Đây là sự kiện hiếm có của lịch sử bóng đá Việt Nam; khẳng định tấm vé dự World Cup U.20 vừa qua không phải là may mắn và việc LĐBĐ Việt Nam (VFF) được AFC chọn là số 1 châu Á năm 2016 không phải là sự ưu ái.
Có một điểm cần chú ý là các kết quả nói trên đều đã “vượt tiến độ” so với Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mà Chính phủ phê duyệt 4 năm trước. Như vậy, về mặt thành tích, nền bóng đá nước ta đang có sự phát triển, tuy nhiên khó khăn cũng đến từ việc hoàn thành sớm chỉ tiêu ấy.
Đầu tiên đó là gánh nặng tài chính. Theo ước tính, chi phí riêng cho việc tập huấn và thi đấu của 6 đội tuyển nói trên vào khoảng 40 tỷ đồng, chưa bao gồm việc tổ chức các giải giao hữu nhằm nâng cao trình độ và chưa tính đến việc đội tuyển Olympic còn sẽ tham dự Asiad 2018 ở Indonesia. Đây là khoản kinh phí khổng lồ nếu chúng ta biết rằng, nguồn thu cao nhất mà VFF từng có trong một năm chưa đến 60 tỷ đồng. Tất nhiên, ngân sách nhà nước cũng sẽ được chi cho các hoạt động đội tuyển, nhưng rõ ràng gánh nặng chủ yếu dồn lên vai VFF.
Kế đến, chúng ta chỉ mới đạt được về mặt con số ở tham dự một giải đấu châu Á chứ chưa nói thể nói về trình độ thi đấu. Trong 6 đội tuyển kể trên, chỉ mới có futsal, bóng đá nữ và U.19 là có chỗ đứng trong tốp 10 châu lục, trong khi U.23 và ĐTQG nam giành quyền tham dự chủ yếu nhờ sự mở rộng số lượng đội dự VCK. Xét về đẳng cấp, các đội tuyển nam hiện chỉ ở vị trí tiệm cận tốp 20, còn rất xa mục tiêu tốp 15 mà Chiến lược của Chính phủ đặt ra.
Như vậy, việc có đến 6 đội bóng đá châu lục là niềm vui nhưng cũng là một thách thức lớn của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là đối với nhiệm kỳ mới của VFF dự kiến được bầu vào năm sau. Với nền tảng hiện nay, thu hút vài chục tỷ đồng tài trợ gần như là rất khó khi ngay các trận đấu tại V-League còn vắng khán giả, thiếu doanh nghiệp đầu tư, thành tích của các đội tuyển nam khá nghèo nàn, khiến người hâm mộ mất lòng tin. Mọi thứ sẽ còn tệ hơn nếu như đổ tiền cho các chuyến tập huấn rồi khi vào giải thi đấu kém cỏi, bị loại sớm, chỉ làm cho niềm tin trở nên ít ỏi hơn, như trường hợp của đội U.22 tại SEA Games 29 vừa qua.
Tất nhiên, không thể phủ nhận những tiến bộ đáng kể của bóng đá Việt Nam, nhưng thực trạng vẫn đang rất khó khăn, thiếu định hướng và nền tảng hiện nay còn lỏng lẻo. Ở đây có thể thấy rất rõ sự phát triển không đồng bộ của bóng đá Việt Nam, bởi thành tích tốt không đi kèm với sự lớn mạnh về tài chính, điều lẽ ra phải tỷ lệ thuận với nhau trong môi trường bóng đá hiện đại. Số lượng các đội tuyển dự giải châu Á nhiều nhưng chất lượng thi đấu tại giải nội địa (V-League) không tăng, không thuyết phục được khán giả. Bóng đá trẻ liên tục thi đấu đỉnh cao nhưng cầu thủ trẻ thì lại không trưởng thành ở màu áo CLB, dẫn đến chất lượng của đội tuyển quốc gia kém nhất trong 10 năm qua. Những chi tiết mâu thuẫn đó thường là biểu hiện tính nghiệp dư của một nền bóng đá.
Vấn đề lớn nhất nằm ở tính ổn định về mặt chiến lược, tầm nhìn, kể cả bộ máy quản lý nền bóng đá. Sự phát triển của các đội tuyển không thể tách rời khỏi giải nội địa, cụ thể hơn là các CLB chuyên nghiệp. Bóng đá trẻ cũng cần có một lộ trình ổn định, tránh tình trạng thi đấu thành công trong màu áo U.19, U.20 nhưng lại không có cơ hội ra sân, thậm chí thụt lùi về tài năng ở môi trường CLB, dẫn đến chất lượng của đội tuyển quốc gia kém nhất trong 10 năm qua. Xét ở góc độ tài chính cũng vậy. Con số 10 tỷ đồng/năm mà VFF nhận được từ V-League chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của các đội tuyển, chưa nói đến việc hỗ trợ cho phong trào chung.
Thế nên mới có chuyện, niềm vui dễ trở thành gánh nặng. Sự kiện 6 đội tuyển dự giải châu Á chỉ mang tính hình thức chứ chưa thực chất.
VIỆT QUANG