Thường thì những người khá giả, có điều kiện mới đi làm từ thiện. Nhưng với những người nghèo, trong cuộc sống vất vả mưu sinh, họ vẫn tìm cách giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ, khốn khó hơn mình.
Sống là chia sẻ
Tại một góc nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Bình Thạnh, TPHCM), tiệm sửa giày của anh Lý Ngọc Bình (29 tuổi, quê Phú Yên) nằm lọt thỏm trên lề đường đầy khói bụi. Hôm chúng tôi đến, anh Bình đang tỉ mẩn may và dán keo đôi giày cho khách. Công việc của anh cũng bình thường như bao người thợ sửa giày khác nếu không có tấm biển ghi dòng chữ “Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác” để trước thùng đồ nghề.
Anh Bình chia sẻ: “Tôi để tấm bảng này được hơn 3 tháng nay như lời của bác Nam hay đến sửa giày để người có hoàn cảnh khó khăn biết mà đến sửa. Để là để vậy chứ thực tế từ hồi ra ngồi đây sửa giày đến giờ, với những người nghèo khó, tôi vẫn làm giúp không lấy tiền”.
Anh Lý Ngọc Bình với tấm lòng thơm thảo giúp đỡ người nghèo.
Vào TPHCM lập nghiệp với bao vất vả lo toan, để có tiền mưu sinh, anh Bình đã phải làm qua đủ thứ nghề, nào là phục vụ, chạy xe ôm, giao hàng... Cuối cùng, anh quyết định chọn nghề sửa giày vì đây là công việc anh yêu thích. Anh kể: “Cách đây khá lâu, khi tôi vừa ra đây làm được vài tháng, có bác Hai, gần 80 tuổi hành nghề bán vé số nhờ sửa giúp đôi dép. Cầm đôi dép có đế mòn mỏng dính, quai thì đứt gần hết, tôi ứa nước mắt. Sau khi tôi sửa xong, bác Hai rất ưng ý, lấy tiền trả. Khi nghe tôi nói sửa giúp bác không lấy tiền, bác một mực không chịu, nói rằng tôi cũng phải kiếm tiền để sống. Khi tôi bảo rằng mình sửa giày cho người khó khăn không nhận tiền, bác mới đồng ý. Nhìn dáng gầy yếu của bác bước đi bằng đôi dép hoàn chỉnh, em thấy mình hạnh phúc vô cùng”. Đó là vị khách đầu tiên được anh Bình giúp đỡ. Từ đó, anh có thói quen không lấy tiền của khách có hoàn cảnh khó khăn.
Khi được hỏi vì sao anh lại có suy nghĩ giúp người như vậy, anh Bình cười rất hiền lành bảo: “Cuộc sống là vô thường, nếu sống chỉ biết vật chất mà không biết chia sẻ thì không còn ý nghĩa. Với tôi, cho đi là hạnh phúc. Sửa đôi giày là việc rất nhỏ, nhưng giúp người mang vui vẻ thì chính bản thân tôi cũng thấy hạnh phúc”.
Cái tình cái nghĩa là quan trọng
Đi trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp tấm bảng có dòng chữ “Cắt tóc miễn phí cho người bán vé số, ba gác, xích lô, xe ôm, người gom rác và quét dọn” được treo trước cửa salon tóc Kỳ Quân, nơi có rất đông nghệ sĩ nổi tiếng đến làm tóc.
Bên trong tiệm, ông chủ Phương Kỳ Quân tuổi đời còn rất trẻ đang vui vẻ cắt tóc cho một nhóm em trong hội điếc câm. Anh bảo đây là mấy “vị khách” thân quen của tiệm. Bởi từ khi biết anh cắt tóc miễn phí cho người khuyết tật, hơn 200 em trong hội cứ chủ nhật hàng tuần lại thay phiên nhau đến đây. Bất kể thời gian nào, hễ có người đến nhờ là anh giúp. Có người bảo anh nên quy định giờ cắt tóc miễn phí để khỏi phiền khách hàng, anh Quân chia sẻ: “Người ta khó khăn, có thời gian rảnh khi nào thì đến nhờ mình khi ấy. Quy định giờ sẽ gây khó cho họ”.
Mong muốn giúp đỡ mọi người xuất phát từ những lần anh đi cắt tóc ở một số trung tâm, trại trẻ mồ côi. Khi chưa mở tiệm, một tháng 2 lần anh lại đi khắp nơi cắt tóc miễn phí. Anh nhớ mãi một lần đi đến một trung tâm ở Đồng Nai, trước khi cắt tóc, anh có tặng cho một bé gái 2 viên kẹo chocolate. Khi anh cắt tóc xong, cô bé đến tặng lại anh 2 viên kẹo ấy và nói: “Con thích kẹo nhưng con muốn tặng cho chú. Chú hãy thường đến cắt tóc cho con nhé!”. Anh Quân cho biết: “Giờ không có điều kiện đi xa nên tôi giúp mọi người ngay tại tiệm. Biết là không thể giúp được nhiều người, nhưng quan trọng là cái tình cái nghĩa xuất phát từ tấm lòng”.
Đâu phải chờ đến khi giàu có mới nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Anh Phạm Văn Lương (quê Quảng Ninh) hành nghề bơm vá xe ở góc đường Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai, dù phải chạy ăn hàng ngày những vẫn dành chút tấm lòng mình cho người khuyết tật. Tấm bảng thông báo: Bơm, sửa xe miễn phí cho người khuyết tật của anh khiến nhiều người qua đây đều xúc động.
Nói về việc làm của mình, anh Lương tâm sự: “Tôi sống xa quê, từng phải ở đầu đường xó chợ nhưng nghĩ mình vẫn còn may mắn, chứ người khuyết tật khốn khó trăm bề. Ngày xưa, đồng đội tôi nhiều người đã bỏ lại cánh tay, đôi chân ở chiến trường. Giờ tôi chỉ muốn góp chút sức mọn của mình để người khuyết tật có niềm vui, như là trả cái ơn năm trước”.
Được gặp những tấm lòng thơm thảo ấy, càng thấy trong xã hội với muôn vàn mặt trái, bộn bề lo toan này vẫn còn rất nhiều những người sống bằng cái tình, cái nghĩa thật chân thành. Đó là những bông hoa thơm luôn tỏa hương và mang niềm vui, hạnh phúc đến với bao mảnh đời khốn khó.
THÁI PHƯƠNG