Nơi “đất lành chim đậu”. Bài 1: Điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản

Với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Nơi “đất lành chim đậu”. Bài 1: Điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản

Với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.

        Người Việt Nam... “hảo cảm”

Những ngày cuối năm 2013, dù bận trăm công ngàn việc nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp để trao đổi về tình hình đầu tư vào Việt Nam, ông Jinjiro Kimura, Tổng Giám đốc Công ty Unika Việt Nam đặt tại KCX Tân Thuận, TPHCM vui vẻ nhận lời. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc, ông Jinjiro Kimura chia sẻ: Trong 18 năm hoạt động đầu tư tại Việt Nam, có một điều để lại trong ông là người Việt Nam rất có cảm tình với sản phẩm của Nhật Bản làm ra và chính từ sự tin tưởng nên người Việt Nam sống rất “hảo cảm” với người Nhật Bản. Không những vậy, sống và làm việc ở Việt Nam, người Nhật Bản cảm thấy rất an toàn. Ngoài ra, đối với Việt Nam khi cam kết cái gì với người Nhật Bản đều thực hiện đúng và làm tốt. Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng về văn hóa, cũng như suy nghĩ hành động trong công việc. Mặt khác, đội ngũ lao động Việt Nam rất tốt với người Nhật Bản, giá nhân công rẻ, điều kiện đầu tư tốt.

“Qua thời gian công tác ở Việt Nam, có một điều tôi nhận thấy rằng, trong 100 người Nhật Bản khi qua làm ăn ở Việt Nam thì có tới 95 người thích Việt Nam, số còn lại chỉ do chưa có hết thông tin. Điều này cho thấy Việt Nam là mảnh “đất lành” cho “chim đậu”. Tôi luôn coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Nếu cho tôi chọn lựa lại đất nước, địa bàn đầu tư kinh doanh thì tôi chỉ nói rằng: đó là TPHCM, là Việt Nam!” - ông Jinjiro Kimura bộc bạch.

Sản xuất tại Công ty Unika Việt Nam trong KCX Tân Thuận, TPHCM.

Sản xuất tại Công ty Unika Việt Nam trong KCX Tân Thuận, TPHCM.

Còn ông Obayashi Isao, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM, cho rằng, ngoài các yếu tố như chi phí nhân công rẻ, lực lượng lao động trẻ dồi dào và ưu tú, thị trường trong nước hấp dẫn, thì mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng là một lý do mà các nhà đầu tư Nhật Bản thường nhắc đến. “Các nhà đầu tư Nhật Bản khi đầu tư sang Việt Nam không chỉ vì lợi nhuận mà còn quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực… nói riêng và sự phát triển của Việt Nam nói chung. Tôi nghĩ rằng, chính những điều này đã tạo ra sự tín nhiệm cao đối với Nhật Bản” - ông Obayashi Isao chia sẻ.

        Việt Nam - sự lựa chọn còn lại

Theo ông Obayashi Isao, hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang chú ý đến châu Á, đặc biệt là khu vực ASEAN khi đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Việt Nam được rất nhiều doanh nghiệp chú ý. Ngoài việc các công ty sản xuất lớn lựa chọn “làm cơ sở sản xuất” thì trong xu thế đồng yên tăng giá cộng với sự thu hẹp của thị trường trong nước của Nhật Bản, nổi bật lên hiện nay là sự đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Việt Nam. Ngoài ra, đón đầu sự gia tăng thu nhập của người dân trong sự phát triển của kinh tế, sự đầu tư vào các ngành dịch vụ, bán lẻ cũng rất nổi bật.

“Dân số Việt Nam tháng 11-2013 đã đạt hơn 90 triệu dân và được dự đoán sẽ vượt qua dân số Nhật Bản vào năm 2040. Với độ tuổi trung bình 27, dân số Việt Nam là dân số trẻ, dựa vào những lợi thế của Việt Nam như thị trường hấp dẫn, nguồn lực lao động dồi dào với chi phí nhân công tương đối rẻ thì tôi nghĩ rằng sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục” - ông Obayashi Isao nhận định.

Trong khi đó, Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM cho biết, Việt Nam được gọi là “lựa chọn còn lại sau khi loại bỏ các lựa chọn khác”. Bởi lẽ, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, cơ sở hạ tầng được cải thiện nên là nước dễ đầu tư, dễ tận dụng chi phí thấp. Ngoài ra, khi các khu công nghiệp có giá trị gia tăng được hoàn thiện hơn và nguồn nhân lực ưu tú, dồi dào nên có sức hút áp đảo so với các nước là đối thủ cạnh tranh khác.

Tính đến cuối năm 2013, số lượng hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng là khoảng 1.200 công ty. Việt Nam đứng thứ hai về số lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASEAN sau Thái Lan.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục