhân văn- đặc biệt là ngành luật là ngành “vất vào sọt rác”. Các bạn tôi là những cử nhân luật, là luật sư, thậm chí là những thẩm phán – hầu như đã đi bán thuốc tây ngoài lề đường hay đạp “xích lô” trên đường phố. Cũng may cho tôi, tôi lại được thầy Trần Chút cho tôi gặp Giáo sư Bùi Khánh Thế- lúc ấy thầy cũng là Hiệu phó của trường Đại học Tổng hợp (nay là Hiệu phó Đại học Ngoại ngữ Tin học). Ông quan tâm đến tôi và tìm cách thành lập Hội đồng liên Khoa Ngữ văn và Ngoại ngữ cho tôi được xem xét và đánh giá công trình từ điển Kanji Hán - Nhật Việt mà tôi đã viết trong 7 năm trước đó- cũng như đã từng được in bằng tay và xuất bản với bút danh Chính Văn năm 1973. Như vậy, nỗi lo về mớ kiến thức mà tôi được dạy thời chế độ cũ không còn giá trị đã tiêu tan. Từ đó về sau, tôi được nhìn nhận như một người bạn – hay đúng hơn là người “học trò chăm ngoan”, thỉnh thoảng xin phép đến nhà thăm viếng và xin chữ các thầy.
Có một lần, khi tôi đang ở trong văn phòng khoa thì có một thầy được biết là Phó Giáo sư từ ngoài Bắc vào. Ông đi vào một cách chậm rãi, nói nhỏ nhẹ, hiền từ như đang báo cáo về bài giảng đã hoàn tất với cô thư ký khoa để trở về miền Bắc. Sau đó, ông bước ra. Tôi vội nhìn theo nhưng chỉ thoáng thấy “tấm lưng triết học” mà nuối tiếc là không được biết mặt người thầy mà tên tuổi gắn liền với kiến thức chuyên ngành về nền văn học cổ đại. Đó là thầy Nguyễn Lộc - sau đó ông trở thành Trưởng Khoa Ngữ văn của trường, sau này ông đứng ra thành lập trường Đại học Dân lập Văn Hiến và giữ vai trò Hiệu trưởng.
Từ những năm tháng đó, tôi đã được học một số lớp về ngôn ngữ học đại cương của GS. Bùi Khánh Thế (nay là Hiệu phó Đại học Ngoại ngữ và Tin học) với biệt tài ăn nói lưu loát- không vấp ổ gà- tí nào cả. Tôi bắt đầu mê ông, mơ ước được trở thành diễn giả như ông khi đứng trên bục giảng. Riêng thầy Trần Chút- ông cho tôi những bài giảng về ngôn ngữ thực hành, lĩnh vực không chê vào đâu được của thầy. Rồi lại được gặp và tiếp xúc với GS Hoàng Như Mai, GS Lê Đình Kỵ. Hai vị giáo sư vốn có hai cách giảng dạy khác nhau nhưng cách nào tôi cũng thấy hay cả. Thầy Mai rải nhựa trơn láng vào con đường văn học hiện đại, giúp văn học dễ dàng đi vào trái tim của tôi. Còn thầy Kỵ như một nhà phê bình văn học đúng nghĩa, đã rải thêm “sỏi đá” lên lớp nhựa đường để cải tạo thêm độ cứng vào sự cảm thụ văn học của tôi.
Nhưng có một tầng lớp trẻ lúc ấy- là những thành viên mới vừa ra trường (sau 1975) phải ở lại một năm để “bổ túc văn hóa” triết học Mác Lênin xong mới giữ lại trường. Tôi được ít nhiều gặp gỡ quý thầy trẻ này và được nghe phản biện trong nhiều buổi thi tốt nghiệp của sinh viên mà tôi ước ao như họ. Trong số đó có PGS.TS Võ Văn Sen về sử học- nay thầy đã là Hiệu trưởng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. GS.TS Đinh Văn Đức- chuyên về ngôn ngữ học. Thầy PGS.TS Lê Giang- văn học Hán Nôm là người song hành với thầy Cao Tự Thanh –Viện Khoa học Xã hội. Thầy Huỳnh Như Phương - Trưởng Khoa Ngữ văn một thời- người học trò xuất sắc của GS. Lê Đình Kỵ.
