Những tấm gương nghị lực

Đoàn thể thao Paralympic Việt Nam vừa lên đường sang Singapore để tham dự đại hội ASEAN Para Games, tức SEA Games dành cho các VĐV khuyết tật, với 130 VĐV cùng mục tiêu đoạt từ 60-70 huy chương. Đây cũng là dịp để các VĐV Việt Nam tìm thêm các suất dự Paralympic Games (Thế vận hội của người khuyết tật) ở Rio-Brazil năm sau.

Thể thao người khuyết tật (NKT) Việt Nam hòa nhập rất nhanh với thế giới. Dù năm 2001 mới bắt đầu thi đấu tại đại hội thể thao Đông Nam Á, nhưng chỉ 1 năm sau, chúng ta đã cử VĐV dự Paralympic Games và duy trì đều đặn cho đến nay, với mỗi kỳ đại hội lại có thêm nhiều suất chính thức tham gia thông qua thành tích thi đấu. Hồi tháng 9, đoàn Paralympic Việt Nam cũng đã lần đầu tiên có mặt tại giải vô địch thế giới các môn thể thao người khuyết tật và đạt thành tích xuất sắc với 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ, dù chỉ cử có 7 VĐV tranh tài ở 2 nội dung, xếp thứ 20 trên 34 đoàn. Trước đó, tại Asiad 2014, Paralympic Việt Nam cũng thành công vang dội với 7 HCV, vượt xa so với thành tích của các VĐV bình thường.

Sự tiến bộ của thể thao NKT Việt Nam tạo sự bất ngờ đối với những nhà quản lý thể thao. Từ việc tập luyện nhằm xóa đi những mặc cảm về cơ thể, các VĐV Việt Nam đã vượt qua được chính mình khi bước vào các sân chơi đẳng cấp mà ở đó, họ thua thiệt rất nhiều về các điều kiện đầu tư, tập luyện, chưa kể yếu tố hình thể như các VĐV bình thường. Ngay tại Việt Nam, các VĐV khuyết tật cũng chưa có được các cơ sở vật chất dành riêng mà đa số các nhà thi đấu hay địa điểm tập luyện đều cũ, chỉ dành cho VĐV bình thường và NKT phải dùng chung. Ngay cả việc đi xem các giải đấu thể thao, NKT cũng không có khu vực riêng do cơ sở vật chất thiếu công năng này. Ngay chính lần tham dự ASEAN Para Games lần này, ngân sách vận động tài trợ để thưởng cho VĐV hầu như không có.

Sự tiến bộ về mặt thành tích của các VĐV Paralympic Việt Nam đặt ra một vấn đề quan trọng: đã đến lúc cần có cái nhìn khác về thể thao NKT trong bối cảnh mà các thành tích của họ khiến thể thao dành cho người bình thường không thể sánh kịp. Những chiến thắng của Paralympic Việt Nam trên đấu trường quốc tế chắc chắn là nguồn động viên rất lớn, không chỉ cho những người khiếm khuyết một phần cơ thể trong xã hội mà còn thể hiện khát vọng chiến thắng cho chính những VĐV bình thường. Thể thao dành cho NKT hiện nay tại Việt Nam vẫn được tổ chức theo kiểu chiếu lệ. Các đại hội thể thao hằng năm đều đưa về những địa phương xa, số lượng CLB thể thao dành cho NKT chỉ đếm trên đầu ngón tay và tập trung ở các thành phố lớn, trong khi nhu cầu tập luyện thể thao của NKT không chỉ đơn thuần là rèn luyện sức khỏe mà còn giúp họ hòa nhập tốt với cộng đồng.

Với ngành thể thao, ngoài việc thành tập Hiệp hội Paralympic Việt Nam thì phần lớn những hoạt động của thể thao NKT lại liên quan đến ngành LĐTB-XH. Trong khi đó, Luật Thể dục thể thao đã ghi rõ trách nhiệm của ngành thể thao là phải phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp, liên đoàn thể thao để tạo điều kiện cho NKT tham gia. Trên thế giới, từ năm 2002, những đại hội thể thao đỉnh cao như Olympic, Asiad hay SEA Games đều quy định các quốc gia đăng cai phải cùng lúc tổ chức đại hội dành cho các VĐV Paralympic nhằm tạo sự hòa nhập mạnh mẽ hơn cho các NKT khắp nơi trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, sân chơi của các VĐV NKT hiện chỉ mới dừng lại ở đại hội thể thao tổ chức hàng năm với số lượng môn thi đấu khá ít ỏi, không được tuyên truyền tốt dù mỗi VĐV NKT là một tấm gương về nghị lực sống rất có ích trong việc giáo dục lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ cũng như khuyến khích người dân đến với thể thao. 

Như vậy, không nên chỉ dừng lại ở việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động thi đấu mỗi khi đến dịp, ngành thể thao cần phải nỗ lực nhiều hơn để phát triển thể thao cho cộng đồng NKT Việt Nam, đặc biệt là ở mảng xã hội hóa để thể hiện được tinh thần: cơ thể có khiếm khuyết nhưng khát vọng thì không.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục