Đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới và 60% cơ sở sản xuất đang hoạt động thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng phải sử dụng hoặc chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ sạch. Đó là chiến lược sử dụng công nghệ sạch mà Chính phủ vừa phê duyệt. Xuất phát từ thực tế này, TPHCM đã và đang nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, để hiểu rõ hơn về cơ chế hỗ trợ này.
* Phóng viên: Theo ông, hiện trạng về trình độ công nghệ sản xuất mà các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang ứng dụng như thế nào?
* Ông PHAN MINH TÂN: Công nghệ sản xuất được xem là gốc của sự phát triển. Công nghệ sản xuất hiện đại, đồng nghĩa với việc tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và thế giới. Ngược lại sẽ giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp do đội giá thành sản xuất, gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là gây tổn hại thương hiệu. Điều này rất có hại cho doanh nghiệp nếu muốn vươn ra thị trường rộng lớn hơn trên thế giới. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay phần lớn công nghệ sản xuất trên địa bàn thành phố là lạc hậu. Nghiên cứu gần đây do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện cho thấy, chỉ có 1% doanh nghiệp sản xuất có công nghệ hiện đại, hơn 50% doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, rất lạc hậu. Số còn lại có công nghệ sản xuất trung bình. Điều này cũng lý giải phần nào cho việc doanh nghiệp vẫn loay hoay gặp khó trong việc phát triển thị trường hiện nay.
* Nhưng thời điểm kinh tế suy thoái hiện nay rất khó để các doanh nghiệp nghĩ đến việc phải đổi mới công nghệ sản xuất?
* Tình hình kinh tế hiện nay là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ cộng với đột phát trong hướng phát triển. Trên thực tế, trong những năm khó khăn vừa qua, vẫn có những doanh nghiệp phát triển rất mạnh nhờ dựa vào sự hỗ trợ đổi mới công nghệ của thành phố để mạnh dạn chuyển đổi công nghệ, tăng giá trị sản phẩm, đồng thời giảm giá thành cạnh tranh.
* Các doanh nghiệp vẫn muốn dựa vào sự hỗ trợ từ phía chính quyền để cải tạo công nghệ sản xuất nhưng rào cản thủ tục luôn gây quan ngại lớn cho doanh nghiệp?
* Thực ra, đó chỉ là tâm lý ngán ngại của doanh nghiệp. Trên thực tế, liên quan đến các hoạt động hỗ trợ vốn để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ đã được thành phố tối giản đến mức thấp nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Duy chỉ có một yêu cầu là doanh nghiệp phải xây dựng phương án đổi mới công nghệ thật rõ ràng và mức phí chuyển đổi.
* Hiện nay mức vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ áp dụng như thế nào?
* Với những doanh nghiệp đã được duyệt phương án đổi mới công nghệ, nếu vay vốn ngân hàng thì sẽ được thành phố hỗ trợ từ 50% đến 100% chi phí chi trả lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, tổng số tiền doanh nghiệp vay ngân hàng không quá 100 tỷ đồng. Nhân đây tôi thông tin thêm, trước đây đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chỉ là những cơ sở sản xuất có nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang trình UBNDTP cho phép mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Song song đó, sở đang triển khai 15 chương trình nhánh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch và phát triển bền vững. Cụ thể như nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu; tiết kiệm năng lượng; thiết kế mở trong ngành công nghiệp cơ khí…
* Chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoặc chuyển đổi công nghệ đã có. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ có biện pháp chế tài nào?
* Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra thông tư hạn chế, thậm chí không cho phép nhập khẩu công nghệ đã qua sử dụng vào nước ta. Về phía TPHCM, sở đã kiến nghị UBNDTP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phải yêu cầu thẩm định công nghệ trước khi cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp. Đây là một xu thế tốt nhằm ngăn ngừa tình trạng rác công nghệ vào Việt Nam.
Có thể nói, tình hình kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp có tâm lý dè dặt đầu tư vì sợ rủi ro. Một số trường hợp doanh nghiệp muốn đầu tư đổi mới công nghệ nhưng lại không có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tình hình kinh tế khó khăn chung rồi sẽ đi qua, nhưng nếu doanh nghiệp không mạnh dạn đổi mới công nghệ thì tình hình khó khăn sẽ vẫn còn tiếp tục, do khả năng cạnh tranh sẽ thấp. Chỉ có con đường đổi mới công nghệ mới mong tăng giá trị cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong thời gian tới, để tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, sẽ thực hiện bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất sạch và phát triển. Vấn đề còn lại doanh nghiệp phải mạnh dạn đổi mới mình để gỡ khó.
* Cảm ơn ông!
MINH XUÂN