“Tôi vừa có cuộc làm việc với Samsung về kế hoạch đóng tàu của họ” - GS-TSKH Nguyễn Mại hồ hởi “tiết lộ” với phóng viên Báo SGGP vào chiều 16-11. Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, là một trong những chuyên gia hàng đầu được lãnh đạo Tập đoàn Samsung tin tưởng và thường xuyên tham vấn. Đáng nói là thông tin này ở vào đúng thời điểm mà giấy chứng nhận đầu tư 3 tỷ USD vào Thái Nguyên của nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất hiện nay tại Việt Nam đã sẵn sàng.
Quả thực, sau những “dự án tỷ đô” trong lĩnh vực điện tử được triển khai với tốc độ nhanh đến khó tin, những kế hoạch khổng lồ khác vẫn đang tiếp tục được Samsung xúc tiến. Công ty con của Tập đoàn Samsung - Samsung Heavy Industries - hãng đóng tàu lớn thứ 3 thế giới, đang cân nhắc mở nhà máy đầu tiên bên ngoài Hàn Quốc, tại một trong ba nước Indonesia, Việt Nam và Malaysia để đóng tàu hàng rời, tàu chở dầu và tàu container cỡ nhỏ. Nhà máy được dự kiến khởi công xây dựng năm 2017. Ai cũng biết các mốc thời gian luôn được các tập đoàn lớn như Samsung cân nhắc rất kỹ và thực hiện hầu như chính xác.
Kế hoạch về nhà máy đóng tàu ở nước ngoài của Samsung dự kiến được hoàn tất trong năm nay và nếu được lựa chọn là “bến đỗ” thì gần 1 tỷ USD nữa sẽ tiếp tục được Samsung “rót” vào Việt Nam; có thể góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa kế hoạch từ nay đến năm 2020 của ngành đóng tàu (tốc độ tăng giá trị toàn ngành 5% - 7%; dành 70% - 80% năng lực sản xuất phục vụ thị trường trong nước; số lượng tàu xuất khẩu đạt 1,76 - 2,16 triệu tấn tàu/năm)...
Nhưng dù chưa có dự án đóng tàu, thì những gì Samsung đang tiến hành tại Việt Nam cũng đã rất ấn tượng: chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, Samsung Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 21,5 tỷ USD; dự kiến đạt mức 28 - 30 tỷ USD vào cuối năm 2014. Giá trị xuất khẩu của Samsung Việt Nam 10 tháng chiếm gần 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 123 tỷ USD. Số điện thoại Samsung sản xuất ở Việt Nam chiếm 35% tổng số điện thoại Samsung trên toàn cầu. Đến giữa năm 2015, Samsung dự kiến sẽ có khoảng 100.000 lao động làm việc tại các nhà máy.
Nói để dễ hiểu, với khoảng 66.000 lao động hiện nay, chỉ riêng lượng thực phẩm tiêu thụ cho công nhân tại các nhà máy của Samsung cũng rất đáng nể: hơn 9 tấn gạo và khoảng 10.000 quả trứng mỗi ngày - một nguồn cầu đáng kể cho thị trường nông sản trong nước! Đó là chưa kể Samsung và sức hấp dẫn của nhà đầu tư này đối với các nhà sản xuất vệ tinh đang đưa tới cho Việt Nam một cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào “bóc tách” thật tỉ mỉ và chính xác giá trị gia tăng mà những khoản đầu tư khổng lồ từ Samsung đem lại cho Việt Nam - cả hữu hình và vô hình. Không phải ngẫu nhiên mà trong các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương, các điều khoản liên quan đến đầu tư thường chiếm tỷ trọng lớn và thường là nguyên cớ của những trì hoãn trong đàm phán. Dù ở các mức độ phát triển khác nhau, các nền kinh tế luôn cố gắng ở mức cao nhất trong việc tận dụng tác động tích cực của FDI, giảm tối đa những bất lợi có thể để thu hút FDI.
Thực tế đã được các chuyên gia kinh tế lưu ý là FDI đang tăng dần tỷ trọng trong GDP; đạt mức 20% vào thời điểm cuối năm 2013 và chắc chắn hiện nay đã cao hơn nhiều. Tuy thế, những nghiên cứu cũng đã chỉ rõ rằng sức lan tỏa của FDI tới khu vực doanh nghiệp trong nước chưa thực sự lớn như kỳ vọng; chưa kể một số tồn tại khác; mà nguyên nhân có cả phần “lỗi người, lỗi ta”.
Tuy rất vui mừng vì những kế hoạch đầu tư của Samsung ở Việt Nam, song là người có quan điểm thận trọng, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, luôn nhắc nhở: công việc quan trọng hiện nay là làm sao để kết nối được doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung, đưa Việt Nam phát triển ở trình độ cao hơn, chứ không thể chỉ lắp ráp, gia công mãi...
ANH THƯ