Niềm tin - thứ xa xỉ?

BÍCH AN

Trước sự nhộn nhạo của thời cuộc, có cảm giác thiên hạ như đang đứng trước ngã tư đường bâng khuâng tự hỏi mình nên đi đâu, về đâu? Đâu là đích đến đúng nhất trong cuộc đời?... Và câu hỏi cứ dài dằng dặc… Song giống với biểu tượng vô cực trong kinh Cựu Ước: dù có đi bốn hướng, đi phải, đi trái, đi trước, đi sau thì kết cục bao giờ bạn cũng trở lại xuất phát điểm là những giá trị sống ban đầu với tính nhân văn, tình thương, lòng tốt, sự chia sẻ… Tất nhiên, phải có niềm tin vào những điều tốt đẹp còn hiện hữu trong thế giới đa cực.

Nhưng đời thực tỏ ra khác hẳn. Khốc liệt và tàn nhẫn hơn. Hôm rồi chuyện vợ chồng nữ ca sĩ Thu Minh giải quyết vụ tranh chấp tiền bạc với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng gây ra những luồng dư luận trái chiều mà chung quy cũng là cách ứng xử giữa người với người. Có còn niềm tin lẫn nhau không? Hình ảnh cô ca sĩ đài các cầm ly sâm-banh bên trong chiếc xế hộp sang trọng buông thõng câu trả lời “làm việc với chồng tôi mà tin vào uy tín của tôi thì lụn bại là đúng rồi!” hệt như lưỡi dao cắt đứt tĩnh mạch lòng trắc ẩn còn sót lại trong thực thể sống. Nó giống như lời thóa mạ “ngu thì ráng chịu” của một trong những ngôi sao làng giải trí có tiếng nhất. Mà lạ là cô ca sĩ này vẫn chễm chệ ngồi ghế giám khảo trên sóng truyền hình để giáo huấn cách sống, cách sáng tạo nghệ thuật,… Có biết rằng đằng sau hào quang của một con người thành đạt với máy bay riêng, du thuyền, túi xách Hermes, là hàng ngàn con người lam lũ, tay chai sạn, mặt bạc phếch để kiếm đồng tiền trang trải cho bữa ăn qua ngày.

Họ - dù sau đó có trở thành ông chủ - về bản chất vẫn là người lao động chân lấm, tay bùn “rũ bụi, sáng lòa” đi lên - nào có biết những tinh tế, uẩn khúc của hợp đồng xuất nhập khẩu theo chuẩn quốc tế để có cuộc sống thượng lưu như cô. Và học phí hàng chục tỷ đồng  - do tin vào uy tín - phải trả cho cuộc hội nhập WTO, TPP của họ tuy có lớn nhưng âu cũng là cần thiết. Chỉ tiếc rằng niềm tin vào chữ tín trong làm ăn dường như đã chết như lời một bài hát do Thu Minh thể hiện và điều đó liệu có mua lại được bằng nhiều tiền hơn?

Đúng là “đồng tiền đi liền khúc ruột” và ai mà chả xót xa với đồng tiền đầu tư cho dự án của đời người. Khi Ngô Thanh Vân bật khóc trong buổi họp báo ra mắt bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” bởi CGV, nhà phát hành phim Hàn Quốc, từ chối chiếu trong hệ thống rạp của mình thì ai cũng muốn khóc theo hoài bão, giấc mơ của một người phụ nữ đầy góc cạnh, cá tính. Đó là niềm tin vào một bộ phim thuần Việt với kỹ xảo, hậu kỳ, cảnh quay đều Việt hóa 100%. Nhưng éo le ở chỗ CGV chiếm tới 40% thị phần phát hành phim tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc 20 tỷ đồng tiền làm phim sẽ khó có khả năng đạt doanh thu cao như kỳ vọng mà trước đó phim “Ngày nảy ngày nay” của “đả nữ” này đã đem về doanh thu 40 tỷ đồng chỉ sau 1 tháng ra rạp. Tất nhiên có nhiều yếu tố để một bộ phim trở thành phim “bom tấn” đúng nghĩa như quảng cáo, phát hành, độ phủ các rạp… nhưng số một vẫn không gì khác ngoài chất lượng. Dù có PR dày đặc, dù có khóc lóc kêu gọi “thượng tôn dân tộc” hay “ủng hộ điện ảnh Việt” thì mấu chốt vẫn là chất lượng, chất lượng và không ngoài chất lượng, giống như nội dung quyết định hình thức.

Ở một nghĩa nào đó, phim Tấm Cám này tuy chưa phải là “tuyệt đỉnh công phu” như các siêu phẩm của Hàn Quốc hay Hollywod thường thấy, nhưng là phim hợp lý trong bối cảnh hợp lý của điện ảnh Việt Nam. Có thể vai này vai kia còn chưa tròn trịa, còn “đơ”, có thể kỹ xảo, cắt dựng chỗ này chỗ kia còn “chưa như thật” nhưng rõ ràng với 1 triệu đô tiền đầu tư thì phim cho thấy một bước tiến lớn của giới điện ảnh nước nhà. Nhưng đó là phần nổi của tảng băng, phần chìm vẫn còn “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” hay hay hơn là “chuyện chưa biết” với sự long đong đường ra rạp của phim Việt.

Như đã nói, CGV là đại gia phát hành lớn nhất nên tất yếu cư xử như một đại gia chi phối thị trường. Đơn vị này áp mức ăn chia rõ ràng bất lợi cho các nhà làm phim nội địa như họ phải “ăn” 60%, còn ta 40% trong tổng thu. Còn nhớ sau khi 8 đơn vị trong nước trong đó có cả BHD và VAA của Ngô Thanh Vân khiếu nại về “lạm dụng vị trí thống lãnh thị trường gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành trong nước” mà cụ thể là tỷ lệ ăn chia thì CGV đã “dằn mặt” bằng cách từ chối phim X-Men: Apocalypse do Galaxy Cinema phát hành tại Việt Nam. Như thế có thể thấy từ việc công chiếu phim Tấm Cám với những lùm xùm quanh khâu phát hành, các nhà làm phim nội địa đang tìm cách thoát khỏi cái bóng quá lớn của “ông kẹ” CGV bằng chính chất lượng sản phẩm “hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Trước thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập như riêng trong lãnh vực giải trí các đơn vị trong nước phải chịu thuế doanh thu 25%, trong khi nước ngoài như CGV được miễn trong 10 năm đầu hoạt động, bắt buộc các nhà sản xuất, phát hành phim trong nước phải có con đường phát triển riêng theo phương châm “vừa đánh vừa đàm”, chú trọng trước tiên vào chất lượng sản phẩm, cùng với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý về văn hóa. Trong cuộc chiến này, chính niềm tin mới tạo ra sức mạnh lan tỏa của sản phẩm Việt. Và đó không còn là mặt hàng xa xỉ trong cuộc sống phức tạp hiện nay.


BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục