Nỗ lực đảm bảo quyền lợi người lao động

(SGGP).– Ngày 28-11, hơn 200 doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã đối thoại với Sở LĐTB-XH TP và BHXH TP về các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực lao động và BHXH.

Nhiều DN thắc mắc, nhiều khi DN cử người lao động đi làm việc ở các tỉnh, thành khác trong vòng 1 năm nhưng người lao động lại không nhận nhiệm vụ, vậy DN có thể sa thải nhân viên đó không? Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền công - Tiền lương, Sở LĐTB-XH, cho biết, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) với DN. DN muốn điều chỉnh mối quan hệ này, muốn thay đổi nội dung HĐLĐ thì hai bên cần thỏa thuận chứ không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính như các quy định đối với viên chức, công chức. Nếu HĐLĐ không thể hiện mà DN tự điều động nhân viên đi công tác (nhất là dài ngày) thì DN sai về phương pháp. Khi người lao động vẫn có mặt ở trụ sở (không nghỉ việc) lại không đi nhận nhiệm vụ ở tỉnh, thành khác mà DN sa thải là sai chồng sai. Vì thế, trước khi điều động đi công tác, DN cần nắm lại hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng của người lao động để bố trí cho phù hợp; HĐLĐ cần được quy định chi tiết để hai bên dễ áp dụng.

Bà Nguyễn Thị Dân cũng lưu ý các DN muốn tiếp nhận người lao động nước ngoài vào làm việc thì người lao động đó cần phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định mới được cấp giấy phép lao động. Thay vì có một trong hai điều kiện - có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc kinh nghiệm 5 năm làm việc ở nước ngoài - thì quy định mới yêu cầu người lao động nước ngoài cần phải có cả hai yêu cầu trên.

Với các thắc mắc của DN về kinh nghiệm làm việc 5 năm ở trong nước thì có được không, bà Nguyễn Thị Dân cho biết, quy định còn nhiều vướng mắc, hy vọng sẽ có thông tư hướng dẫn rõ thêm.

Trong tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều DN nợ BHXH, ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP, cho biết, những DN thật sự khó khăn, có thể đóng BHXH riêng cho những người nghỉ việc, nghỉ hưu. Tiếp theo là đóng BHYT cho những người còn lại. Đây là giải pháp tình thế được cơ quan BHXH áp dụng để người lao động được chốt sổ BHXH và đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Về nguyên tắc, DN phải nộp BHXH cho toàn bộ cho người lao động và nộp đến đâu thì cơ quan BHXH chốt sổ đến đó. Cũng với lý do khó khăn, với các DN muốn tách rời tiền lương thực lãnh và tiền lương đóng BHXH (với mức thấp hơn), ông Đỗ Quang Khánh giải thích, như vậy là sai cơ bản. Sau này, khi phát sinh tranh chấp thì rất khó xử lý. Đối với những người lao động có 2 sổ bảo hiểm, DN không thể khóa sổ bảo hiểm cho nhân viên được vì sổ cũ đã mất, người lao động cần đến cơ quan BHXH nơi DN cũ trú đóng để được cấp lại sổ (sổ cũ). Sau đó, DN hiện tại và cơ quan BHXH sẽ cộng gộp lại hai sổ cho người lao động.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục