Giải thưởng Tôn Đức Thắng do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức hàng năm, đến nay đã 15 năm. Trong suốt 15 năm qua, đã có 162 công nhân ưu tú được nhận giải thưởng. Lễ trao giải thưởng năm nay nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh (2-9) và 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người thợ cơ khí Ba Son của Sài Gòn Chợ Lớn năm xưa - nơi khởi nguồn của phong trào công nhân, nơi hình thành giai cấp công nhân sớm nhất và tập trung nhất ở nước ta.
Cách đây 15 năm, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Liên đoàn Lao động TPHCM sáng lập ra Giải thưởng Tôn Đức Thắng để vinh danh những người thợ có cống hiến xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo và đào tạo, bồi dưỡng thợ trẻ, giỏi. Từ kết quả thực tế ban đầu và tầm quan trọng của giải thưởng, năm 2004, UBND TPHCM quyết định chuyển thành giải thưởng cấp thành phố và TPHCM trở thành địa phương duy nhất trong cả nước có một giải thưởng tôn vinh người công nhân. Giải thưởng này vừa là nguồn động viên vừa là niềm tự hào đối với người thợ đang ngày đêm trực tiếp lao động sản xuất trên các công trường, xí nghiệp.
15 năm Giải thưởng Tôn Đức Thắng là sự khẳng định uy tín, tầm vóc và tầm ảnh hưởng to lớn đối với phong trào công nhân TPHCM. Nhìn rộng hơn, giải thưởng đã góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của TP và việc thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tất cả 162 gương mặt nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng trong 15 năm qua đều toát lên những phẩm chất tốt đẹp của người thợ, có sức thu hút to lớn và có sức lan tỏa rộng. Ở họ sáng lên ngọn lửa nhiệt tình, đam mê sáng tạo và ý chí kiên cường. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của họ không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn tạo sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa công nhân với công nhân, với chủ doanh nghiệp, với tổ chức công đoàn, qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Giá trị thương hiệu của Giải thưởng Tôn Đức Thắng còn là địa chỉ đáng tin cậy để các cấp ủy ở TPHCM thực hiện chủ trương của Đảng về việc tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch cán bộ xuất thân từ công nhân. Qua 15 năm, rất nhiều công nhân sau khi nhận giải thưởng đã tiếp tục học lên đại học, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều người trong số họ trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở doanh nghiệp hay làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. Họ đã góp phần làm tăng “chất công nhân” trong Đảng, tăng sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là thành công, niềm vinh dự và là phần thưởng đối với những đơn vị sáng lập và duy trì Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Rất đáng mừng là ngày càng có nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức rõ hơn giá trị Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Trong các lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng hàng năm, nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định, giải thưởng là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi công nhân hăng say, nhiệt tình làm việc, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từ đó có thêm nhiều nhân tố mới làm giàu sáng kiến trong doanh nghiệp.
Nói về Giải thưởng Tôn Đức Thắng, anh Nguyễn Văn Đơ, một trong những người được nhận giải thưởng, đã nói lên suy nghĩ, tình cảm của mình: “Trong sự nghiệp đổi mới, luôn đòi hỏi người công nhân phải có nhân cách, chí khí quật cường, phẩm chất cao đẹp của người công nhân Tôn Đức Thắng, để góp phần đưa đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. Chính vì hiểu giá trị to lớn đó, anh em chúng tôi đã phấn đấu không ngừng trong suốt những năm qua. Giải thưởng không chỉ là niềm tự hào đối với bản thân chúng tôi mà còn là niềm tự hào của gia đình và là tấm gương cho các con cháu cố gắng học tập vươn lên để sau này đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước”.
TUẤN SƠN