Năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những thuận lợi và cơ hội nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Theo đó, phấn đấu GDP tăng 7% - 7,5% so với năm 2010; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu...
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 1-2011, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có kết quả 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó hàng đầu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn)...
Tháng đầu của năm 2011 với nhiều thách thức nhưng cũng là tháng bộn bề công việc, lo toan của Đảng, Chính phủ. Đại hội Đảng lần thứ XI diễn ra thành công tốt đẹp đã tạo sự phấn chấn lớn trong toàn xã hội. Tháng 1 cũng là tháng cả nước tất bật chạy đua với thời gian, thu xếp công việc để chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc trong một niềm hy vọng mới, một hứng khởi mới. Kết thúc tháng 1, những chỉ số thống kê bước đầu tuy chưa đầy đủ nhưng rất đáng lạc quan. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 1-2011 tăng 1,74% so với tháng 12-2010. Như vậy, sau 3 tháng liên tiếp tăng tốc và đạt đỉnh vào cuối năm 2010, tốc độ tăng CPI đã chậm lại.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đây là kết quả của việc các địa phương chủ động bình ổn giá tiêu dùng trong thời điểm nhạy cảm (trước và sau Tết Nguyên đán). Trong đó, Hà Nội và TPHCM là 2 đầu tàu kinh tế đã có ảnh hưởng tích cực đến CPI của cả nước. Trong khi tốc độ tăng CPI của cả nước trong tháng 1-2011 vẫn lên đến mức 1,74% thì tại Hà Nội CPI chỉ tăng 1,68%, còn tại TPHCM chỉ số này tăng 1,01% thay vì mức tăng 1,27% của tháng 1-2010. Đây là một tín hiệu vui trong bối cảnh nỗi lo lạm phát tăng cao luôn thường trực.
Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế tháng 1-2011 của TPHCM khá sáng sủa với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 53.889 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TPHCM có 14 ngành tăng trên mức bình quân chung như: sản xuất kim loại tăng 23,3%, cơ khí chế tạo tăng 21,3%, ngành da giày tăng 24,1%; thực phẩm đồ uống tăng 12,1%; dệt may tăng 17,2%... đang thực sự là những tín hiệu vui không chỉ của riêng TP mà của cả nước.
Hàng loạt các thông số tươi vui trong tháng 1 là “món quà” ý nghĩa để cả nước chuẩn bị đón một cái tết cổ truyền ấm cúng và có thêm hứng khởi cho một năm chuyển mình và tăng tốc. Tuy nhiên, vẫn chưa thể chủ quan trước nguy cơ lạm phát: Bộ Tài chính dự báo, CPI tháng 2 tăng khoảng 1,8% - 2% do nhu cầu về hàng hóa dịch vụ tết lớn cũng như giá hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục ở mức cao. Tốc độ tăng CPI tác động rất lớn đến tình hình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, ngay từ bây giờ phải cân đối hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giữa cung và cầu hàng hóa, chống tình trạng lợi dụng thị trường biến động để trục lợi, nhất là trong dịp tết.
PHAN THẢO