Nhược giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh khiến trẻ chậm phát triển

Nhược giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh khiến trẻ chậm phát triển

Trung bình, trong 4.000 trẻ sơ sinh, có 1 trẻ bị nhược giáp bẩm sinh (NGBS) - trẻ gái bị gấp đôi trẻ trai. NGBS là tình trạng không có hoặc sút giảm hormon tuyến giáp (T4 - một chất kích thích sự tăng trưởng ở trẻ em, liên quan đến nhiều tuyến và cơ quan trong cơ thể).

Nhược giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh khiến trẻ chậm phát triển ảnh 1

Tầm soát nhược giáp bẩm sinh cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ.

Nguyên nhân đa số do tuyến giáp bất thường; do bà mẹ bị thiếu i-ốt hoặc dùng thuốc điều trị tuyến giáp lúc mang thai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời (trong vòng hai tuần đầu sau sinh), trẻ thường có nhiều bệnh lý trong giai đoạn sơ sinh như: vàng da kéo dài, da xanh tái, ngủ nhiều, ít bú, ít khóc, táo bón, thân nhiệt giảm, tim mạch bất thường, thoát vị rốn, trật khớp háng...

Sau thời kỳ sơ sinh, trẻ sẽ chậm lên cân, chậm phát triển chiều cao, chậm phát triển thể chất, kém thông minh, khó theo kịp các chương trình giáo dục thông thường.

Ban đầu trẻ bị NGBS không có biểu hiện gì, đến khi nhận biết được thì đã muộn. Vì vậy, trong hai tuần đầu sau sinh cần cho trẻ tầm soát NGBS (có thể yêu cầu BV thực hiện tầm soát NGBS ngay sau sinh. Hiện 100% trẻ sinh tại BV Từ Dũ và 60% trẻ sinh tại BV Hùng Vương được tầm soát trong lúc chưa xuất viện).

Việc tầm soát NGBS được thực hiện khá đơn giản: chỉ cần lấy vài giọt máu ở gót chân trẻ thấm vào giấy thấm để xác định nồng độ TSH (chất kích thích tuyến giáp phát triển). Khi TSH dưới 20mili-đơn vị/lít là trẻ bình thường; trên 20mili-đơn vị/lít là nghi ngờ, cần làm tiếp xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

Khi trẻ bị NGBS sẽ được cho uống L-thyroxine (hormon tuyến giáp tổng hợp) với liều lượng và thời gian sử dụng do bác sĩ chỉ định (có trường hợp phải uống trong nhiều năm) và trẻ được theo dõi ít nhất trong vòng 1 năm sau sinh.

NGỌC HÀ
 

Tin cùng chuyên mục