Nỗ lực chặn nguồn thải ô nhiễm

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, những nguồn thải được tập trung ưu tiên giải quyết là nước thải công nghiệp, nước thải đô thị, khí thải và chất thải rắn.
Nỗ lực chặn nguồn thải ô nhiễm

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, những nguồn thải được tập trung ưu tiên giải quyết là nước thải công nghiệp, nước thải đô thị, khí thải và chất thải rắn.

Xác định rõ nguồn thải

Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến nay, thành phố cơ bản đã khống chế được nguồn nước thải có khối lượng lớn. Cụ thể, trong tổng số 16 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao thì 100% các khu đều đã đầu tư xong và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải được xử lý là 44.370m3/ngày trên tổng công suất thiết kế là 75.300m³/ngày. Ngoài ra, 2 cụm công nghiệp là Lê Minh Xuân và Nhị Xuân cũng đã đảm bảo xử lý 500m³ nước thải /ngày đêm trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, về các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp, trong tổng số 3.370 cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải từ 10m³/ngày trở lên, đã có 82,5% nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 50m³/ngày có hệ thống xử lý nước thải. Với nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 30 - 50m³/ngày, có 69,5% doanh nghiệp đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải. Riêng nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 10 - 30m­³/ngày cũng đã có đến 60,5% doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Điều này cho thấy, vẫn còn lượng lớn chất thải ô nhiễm từ nước thải công nghiệp vẫn đang đổ vào hệ thống kênh rạch nội và ngoại thành.

Một nguồn thải ô nhiễm khác là khí thải thì cho đến nay chỉ mới cơ bản khống chế nguồn thải từ hoạt động sản xuất. Còn nguồn khí thải phát sinh từ các phương tiện tham gia giao thông vẫn chưa khống chế được. Cụ thể, trên toàn địa bàn thành phố đang có 830 nguồn khí thải công nghiệp nhưng có đến 70% trong tổng số nguồn thải đã có hệ thống xử lý khí thải. Các doanh nghiệp có hệ thống xử lý khí thải là doanh nghiệp có lưu lượng khí thải lớn. Số còn lại chưa có hệ thống xử lý khí thải chủ yếu là doanh nghiệp có nguồn thải nhỏ. Riêng về lượng khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông thì cho đến nay vẫn chưa kiểm soát được. Thống kê gần nhất cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện đang có 6,8 triệu xe máy, 638.409 ô tô. Hơn 50% vị trí quan trắc đều cho kết quả nồng độ các chất ô nhiễm CO, NO2 vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng nghiêm trọng. Gần 100% vị trí quan trắc đều không đạt tiêu chuẩn tiếng ồn trong khu dân cư.

Tình trạng phát sinh nhanh khối lượng chất thải rắn sinh hoạt do tốc độ gia tăng dân số nhanh cộng với việc xử lý chất thải rắn chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp đang gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư. Hiện tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn thành phố khoảng 7.500 tấn/ngày. Số lượng mới phát sinh trung bình 5%/năm. Tuy nhiên, có đến 76%/tổng lượng chất thải rắn xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Số ít còn lại được xử lý bằng biện pháp tái chế. Thực tế này đã nảy sinh tình trạng mùi hôi bao vây khu dân cư, gây nhiều bức xúc cho dư luận.

Lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia dọn vệ sinh ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM

Cần hợp lực để giảm thiểu ô nhiễm

Trước những vấn đề bức xúc trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện sở đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan nhanh chóng đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải đô thị. Hiện trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận 2,8 triệu m3 nước thải đô thị thải vào hệ thống kênh rạch và sẽ tiếp tục tăng lên thành 3,7 triệu m3 nước thải/ngày vào năm  2020. Theo đúng quy hoạch của Thủ Tướng Chính phủ, đến năm 2025, thành phố sẽ cần phải có 12 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đảm bảo giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm hệ thống nước kênh rạch trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện thành phố chỉ mới có 1 nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000m3/ngày đêm và Hồ sinh học Bình Hưng Hòa với công suất 30.000m3/ngày đêm.

Về nguồn thải công nghiệp nói chung, sở đẩy mạnh thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các nguồn thải. Với những nguồn thải có lưu lượng lớn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, các khu chế xuất, khu công nghiệp và cụm công nghiệp sẽ bị buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và thiết lập đường truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Riêng những nguồn thải của các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nước thải khi dẫn vào hệ thống kênh rạch kết hợp với công tác triển khai khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh để cải thiện chất lượng kênh rạch. Mặt khác, sở sẽ phối hợp với UBND quận, huyện tiến hành lập danh sách và lên kế hoạch di dời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Từ nay đến cuối năm 2016, thực hiện hoàn thành thí điểm việc di dời 21 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 để làm cơ sở triển khai nhân rộng thực hiện ra toàn địa bàn thành phố. Với chất thải rắn, sở đang đẩy mạnh nghiên cứu kết hợp với kêu gọi xã hội hoá đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Còn về vấn đề giảm thiểu khí thải, sở kiến nghị UBND TP đốc thúc Sở Giao thông Vận tải sớm triển khai những chương trình nhằm giảm ùn tắc giao thông và đặc biệt là kiểm soát chất lượng khí thải phương tiện tham gia giao thông.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục