Nội bộ đấu đá, học sinh lãnh đủ

Nội bộ đấu đá, học sinh lãnh đủ

Mấy ngày qua, hơn 150 học sinh của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM (108 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3) phải gián đoạn quá trình học tập. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục người khuyết tật, một cuộc đình công ồn ào nhất từ trước đến nay của giáo viên đã diễn ra, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý học tập của các em. Vì sao?

Bà Đàm Thị Tâm khẳng định mình bị vu khống.

Bà Đàm Thị Tâm khẳng định mình bị vu khống.

Vấn đề đấu đá nội bộ trong một tập thể sư phạm trước đây đã từng diễn ra, song chủ yếu với quy mô nhỏ, mang tính chất cá nhân. Vì vậy không ít người đã ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh tập thể giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM đồng loạt đình công, ngồi thành hàng ngang trước cửa trung tâm với những khẩu hiệu: “Vì tương lai của trẻ khuyết tật, xin Sở GD-ĐT TPHCM giải quyết vấn đề bà Đàm Thị Tâm, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn”, “Tập thể giáo viên chúng tôi không chấp nhận một con người bị kỷ luật, thiếu tư cách và chuyên môn như bà Đàm Thị Tâm làm lãnh đạo”…

Các thông điệp này tiếp tục được sao y thành nhiều bản lớn, dán dọc hành lang, cầu thang và khắp khuôn viên nhà trường. Cô Đoàn Nguyên Trân, giáo viên dạy tại đây cho biết, từ khi bà Đàm Thị Tâm được Sở GD-ĐT TPHCM phân bổ về làm phó giám đốc trung tâm đã tạo nhiều mâu thuẫn nội bộ, gây mất đoàn kết.

“Tập thể giáo viên chúng tôi đã nhiều lần phản ánh hàng loạt bất ổn trong cách điều hành và quản lý công việc của trung tâm lên Sở GD-ĐT nhưng không nhận được sự hồi âm nào từ phía cơ quan quản lý. Mới đây nhất đã có 14/19 giáo viên đồng loạt ký vào đơn xin cứu xét dài 8 tờ giấy A4 nhưng không được lãnh đạo sở giải quyết nên phải dùng biện pháp đình công”, cô Trân cho biết.

Ở phía ngược lại, khi trao đổi với PV Báo SGGP, bà Đàm Thị Tâm, Phó Giám đốc trung tâm khẳng định các thông tin giáo viên cung cấp đều mang tính chất vu khống, bịa đặt. Từ tháng 5-2013 (khi được tiếp quản công việc) cho đến nay, bà là người thực thi nhiều quy định mới do giám đốc trung tâm ban hành nên không tránh khỏi va chạm, gây mất lòng giáo viên.

Đáng tiếc, khi các bên liên tục xảy ra mâu thuẫn thì hơn 150 phụ huynh có con đang điều trị tại trung tâm cũng bị lôi kéo vào vụ việc. Rất nhiều tin nhắn, đơn tố cáo đã được gửi đi, quá trình học tập của các em cũng bị gián đoạn. Trong đó, hơn 80 trẻ phải tạm dừng quá trình điều trị can thiệp sớm, gây nhiều thiệt thòi và ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập cộng đồng của các em.

Trước hàng loạt căng thẳng nội bộ không thể hòa giải, đoàn thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM do ông Phạm Thanh Nam, Chánh thanh tra sở dẫn đầu đã có buổi làm việc với ban giám đốc và tập thể giáo viên. Sau khi lắng nghe các bên tường trình sự việc, đoàn sẽ tổng hợp dữ liệu làm cơ sở ban hành các quyết định điều chuyển và xử phạt.

Tuy nhiên sau khi xảy ra vụ việc, điều khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi là vì sao giám đốc một trung tâm giáo dục thường xuyên sau khi bị đình chỉ công tác vì có quyết định kỷ luật lại tiếp tục được phân bổ làm quản lý một trung tâm giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, dù đòi hỏi chuyên môn của hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

Giải thích thêm về điều này, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc trung tâm cho biết, bản thân ông khi vừa nhận nhiệm sở cũng bị ghét vì bị cho là “kẻ ngoại đạo”. Xuất thân là một giáo viên dạy Văn, từng có 22 năm kinh nghiệm quản lý ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, khi được thuyên chuyển công tác về Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, ông cũng bị nhiều lời bàn ra tán vào vì không có chuyên môn dạy trẻ hòa nhập.

Tuy nhiên sau hơn hai năm nỗ lực, ông đã dần dần được tập thể thừa nhận. Trở lại trường hợp của bà Tâm - Phó giám đốc, mặc dù cũng xuất thân là giáo viên dạy Văn, từng có mấy năm công tác trong lĩnh vực mầm non giáo dục trẻ từ 0-6 tuổi nhưng ngay khi về nhận nhiệm sở, bà đã bị cả tập thể quay lưng.

Vừa bị đánh giá là yếu chuyên môn, chưa có bất kỳ bằng cấp nào về lĩnh vực giảng dạy trẻ khuyết tật, vừa có nhiều vết nhơ trong quá khứ về đạo đức, tác phong người lãnh đạo khiến cấp dưới không phục cũng là điều dễ hiểu. Trong đó, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh.

THU TÂM - TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục