Nợ khó đòi: khổ cả đôi bên

Trước tình hình nợ xấu tăng cao, một số ngân hàng ở Bạc Liêu đã hạn chế đầu tư vốn, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Điều đáng quan tâm là những khoản nợ này cũng khó có khả năng thu hồi.

Nhằm khắc phục thiệt hại, tạo điều kiện cho các ngư dân hoạt động khai thác hải sản, ổn định cuộc sống sau cơn bão số 5, Chính phủ đã triển khai đầu tư vốn khôi phục đội tàu đánh bắt xa bờ ở các tỉnh ven biển phía Nam, trong đó có Bạc Liêu. Sau đó, Bạc Liêu đã chỉ đạo cho một số ngân hàng trong tỉnh đầu tư trên 100 tỷ đồng để sửa chữa, đóng mới hàng trăm phương tiện khai thác xa bờ. Trong đó, Ngân hàng NN-PTNT là đơn vị có vốn đầu tư nhiều nhất: 84 tỷ đồng. Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua việc thu hồi vốn dường như bế tắc, dù các ngân hàng đã áp dụng nhiều phương pháp để thu hồi nợ. Đến nay ngân hàng mới chỉ thu hồi vốn gần 8 tỷ đồng (cả gốc và lãi), còn lại hàng chục tỷ đồng chỉ thu… “vét”, dù đã dùng mọi biện pháp để thu hồi nợ, kể cả biện pháp cuối cùng là khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, khi ra tòa khách hàng cũng “hứa”, còn những phương tiện phát mãi bán đấu giá thì ngân hàng thu lại cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Sau những năm Bạc Liêu chia tách tỉnh, Công ty Xuất nhập khẩu Hộ Phòng (Giá Rai) được coi là một doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, được tỉnh ưu ái tạo mọi điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhất là đầu tư vốn. Thế nhưng, do có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến công ty này chuyển biến theo chiều hướng xấu, sản xuất, kinh doanh liên tục thua lỗ, dẫn đến phá sản và còn nợ các ngân hàng với số tiền gốc (chưa kể lãi suất) lên đến 45 tỷ 846 triệu đồng. Trong đó, nợ Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bạc Liêu 18 tỷ 882 triệu đồng; nợ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển 6 tỷ 751 triệu đồng; Ngân hàng Ngoại thương 600.000 USD và nợ Chi nhánh Ngân hàng Đông Á 10 tỷ 800 triệu đồng.

Khi Công ty Xuất nhập khẩu Hộ Phòng phá sản đã làm một số ngân hàng bị “tê liệt”, nhất là các ngân hàng “mới khai sinh” và có doanh số đầu tư lớn. Điển hình như Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Bạc Liêu vừa mới thành lập tại Bạc Liêu thì bị “vướng” đến 600.000 USD. Tương tự, Ngân hàng Đông Á cũng vướng 10 tỷ 800 triệu đồng... Điều đáng nói, từ khi các ngân hàng “vướng” vào Công ty Xuất nhập khẩu Hộ Phòng thì không thu được đồng xu nào, kể cả tiền lãi và gốc. Sau gần chục năm trời phá sản, hiện nay công ty này được xử lý phát mãi tài sản, nhưng theo lãnh đạo một số ngân hàng thì khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư, vì số tiền bán phát mãi tài sản của Công ty Xuất nhập khẩu Hộ Phòng chẳng là bao!

Đó chỉ là một vài “điển hình” về các khoản nợ xấu rất lớn mà nhiều ngân hàng ở Bạc Liêu bị vướng và không có khả năng thu hồi làm ảnh hưởng chung đến tình hình tăng trưởng tín dụng của tỉnh và nhu cầu vốn vay trong dân.

HỒNG DÂN

Tin cùng chuyên mục