Những nhà nông lên đời

Đơn Dương vốn là huyện nghèo thuần nông, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 21.000ha, chiếm hơn 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh Lâm Đồng với dân số trên 100.000 người. Nhưng tâm thế của Đơn Dương bây giờ đã khác trước. Người nông dân khi thức thời tiếp thu, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã làm thay đổi nhanh diện mạo nền kinh tế nông nghiệp - nông thôn, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và là một trong 6 huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ công nhận đạt chuẩn “chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Những nhà nông lên đời

Đơn Dương vốn là huyện nghèo thuần nông, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 21.000ha, chiếm hơn 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh Lâm Đồng với dân số trên 100.000 người. Nhưng tâm thế của Đơn Dương bây giờ đã khác trước. Người nông dân khi thức thời tiếp thu, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã làm thay đổi nhanh diện mạo nền kinh tế nông nghiệp - nông thôn, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và là một trong 6 huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ công nhận đạt chuẩn “chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Diện mạo mới

Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại Đơn Dương. Lần này lưu lại dài ngày nên có thời gian lân la xuống các buôn làng đồng bào dân tộc và cảm nhận được những nét đổi thay nhanh chóng so với 5 - 7 năm trước. Những cánh đồng rau màu, lúa một vụ, đất khô cằn dọc theo quốc lộ 27, từ Thạnh Mỹ đến Lạc Lâm, Lạc Xuân tiếp giáp vùng Drân, nay đã trở thành vùng chuyên canh rau hoa cao cấp, lắp nhà kính, tưới tiêu bằng công nghệ mới; nhiều thửa đất ruộng be bờ thẳng tắp...

Đồng bào dân tộc Tu Tra vắt sữa bằng máy đã trở nên phổ biến

Vào vùng sâu, các buôn đồng bào dân tộc ở Pró, Tu Tra, Ka Đô, Ka Đơn, Đạ Ròn…vốn xưa là vùng đất chuyên trồng khoai, bắp; nay cũng trở thành vườn rau, hoa bạt ngàn. Các hộ đồng bào trước đây phát nương làm rẫy, nay đã biết trồng cỏ nuôi bò vắt sữa, làm nhà kính để trồng rau hoa cao cấp, thu nhập trăm triệu đồng, chưa kể xây nhà, sắm xe. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã hình thành nên mạng lưới giao thông, trạm y tế, trường học, hệ thống điện lưới, nước sạch… góp phần làm thay đổi nếp sống người dân, nhất là những buôn đồng bào đân tộc.

Từ đàn bò sữa

Vào giữa thập niên 80, lần đầu tiên tôi chứng kiến đàn bò sữa 250 con được chở trên những chiếc xe chuyên dụng, áp tải từ cảng Sài Gòn rồi thả xuống Nông trường Phi Vàng (huyện Đơn Dương). Lúc đó trên xe và dưới đất có công an bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Ý, Giám đốc Nông trường Phi Vàng thời đó, bảo: Đây là giống bò Cuba quý hiếm, giá trị mỗi con bằng hàng ngàn tấn lúa giống, vượt đại dương hàng tháng mới về đến nông trường. Chỉ có bác sĩ thú y và cán bộ chuyên trách mới được tiếp cận, còn cánh nhà báo phải đứng từ xa chụp ảnh. Bây giờ nghe chuyện ấy có vẻ tiếu lâm. Sau thời gian dài, đàn bò vẫn phát triển đều đặn, tăng đàn đến vài ngàn con, nhưng do cơ chế quản trị không hiệu quả, nông trường quốc doanh tan rã, đàn bò biến mất.

Nhưng mọi cái giờ thật khác xa. Xã Đạ Ròn trước đây có nhiều buôn của đồng bào Kờ Ho sinh sống, nằm cách xa Nông trường Phi Vàng ngày ấy. Hồi đó đồng bào nghe nói đến nuôi bò vắt sữa, giống như chuyện “lạ”.

Nhưng bây giờ cũng những con người ấy, họ làm thay đổi diện mạo nông thôn, lấp vào chỗ trống của nông trường quốc doanh thuở trước.

Xã có 400 hộ, hơn 1.000 dân, đang nuôi 3.270 con bò sữa, chiếm gần 1/3 so với tổng đàn của toàn huyện. Trung bình một hộ nuôi 8 - 12 con, có 20 hộ nuôi từ 50 - 100 con, nhiều hộ nuôi bò giỏi như bà Ka Lan, ông Kờ Út. 

Ông  Kờ Út nói: “Mình nuôi bò hơn 10 năm rồi. Hiện tại mình có 12 con đang cho sữa, mỗi năm thu gần 100 tấn sữa tươi, bán cho Công ty Dalatmilk được 120 triệu đồng”.

Nhìn đàn bò cái mang bầu sữa căng tròn đi lại đủng đỉnh và chỉ trong chốc lát có người đến dùng chiếc máy con vắt sạch sữa, khác hẳn trước đây công nhân nông trường phải dùng đôi tay vắt đến vã mồ hôi.

Chúng tôi rời Đạ Ròn sang bên kia sông thăm trang trại bò của anh Nguyễn Hữu Tuấn ở thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân. Nhìn trang trại quy mô, từ đồng cỏ  (6ha) đến chuồng trại, máy cắt cỏ, máy vắt sữa và đội ngũ lao động chuyên nghiệp mà thấy mê.

Anh Tuấn cho biết: “Tôi lập trang trại này được 3 năm, năm đầu tuyển trên 100 con, đến nay tăng đàn lên 250 con, mỗi tháng đàn bò cho từ 130 - 150 tấn sữa, bán được khoảng 500 - 600 triệu đồng”.

Anh Tuấn thuộc làu số hiệu từng con một và chỉ cần vỗ tay là các con bò lần lượt kéo đến “trình diện”. Tôi bất ngờ khi anh gọi to “Đỏ”, liền có  một con lông màu hồng sẫm từ xa chạy đến cạnh bên anh Tuấn, rồi gá cái miệng lên thành máng cỏ, chờ chủ vuốt ve.

Công ty Dalatmilk nằm trên địa bàn xã Tu Tra, là một trong 3 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi và có nhà máy chế biến sữa tại chỗ theo quy trình khép kín.

Cô Kim Anh, phụ trách phòng hành chánh tổng hợp của công ty, dẫn chứng tôi đi xem nhà máy chế biến sữa và cho biết đàn bò của công ty 1.200 con, có 713 con đang cho sữa, mỗi ngày vắt được khoảng 14 tấn sữa tươi, tổng doanh thu hàng tháng 14 tỷ đồng và sử dụng thường xuyên 200 lao động với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn hợp đồng với hàng trăm hộ nông dân để thu mua hàng ngàn tấn sữa tươi, với mức giá ổn định 12.000 đồng/kg.

Ngoài Dalatmilk, trên địa bàn huyện Đơn Dương còn có Vinamilk và Ductch Lady hoạt động. Hai đơn vị này đặt 7 trạm, hàng ngày thu mua khoảng 80 tấn sữa tươi của trên 820 hộ chăn nuôi. Qua khảo sát, có 100% hộ chăn nuôi đạt yêu cầu về chuồng trại, vệ sinh phòng chống dịch bệnh; đến nay hầu hết các hộ đều áp dụng công nghệ tiên tiến vào khâu chăn nuôi, năng suất bình quân mỗi con cho 6 tấn sữa/chu kỳ.

Đến cánh đồng rau và hoa

Chúng tôi dừng lại tại xã Tu Tra, nhìn những thửa đất ven đồi khô cằn thuở trước, nay đã được bà con nông dân be bờ, dẫn nước về trồng rau hoa.

Chị Hà, nhà ở xã Lạc Xuân nhưng thiếu đất trồng rau, phải vào tận đây thuê 1ha đất trong thời hạn 7 năm để trồng rau với giá 50 triệu đồng/ha/năm.

Gia đình ông Ya Tounch có 5 mẫu đất, chia đều cho các em, diện tích còn lại cho thuê. Riêng ông và cô em gái dành 3 sào trồng rau theo quy trình công nghệ cao. Mảnh vườn sau nhà ông mới dựng nhà kính, lắp hệ thống nước tưới nhỏ giọt cho diện tích 1.300m²  đầu tư tốn hết 150 triệu đồng và lứa ớt đầu tiên đang thu hoạch bán giá 12.000 đồng/kg, thu được 60 triệu đồng.

Theo thống kê, diện tích tự nhiên toàn huyện Đơn Dương có 61.000ha đất nông nghiệp; trong đó, đất trồng rau khoảng 10.000ha nhưng có năm diện tích gieo trồng rau thương phẩm đạt trên 22.000ha; cá biệt, năm 2015 lên tới 23.880ha.

Nhờ chuyển đổi cây trồng truyền thống khoai, bắp, lúa sang cây rau thương phẩm nên nhiều hộ nông dân đổi đời, thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Riêng các hộ mở trang trại, đầu tư làm nhà kính trồng rau hoa theo chương trình VietGAP đạt doanh thu hàng năm rất cao, điển hình như hộ ông Toàn ở xã Đạ Ròn, ông Thắng ở xã Lạc Lâm.

Chúng tôi ghé thăm trang trại của ông Nguyễn Quốc Thắng, một cơ sở gieo ươm cây giống có quy mô khoảng 3ha bằng nhà kính nằm giữa cánh đồng rau xã Lạc Lâm. Ông Thắng mua đất đầu tư trang trại cây giống này đã hơn 10 năm, nay ông vừa mua thêm 4ha đất mở rộng trang trại. Lúc đầu ông ươm cây con cung cấp giống cho bà con nông dân vùng phụ cận; đến nay, hàng trăm hộ từ các xã ở xa cũng tới đặt hàng. Tính ra, hàng năm ông Thắng cung ứng 7 - 8 triệu cây giống, trong đó có cây cà chua ghép đang hút khách hàng với giá ổn định 750 đồng/cây.

Tiếp tục hướng đi mới

Anh Lê Hữu Túc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, hỏi tôi: “Anh vào các vùng nông thôn của huyện thấy thế nào?”. Tôi không trả lời mà hỏi lại anh Túc câu ấy. Anh bảo: “Tôi sống ở đây quen rồi, nhưng đôi khi cũng bất ngờ. Bất ngờ bởi bà con nông dân thay đổi tư duy, biết tiếp thu nhanh công nghệ và ứng dụng vào sản xuất rất hiệu quả”.

Tuy anh Túc không giảng giải nhiều nhưng tôi hiểu rằng, có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy tác dụng và đi vào đời sống mọi nhà, khơi dậy tiềm năng trong nhân dân, nhiều hộ nông dân thoát nghèo, tiến lên làm giàu. Từ chỗ chỉ lưa thưa vài cơ sở, đến nay toàn huyện đã có 70 trang trại làm kinh tế. Nhiều nông dân làm kinh tế giỏi ở vùng Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đô… nay kinh doanh thêm nhiều dịch vụ khác, cho con về TPHCM hoặc ra nước ngoài du học…


Phạm Thái

Tin cùng chuyên mục