Theo Yonhap, ngày 27-12, một nhóm 29 nghị sĩ thuộc đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc đã ly khai sau những mâu thuẫn không thể giải quyết với nhóm nghị sĩ ủng hộ Tổng thống bị đình chỉ chức vụ Park Geun-hye.
Nhóm các nghị sĩ ly khai khỏi đảng cầm quyền ở Hàn Quốc tổ chức họp báo ngày 27-12
Muốn cải tổ
Nhóm nghị sĩ ly khai muốn thành lập một đảng mới mang tên đảng Bảo thủ mới vì cải tổ, dự kiến ra mắt ngày 24-1-2017, nhằm thu hút các cử tri bảo thủ không còn ủng hộ đảng Saenuri sau khi xảy ra vụ bê bối liên quan đến Tổng thống bị đình chỉ Park Geun-hye và người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil. Nhóm nghị sĩ này cho rằng, sự trung thành của đảng cầm quyền với bà Park cũng như việc phớt lờ tiếng nói của người dân đã tạo kẽ hở để bà Choi Soon-sil can thiệp vào công việc nhà nước. Ban đầu, nhóm này kỳ vọng sẽ có 35 nghị sĩ ly khai khỏi đảng Saenuri nhưng hiện chỉ có 29 nghị sĩ có động thái nêu trên, một số khác dự kiến sẽ hành động tương tự vào đầu tháng tới. Sau vụ ly khai này, đảng Dân chủ đối lập chính đã trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội với 121 ghế.
Một nguyên nhân khác dẫn đến quyết định trên của nhóm nghị sĩ ly khai là do bất đồng về việc chỉ định nghị sĩ Yoo Seong-min, một chính trị gia nổi tiếng chống đối bà Park, vào vị trí chủ tịch lâm thời của đảng. Thay vì chỉ định ông Yoo, nhóm ủng hộ bà Park trong đảng cầm quyền Saenuri đã chỉ định lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ In Myung-jin, 70 tuổi, làm Chủ tịch lâm thời Ủy ban lãnh đạo khẩn cấp của đảng. Đảng cầm quyền Saenuri cho biết sẽ triệu tập một hội nghị cấp quốc gia để phê chuẩn việc bổ nhiệm ông In càng sớm càng tốt.
Gây khó cho ông Ban Ki-moon
Nguy cơ phân hóa của đảng cầm quyền được dự báo sẽ gây khó khăn cho Tổng Thư ký Liên hiệp quốc mãn nhiệm Ban Ki-moon, người mà dư luận cho rằng sẽ đại diện đảng Saenuri ra ứng cử Tổng thống Hàn Quốc. Nhóm các nghị sĩ ly khai muốn vận động ông Ban trở thành ứng cử viên tổng thống của nhóm này. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do hãng Realmeter tiến hành đối với 2.528 cử tri khắp Hàn Quốc từ ngày 19 đến 23-12 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Ban trở thành tổng thống là 23,3%, tăng 2,8 điểm phần trăm so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, thông tin từ cuộc điều tra do một tuần báo Hàn Quốc đăng tải, ông Ban Ki-moon nhiều khả năng đã nhận hối lộ 200.000USD vào năm 2005, lúc ông làm Ngoại trưởng Hàn Quốc và 30.000USD năm 2007, sau khi ông giữ ghế Tổng Thư ký Liên hiệp quốc. Những lời tố giác này được cho là sẽ gây bất lợi đối với ông Ban Ki-moon, người đã công bố ý định muốn tranh cử tổng thống. Phía đảng cấp tiến Dân chủ đã yêu cầu mở cuộc điều tra.
Cùng ngày, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu chính thức xem xét vụ luận tội Tổng thống bị đình chỉ Park Geun-hye vào chiều 3-1 tới. Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp chuẩn bị lần thứ 2, với sự tham gia của Ủy ban luận tội của Quốc hội Hàn Quốc và các đại diện pháp lý của bà Park, trong đó, các bên thảo luận cách tiến hành các phiên xem xét sắp tới của tòa án tối cao. Cuộc họp chuẩn bị cuối cùng sẽ được tiến hành vào ngày 30-12-2016.
Nhóm điều tra độc lập về vụ bê bối liên quan đến bà Park và bà Choi Soon-sil tuyên bố sẽ đề nghị Interpol đưa con gái 20 tuổi của bà Choi là Chung Yoo-ra vào danh sách truy nã do từ chối trả lời điều tra bất chấp đã có nhiều lệnh triệu tập. Thời gian vừa qua, các điều tra viên Hàn Quốc vẫn tìm kiếm nơi ở hiện nay của Chung Yoo-ra, đã có nguồn tin cho rằng người này hiện đang ở Đức. |
THANH HẰNG (tổng hợp)