Trên bước đường học tập, tôi đã lặn lội ra Hà Nội nhiều năm chỉ mong được diện kiến nhiều giáo sư danh giá của thủ đô. Hầu như các thầy ấy đều dành cho tôi - một chàng trai miền Nam chịu khó những tình cảm quý báu như GS.TS Nguyễn Tài Cẩn- chuyên về Hán Nôm (đã mất) – bậc thầy của những bậc thầy trong cả nước, GS.TS Tô Ngọc Thanh về văn hoá dân gian. Đặc biệt là 4 vị GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn, GS. Trần Quốc Vượng, mà người ta thường gọi là “tứ trụ triều đình”, những nhà phát ngôn chính thống về sử học Việt Nam.
Trong số những nhà sử học mà không kể tên thầy Dương Trung Quốc là một thiếu sót. Ông được biết đến không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Với mái đầu bạc trắng như ông tiên, tôi xem ông như “vị cha cố” trong làng sử học. Lại còn một nhân vật nổi lên trong vòng 10 năm nay- đó là GS.TS Viện sĩ Trần Ngọc Thêm với tập chuyên khảo về Cơ sở văn hóa Việt Nam. Ông từ một nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi và danh tiếng- có lối lý luận sắc bén đã nhanh chóng trở thành nhà văn hóa học. Tôi đã đọc tác phẩm của ông và thán phục về phương pháp hệ thống hóa của ông, mặc dù có đôi chút cần thảo luận thêm. Tôi không thể không nhắc đến PGS. Chu Xuân Diên chuyên về văn hóa dân gian- một cây đa – cây đề trong làng văn học. Tôi được ông giúp đỡ về mặt “phôn- cờlo –học” để hoàn thiện công trình của mình. Thầy là người ít nói, ít bon chen, dành nhiều thời gian cho “con Tấm con Cám” của thầy. Và tôi còn người thầy danh giá nữa đó là GS. Cao Xuân Hạo mà tôi sẽ có bài viết riêng về người.
Nhưng cuối cùng, tôi sẽ không bao giờ quên ơn những người thầy cũ của mình khi còn ở dưới mái học đường Văn khoa, Luật khoa Sài Gòn trước đây- thầy Bửu Cầm về chữ Nôm, thầy Nguyễn Đình Hòa về ngữ âm. Đặc biệt là Bác Năm- một người thầy chuyên dạy chữ Nôm cho tôi từ thuở còn sinh viên.
Thầy Thanh Lãng, giảng dạy văn học, thầy Trần Thái Đỉnh, giảng dạy tiếng Pháp. Các thầy ngành Luật học Sài Gòn như GS Vũ Văn Mẫu và nhiều giáo sư khác. Nhưng có lần tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ khi thầy Lê Đình Kỵ và một số thầy khác yêu cầu tôi phát biểu với tư cách “bí thư công đoàn” về tác phẩm mỹ học của thầy Hoàng Thiệu Khang- tác phẩm này đã gây tiếng vang trên nhiều diễn đàn thanh niên và sinh viên trong thành phố. Lúc bấy giờ có 2 “phe nhóm”- một bên là GS. Hoàng Như Mai, thầy Trần Chút đối lập với một bên là GS Lê Đình Kỵ với nhiều thầy khác ở Viện Khoa học Xã hội và Đại học Sư phạm. Còn tôi đứng ở vị trí nào? Thầy Kỵ bảo nhỏ vào tai tôi “sổ toẹt đại đi vì đây là quyển sách đi ngược truyền thống”. Từ này do tôi đã mềm mại hóa- còn từ mà thầy dùng lại nghe “ớn xương sống”.
Còn nhớ, tôi đã trả lời trước cuộc hội thảo như vầy: “Thưa các thầy, tôi không am tường về lĩnh vực này. Quý thầy dồi dào ý kiến- dù có trái nghịch nhau đối với cá nhân tôi là điều thú vị. Cho tôi được nghe và học hơn là phê để lấy lòng phe này mà chống phe kia! Do tôi thiếu bản lĩnh và thiếu tự tin. Tên “mỹ học” đối với tôi xa lạ quá! Nếu đó là siêu hình học, hiện sinh học, nhân tâm học thì may ra tôi có ý kiến”.
Câu chuyện ấy tôi đã quên bẳng cho đến lúc đứng kế bên thầy Lê Đình Kỵ trong ngày đưa tiễn thầy Hoàng Thiệu Khang về nơi an nghỉ cuối cùng, thầy Kỵ bảo nhỏ vào tai tôi: “Hồi ấy, mình hăng quá! Giờ nghĩ lại có lỗi với nó nhiều quá! ”. Tôi im lặng và lắng tai nghe bài văn điếu và nghe cả tiếng sụt sùi ở đâu đó...
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng)