Đến hẹn lại lên, mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lại xôn xao biết bao câu chuyện, người thì mong mỏi đợi chờ, kẻ lại ngậm ngùi tiếc nuối, thậm chí thở dài cay đắng. Bộ VH-TT-DL vừa công bố danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đã vượt qua Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để lấy ý kiến nhân dân những ngày qua.
Trong số 77 ứng viên được xét tặng danh hiệu NSND lần này, kết quả thật bất ngờ khi không có tên các NSƯT: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu. Lý do được đưa ra là, các nghệ sĩ không đạt 90% số phiếu bình chọn của hội đồng chuyên ngành. Không đạt tỷ lệ 90% số phiếu, có thể 3 nghệ sĩ trên chưa có đủ số huy chương, lại càng không đủ “hai giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT” như quy định tại khoản 4, điều 8, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Trên thực tế, tiêu chuẩn này có thể dễ dàng cho sân khấu khu vực phía Bắc nhưng luôn bị “vướng” với khu vực sân khấu phía Nam - vốn phần nhiều hoạt động theo phương thức xã hội hóa - thường ít có kinh phí tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn. Với sân khấu cải lương còn khó hơn nữa, bởi các vai chính chủ yếu tập trung và nhường lại cho các nghệ sĩ trẻ, cơ hội giành huy chương vàng càng khó với những nghệ sĩ đã là bậc lão làng, tên tuổi gạo cội. Rõ ràng, sự tận hiến của nghệ sĩ đã không được nhìn nhận, đánh giá đúng mức. Vậy đâu là sự công bằng cho những cống hiến không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ? Đâu là niềm vinh dự cho những danh hiệu mà hồn vía của nó lại không thuộc về nhân dân?
Hơn một thế kỷ hình thành cho đến nay, âm nhạc tài tử cải lương đã trải qua bao thăng trầm, người nghệ sĩ cải lương, hơn ai hết luôn đồng hành cùng lịch sử, cùng dân tộc, luôn sẻ chia với biết bao thân phận con người. Cho đến nay, khi nhắc đến nhân vật Võ Minh Luân trong vở diễn kinh điển Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang, hầu như người ta chỉ nhắc đến NSƯT Minh Vương mà chưa có ai thay thế. Không chỉ trong nước, hẳn chúng ta còn nhớ, chuyến lưu diễn của Đời cô Lựu ở Mỹ lần đầu tiên, cả khán phòng đã đứng dậy đồng loạt vỗ tay rất lâu, các nghệ sĩ ôm chầm lấy nhau, nước mắt chan hòa vì hạnh phúc. Chỉ riêng với vai Võ Minh Luân đã chứng tỏ tài năng ca diễn bậc thầy của ông. Với NSƯT Minh Vương, kỷ niệm cuộc đời còn là một thời biểu diễn nơi mặt trận 479 - nơi sống chết chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Sàn diễn luôn có những cái hố đào sẵn, để khi có tiếng nổ là nhảy ngay xuống trú ẩn; ngưng tiếng súng, anh em nghệ sĩ lại leo lên mặt đất tiếp tục ca hát, phục vụ chiến sĩ.
Đại úy Huy Bình trong Tìm lại cuộc đời của NSƯT Thanh Tuấn là vai diễn để đời mà nhiều nghệ sĩ luôn mơ ước. Khi ông vô vọng cổ hay xuống hò, người ta cảm giác ông đang dạo chơi trên vùng trời âm nhạc, làn hơi khỏe, độ luyến láy của ông hầu như không ai bì được. Nhắc đến NSƯT Giang Châu, không ai có thể quên hình ảnh của Trần Hùng trong Tìm lại cuộc đời, Chơn trong Tiếng hò sông Hậu, đặc biệt là cái duyên hài vừa độc vừa lạ của Trùm sò trong Ngao sò ốc hến - từ một tên riêng của nhân vật sau này đã trở thành một danh từ chung. Làn hơi thiên phú, cách luyến láy độc nhất vô nhị của ông rất hiếm người có được. Nhiều người trong giới cho rằng, sau mấy mươi năm, mãi đến nay chưa có ai có thể đảm nhận được vai Trùm sò xuất sắc và ấn tượng như Giang Châu!
Nếu không là tài năng, nếu không là nghiệp dĩ, nếu cải lương không phải là máu thịt của họ, thì họ đã không làm nên được những điều đó. Nếu không tận hiến, không là kiếp tằm nhả tơ thì liệu khán giả có còn nhớ đến người nghệ sĩ? Vậy, đánh giá về họ thế nào cho xứng đáng?
Bộ môn nghệ thuật cải lương Nam bộ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được thế giới, được UNESCO vinh danh. Dẫu sân khấu có nhiều khó khăn, nhưng vị trí của cải lương và nghệ sĩ cải lương chưa bao giờ mất đi trong lòng công chúng. Những thế hệ vàng son, những nghệ sĩ đã làm rạng danh nghệ thuật cải lương một thời, nay người còn kẻ mất. Các NSƯT: Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu - những người mà tên tuổi của họ đã đi vào lòng biết bao thế hệ người mộ điệu - nay đã ở tuổi trên dưới 70, đã có ngót nghét nửa thế kỷ gắn bó máu thịt cùng sân khấu cải lương.
Sắp tới đây, năm 2019 là dịp kỷ niệm 100 năm hình thành bài Dạ cổ hoài lang - tiền thân của bài vọng cổ, của sân khấu cải lương ngày nay. Chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động chào mừng sự kiện mang tính dấu ấn này. Duy chỉ có chút ngậm ngùi, tiếc nuối khi một nền nghệ thuật đặc trưng như cuộc sống, như hơi thở của đất và người Nam bộ, đã làm say mê cả dân tộc hơn một thế kỷ lại chưa được trân trọng.
Tỷ lệ 90% hay 10% có thể nào cân đo được tài năng, có đong đếm được bao nỗi đắng cay, những tận tụy đánh đổi với niềm đam mê mà họ gắn bó hơn nửa thế kỷ? Với nghệ sĩ đích thực, có hay không danh hiệu, họ vẫn sẽ tiếp tục hát bằng tất cả niềm đam mê, sáng tạo và sức lực khi mà họ còn có thể. Có hay không danh hiệu, cuộc đời họ, vai diễn của họ, giọng ca của họ cũng đã và sẽ thuộc về công chúng. Bởi chính công chúng mới là những người trao tặng, vinh danh nghệ sĩ công minh nhất.