Niềm tin mới

Dẫu những ngày tết đã qua đi, nhưng dư âm của tết như vẫn còn trên mọi ngả đường, trên nét mặt mỗi người. Ngày mùng 2, mùng 3 Tết, khi người ta còn đang chúc nhau chén rượu nồng, thì công nhân bốc xếp cảng Sài Gòn đã xếp dỡ những container hàng đầu tiên cho 3 chiếc tàu nước ngoài, kịp rời bến đúng lịch. Và trên nhiều nông trường trồng cây cao su, ở Đồng Nai, Tây Ninh, Kon Tum… hàng ngàn công nhân đã bón phân, cạo mủ. Mọi người đều hướng về mục tiêu mà ngành của mình, nhà máy của mình… đang nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành.

Ngành công nghiệp ra quân đầu năm thường tạo đà tăng tốc sản xuất cho cả năm. Còn nhớ trước tết, Cảng hàng không (mới) Phú Quốc ngày ngày ồn ã tiếng động cơ của hàng chục chiếc ô tô đổ đất, san nền làm đường băng. Sau tết, mới sáng mùng 6, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có mặt trên công trình, động viên thăm hỏi, chúc tết công nhân đang làm việc khẩn trương các hạng mục. Tính đến nay, dự án đã san nền được 90% diện tích; đường băng cất và hạ cánh dài 3.000m cũng đã hoàn thành gần 70% khối lượng công việc.

Đến ngày mùng 8 Tết, Nhà máy Đạm Cà Mau đã làm lễ công bố sản phẩm ra thị trường. Để có được ngày này, hàng trăm cán bộ, công nhân đã phải làm việc liên tục để kịp tiến độ.

Chuyện đầu năm ra quân với khí thế nỗ lực của các ngành là thế, nhưng cũng có doanh nghiệp mới đầu năm đã có những mới lo. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, trong quý 1-2012 chắc chắn xuất khẩu gạo sẽ giảm hơn so với quý 1-2011, trong quý 1-2011 các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn gạo nhưng có khả năng chỉ xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn và đặc biệt là sẽ xuất hiện “lỗ hổng” xuất khẩu gạo trong quý 2. Nguyên nhân vào các tháng cuối năm 2011 đã xuất hiện những khó khăn trong xuất khẩu gạo, do sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường gạo cấp thấp. Có 2 khu vực quan trọng để tiêu thụ gạo của Việt Nam. Đó là thị trường châu Á, tại đây gạo Việt Nam đã chiếm gần 67% thị phần trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Và thứ hai là thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%. Cả hai khu vực này đã chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Hiện nay, gạo cấp thấp của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo cấp thấp của Ấn Độ, Myanmar và Pakistan, do vậy loại gạo này có thể bị mất khoảng 20% thị trường ở khu vực châu Phi, chỉ còn lại 3% gạo chất lượng cao ở thị trường này là có thể giữ được. Như vậy, sau thắng lợi của năm 2011, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có những mối lo lớn mà ngay từ đầu năm, cần nghiên cứu chiến lược kinh doanh hiệu quả để giải các bài toán khó cho năm 2012.

Ngành du lịch - công nghiệp không khói trong những ngày xuân ăn nên làm ra với hàng chục tour đưa du khách đi mọi miền của Tổ quốc, đưa đón khách đi nước ngoài, đón khách nước ngoài vào Việt Nam chơi tết. Có thể nói, ngày xuân - tháng giêng với cán bộ, nhân viên ngành du lịch không phải là tháng ăn chơi, mà là tháng “hết hơi” vì lo đủ mọi chuyện cho hàng chục ngàn du khách. Mệt mà vui, vì có làm, có ăn, mới phát triển doanh nghiệp được. Hay như công nhân các ngành vệ sinh môi trường, cấp nước, chiếu sáng công cộng… đã có mặt từ rất sớm để sinh hoạt của người dân không bị ảnh hưởng.

Khi tháng giêng vẫn còn đang dung dăng, thì trên các công trình, nhà máy, tuyến đường, sân bay, bến cảng… người lao động bước vào ngày làm việc đầu năm với hy vọng vượt qua khó khăn và niềm tin vào sự thành công. 

THĂNG LONG

Tin cùng chuyên mục