“Trong số những dân công nằm xuống có chị Hết, chị Điệp - mỗi người để lại 2 con thơ; em Tý, em Bưởi mới 16 tuổi - chưa từng biết cái nắm tay, nụ hôn đầu đời. Máu, xương thịt họ giờ đây đã thấm sâu vào đất nhưng tình yêu quê hương - đất nước, nghị lực sống - chiến đấu vì chính nghĩa thì bất diệt, luôn vang mãi và thắp sáng cho lớp lớp thế hệ mai sau”, bà Lê Thị Túy (68 tuổi) - nữ dân công còn sống sau trận càn quét, dội bom của địch xuống cánh đồng bưng (Vĩnh Lộc, Bình Chánh) đêm 15-6-1968 nhớ lại ký ức đau buồn nhưng rất đỗi tự hào của mình và đồng đội.
Đêm định mệnh
Cứ đến ngày 15-6 hàng năm, bà Túy lại cùng với những đồng đội còn sống tay xách nách mang hoa quả đến Đền tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến ở ấp 4 (xã Vĩnh Lộc A) để viếng đồng đội đã hy sinh và năm nay cũng không ngoại lệ. Thắp xong nén nhang, bà Túy đến bia đền rà đọc tên của từng liệt sĩ như để nhắc nhớ mọi người về sự hy sinh anh dũng của những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Tay chặm nước mắt, vẻ mặt thẫn thờ, bà Túy nói chuyện xảy ra đã 50 năm mà cứ ngỡ như mới hôm qua, đến giờ bà vẫn chưa hết ám ảnh trước những trận “mưa đạn” phủ lên đầu của những người con cộng sản.
Bà Túy kể, đêm đó, gần 23 giờ, đoàn dân công hỏa tuyến gồm 55 người nhận lệnh đưa 2 thương binh của Sư đoàn 9 từ ngã tư Tân Hòa 1 (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) xuống Bình Thủy (nay là Đức Hòa, Long An), sau đó tải đạn về điểm tập kết. Đoàn vừa vượt qua cánh đồng dứa, đến mé bờ kinh bưng Láng Sấu thì trực thăng địch thả pháo sáng, đèn pha rọi sáng cả cánh đồng. Ngó quanh chỉ có 2 đìa dứa, tất cả nấp vào đây. Hai trực thăng của địch liên tục quần thảo tới lui, bay cách mặt đất chỉ khoảng 50m. Nhìn thấy gợn sóng trên mặt nước, địch sử dụng đại liên, rocket liên tục nã đạn vào 2 đìa dứa. Đợt đầu, nhiều người bị trúng đạn ở tay, vai nhưng cố gắng nén đau nằm im, nhưng đến đợt thứ 2 thì có rất nhiều người trúng đạn chết không toàn thây, máu loang đỏ cả một vùng. Địch vừa quay đi, một số người kịp bò sang bờ kinh, thoát thân trước khi chúng quay trở lại.
Kể đến đây, nước mắt bà Túy tuôn ròng ròng. “Một số chị em bị thương nặng cố ôm lấy nhau nói, tụi bây đứa nào còn sống nói tía má nuôi con giùm tao. Lát sau thì từ từ rời nhau…”, bà Túy xót xa. Nghe bà Túy kể, bà Nguyễn Thị Khỏi (72 tuổi, một nữ dân công khác sống sót) ngồi cạnh bên không nén được cảm xúc, khóc nức nở, bà nói như mếu: “Tới giờ tôi vẫn không quên cảnh con Để chạy theo sau, nó vừa chạy lên khỏi bờ thì trực thăng rượt theo nã liên tiếp nhiều loạt đạn…”. Xác thịt con người không thể so đọ nổi với súng đạn. Trận oanh kích của địch đã cướp đi sinh mạng của 32 dân công hỏa tuyến, trong đó có 25 nữ và 7 nam, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 16, người lớn nhất 33 tuổi.
Bắn nát xác thịt nhưng không giết được ý chí
Nếu 32 dân công hỏa tuyến hy sinh phải gác lại những mơ ước đơn giản, được sống trong hòa bình, được ăn no ngủ ấm, được hạnh phúc bên người thân, gia đình thì 17 dân công còn sống sau trận oanh kích ngày 15-6-1968 phải sống chung với đau đớn, thương tật thể xác. Ấy vậy, nhưng họ vẫn không chùn bước trước mưa bom bão đạn, sự chiêu dụ của địch, ngược lại càng sục sôi tinh thần yêu nước, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hơn. Trong số đó có thể kể đến nữ dân quân Phạm Thị Tám. Cùng lúc gánh nhiều nỗi đau, thân xác bị thương, chồng hy sinh nhưng chị Tám vẫn gắng gượng vừa nuôi con vừa tiếp tục hoạt động cách mạng, ngụy trang là người bán cá ở chợ để làm giao liên. Đất nước thống nhất, chị Tám lại bươn chải mưu sinh, nuôi con ăn học thành tài.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm sâu trong ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, những ngày này, bà Nguyễn Thị Khỏi vẫn nỗ lực vượt qua những cơn đau quặn thắt ở vết thương mỗi khi trời chuyển mùa. Hoàn cảnh khó khăn và bị thương vậy nhưng bà vẫn chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo người mẹ già 97 tuổi sống đẹp lòng trong những năm cuối đời. Những câu chuyện bi tráng, những đồng đội anh dũng, khôn khéo trong chiến đấu luôn được truyền kể, nói chuyện với thanh niên trong ấp. Điều đó giúp các bạn trẻ sống, làm việc lý tưởng hơn, thêm yêu quê hương đất nước và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. “Tôi vẫn thường nói với các cháu rằng địch có thể bắn nát xác thịt nhưng không thể giết được ý chí của chúng ta. Trong cuộc sống, đấu tranh, nếu có lập trường tốt, ý chí vững, hẳn sẽ luôn thành công”, bà Khỏi chia sẻ.
Đêm định mệnh
Cứ đến ngày 15-6 hàng năm, bà Túy lại cùng với những đồng đội còn sống tay xách nách mang hoa quả đến Đền tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến ở ấp 4 (xã Vĩnh Lộc A) để viếng đồng đội đã hy sinh và năm nay cũng không ngoại lệ. Thắp xong nén nhang, bà Túy đến bia đền rà đọc tên của từng liệt sĩ như để nhắc nhớ mọi người về sự hy sinh anh dũng của những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Tay chặm nước mắt, vẻ mặt thẫn thờ, bà Túy nói chuyện xảy ra đã 50 năm mà cứ ngỡ như mới hôm qua, đến giờ bà vẫn chưa hết ám ảnh trước những trận “mưa đạn” phủ lên đầu của những người con cộng sản.
Bà Túy kể, đêm đó, gần 23 giờ, đoàn dân công hỏa tuyến gồm 55 người nhận lệnh đưa 2 thương binh của Sư đoàn 9 từ ngã tư Tân Hòa 1 (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) xuống Bình Thủy (nay là Đức Hòa, Long An), sau đó tải đạn về điểm tập kết. Đoàn vừa vượt qua cánh đồng dứa, đến mé bờ kinh bưng Láng Sấu thì trực thăng địch thả pháo sáng, đèn pha rọi sáng cả cánh đồng. Ngó quanh chỉ có 2 đìa dứa, tất cả nấp vào đây. Hai trực thăng của địch liên tục quần thảo tới lui, bay cách mặt đất chỉ khoảng 50m. Nhìn thấy gợn sóng trên mặt nước, địch sử dụng đại liên, rocket liên tục nã đạn vào 2 đìa dứa. Đợt đầu, nhiều người bị trúng đạn ở tay, vai nhưng cố gắng nén đau nằm im, nhưng đến đợt thứ 2 thì có rất nhiều người trúng đạn chết không toàn thây, máu loang đỏ cả một vùng. Địch vừa quay đi, một số người kịp bò sang bờ kinh, thoát thân trước khi chúng quay trở lại.
Kể đến đây, nước mắt bà Túy tuôn ròng ròng. “Một số chị em bị thương nặng cố ôm lấy nhau nói, tụi bây đứa nào còn sống nói tía má nuôi con giùm tao. Lát sau thì từ từ rời nhau…”, bà Túy xót xa. Nghe bà Túy kể, bà Nguyễn Thị Khỏi (72 tuổi, một nữ dân công khác sống sót) ngồi cạnh bên không nén được cảm xúc, khóc nức nở, bà nói như mếu: “Tới giờ tôi vẫn không quên cảnh con Để chạy theo sau, nó vừa chạy lên khỏi bờ thì trực thăng rượt theo nã liên tiếp nhiều loạt đạn…”. Xác thịt con người không thể so đọ nổi với súng đạn. Trận oanh kích của địch đã cướp đi sinh mạng của 32 dân công hỏa tuyến, trong đó có 25 nữ và 7 nam, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 16, người lớn nhất 33 tuổi.
Bắn nát xác thịt nhưng không giết được ý chí
Nếu 32 dân công hỏa tuyến hy sinh phải gác lại những mơ ước đơn giản, được sống trong hòa bình, được ăn no ngủ ấm, được hạnh phúc bên người thân, gia đình thì 17 dân công còn sống sau trận oanh kích ngày 15-6-1968 phải sống chung với đau đớn, thương tật thể xác. Ấy vậy, nhưng họ vẫn không chùn bước trước mưa bom bão đạn, sự chiêu dụ của địch, ngược lại càng sục sôi tinh thần yêu nước, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hơn. Trong số đó có thể kể đến nữ dân quân Phạm Thị Tám. Cùng lúc gánh nhiều nỗi đau, thân xác bị thương, chồng hy sinh nhưng chị Tám vẫn gắng gượng vừa nuôi con vừa tiếp tục hoạt động cách mạng, ngụy trang là người bán cá ở chợ để làm giao liên. Đất nước thống nhất, chị Tám lại bươn chải mưu sinh, nuôi con ăn học thành tài.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm sâu trong ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, những ngày này, bà Nguyễn Thị Khỏi vẫn nỗ lực vượt qua những cơn đau quặn thắt ở vết thương mỗi khi trời chuyển mùa. Hoàn cảnh khó khăn và bị thương vậy nhưng bà vẫn chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo người mẹ già 97 tuổi sống đẹp lòng trong những năm cuối đời. Những câu chuyện bi tráng, những đồng đội anh dũng, khôn khéo trong chiến đấu luôn được truyền kể, nói chuyện với thanh niên trong ấp. Điều đó giúp các bạn trẻ sống, làm việc lý tưởng hơn, thêm yêu quê hương đất nước và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. “Tôi vẫn thường nói với các cháu rằng địch có thể bắn nát xác thịt nhưng không thể giết được ý chí của chúng ta. Trong cuộc sống, đấu tranh, nếu có lập trường tốt, ý chí vững, hẳn sẽ luôn thành công”, bà Khỏi chia sẻ.