Niềm tin về ASEAN

Trong báo cáo mới công bố ngày 16-1, Ngân hàng Standard Chartered nhận định kinh tế của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh với nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2015.

Ông Edward Lee Wee Kok, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực Đông Nam Á của Standard Chartered, cho biết tăng trưởng của ASEAN đã luôn vượt trội so với tăng trưởng toàn cầu và đã đạt mức tăng trưởng nhanh hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu trong giai đoạn 1980-2013 là 2%.

Trong một vài tháng trở lại đây, niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu nằm ở mức thấp và ASEAN cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu có thể tăng trưởng chậm ở mức 5%, ASEAN vẫn là một khu vực rất khả quan. Trong dài hạn, ASEAN sẽ có lợi từ các hiệp định thương mại tự do hiện đang được đàm phán, đặc biệt trong số đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thông qua những hiệp định này, các nền kinh tế ASEAN có thể tiếp cận những thị trường có quy mô lớn hơn nhiều lần.

Ngoài ra, thương mại nội khối ASEAN cũng có thể phát triển hơn nữa nhờ tăng cường hợp tác kinh tế ngày càng mạnh mẽ với sự hỗ trợ của các sáng kiến, trong đó có việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự hỗ trợ của dòng vốn FDI cùng với sự thịnh vượng đang gia tăng trong khu vực.

Về AEC, ông Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore cho rằng, các nước thành viên ASEAN đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý trên con đường tiến tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015. Thứ nhất là thuế quan, đây là một câu chuyện thành công về cam kết chính trị đối với các nước thành viên ASEAN. Sau khi thực hiện Khu vực Thương mại tự do ASEAN, mức thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) gần như bằng 0 cho ASEAN-6. Hơn 70% thương mại trong ASEAN được thực hiện ở mức thuế quan bằng 0 theo nguyên tắc Tối huệ quốc và chưa đến 5% đối với mức thuế quan trên 10% (WTO 2011).

Thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi thương mại: Theo đó, 5 nước thành viên ban đầu của ASEAN thực hiện ngay cơ chế một cửa quốc gia bằng cách cuốn chiếu toàn bộ theo kế hoạch đối với tất cả các cảng và sân bay quan trọng vào năm 2015. Tiếp đến là tự do hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và cuối cùng là tự do hóa dịch vụ. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) hay các thỏa thuận tương đương đã được nhất trí đối với 3 loại hàng hóa và 7 nghề nghiệp và một “thỏa thuận khung” đã được hoàn tất.

Tính đến nay, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã hoàn thành 82% các biện pháp trong kế hoạch chi tiết xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (Một trong 3 trụ cột chính của ASEAN là Cộng đồng chính trị-an ninh, cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa xã hội), riêng Malaysia đã thực hiện được 83,9% các biện pháp này.

Theo ông Simon Tay, một tiếng nói địa chính trị thống nhất sẽ đem lại cho ASEAN một vai trò toàn cầu to lớn hơn. ASEAN cần sự kết nối để tạo ra một khu vực cạnh tranh hơn, một thị trường chung để đưa người tiêu dùng của nó đến với nhau và một cơ sở sản xuất hợp nhất. Ngoài các vấn đề kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, các thành viên phải quan tâm nhiều hơn đến các lợi ích của thành viên khác. Nếu các lãnh đạo của ASEAN có thể cùng cất tiếng nói, các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác ngoài ASEAN sẽ có lòng tin lớn hơn vào khu vực này.

         VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục