Việc lũ lớn tại miền Trung - Tây Nguyên gây thiệt hại về nhân mạng lên đến hơn 30 người, chưa kể số người mất tích đã như giọt nước tràn ly khi đề cập đến vai trò của thủy điện trong việc xả nước. Đã từng rất nhiều lần, các địa phương, chuyên gia, người dân nhắc đến tác động của việc xả lũ như là nguyên nhân gây thêm tình trạng ngập lụt cho vùng hạ du. Và, thực tế diễn biến lũ tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... cho thấy, những quan ngại về việc thủy điện góp phần gây nên lũ lớn không phải không có lý. Nhất là những thông tin được phản ánh từ phát biểu của người dân vùng lũ tại miền Trung đều cho rằng, việc các thủy điện đồng loạt xả lũ với lượng lớn khiến người dân không kịp trở tay.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, nguyên tắc thiết kế công trình và vận hành các hồ chứa phải đảm bảo: mực nước trước lũ của hồ chứa không được vượt quá mực nước trước lũ quy định (đối với các hồ chứa có nhiệm vụ chống lũ) hoặc mực nước dâng bình thường (đối với các hồ chứa còn lại)… Với nguyên tắc này, ngoài các hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ thường xuyên, các hồ chứa khác có dung tích lớn và điều tiết xả lũ bằng cửa van cũng sẽ góp phần cắt giảm lưu lượng đỉnh lũ, làm chậm tốc độ dâng nước lũ cho hạ du.
Có thể các hồ không hoàn toàn cắt được lũ nhưng nếu tận dụng triệt để khả năng của các hồ, quy trình vận hành liên hồ khoa học và thực hiện nghiêm thì việc hỗ trợ giảm lũ sẽ hiệu quả. Bởi nếu mưa lũ, nhiều thủy điện cùng xả nước sẽ khiến tăng lũ cho hạ du, người dân khó có thể ứng phó kịp. Thời gian qua, dường như việc điều tiết nước, vận hành hồ chứa của một số công trình thủy điện đang có vấn đề khiến lượng nước đổ về hạ lưu tăng, làm cho mức độ ngập lụt càng thêm nghiêm trọng.
Trên thực tế, nguyên nhân từ lũ lớn do thủy điện đã từng nhắc đến nhiều lần và đang “hiện thực hóa” một bức tranh về sự tùy tiện, dễ dãi trong quy hoạch, xây dựng nhà máy thủy điện mà báo cáo của Chính phủ lẫn giám sát từ Quốc hội đã nêu. Tại báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án, vận hành khai thác các công trình thủy điện đã đưa ra những hạn chế lớn. Trong đó, các công trình thủy điện nhỏ có đến gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Ngoài các hồ chứa thủy điện lớn, đa mục tiêu đã thực hiện đúng quy trình vận hành, góp phần quan trọng trong việc chống hạn và cắt giảm lũ cho hạ du. Có không ít công trình thủy điện khác trong quá trình vận hành, chủ đầu tư thường quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, chưa thật sự chú trọng đúng mức đến điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, nhất là trong mùa cạn kiệt. Một thực trạng đáng lưu ý là kết quả giám sát cho thấy, nhiều địa phương khi cấp phép các dự án thủy điện đã không đánh giá kỹ tác động môi trường, không trồng được rừng thay thế, không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng. Trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án thủy điện trong việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư… chưa xác định rõ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định khi họp với các ngành cũng bức xúc khi đề cập đến chuyện lũ lớn nhưng không xác định được nguyên nhân (từ thủy điện, mưa to, phá rừng…) đã phải cho rằng cần sớm có một đánh giá khoa học về thực trạng lũ lụt ở miền Trung. Việc một lãnh đạo của một tỉnh còn không biết nguyên nhân chính xác của lũ lớn có phải do xả nước hồ thủy điện gây ra hay đã một lần nữa đòi hỏi phải có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ các công trình thủy điện như: kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quy hoạch, xây dựng hồ chứa, quy trình vận hành các hồ chứa ở khu vực miền Trung, các hồ chứa nước thủy điện phải bảo đảm tham gia cắt lũ, hạn chế việc tàn phá rừng, nhất là diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn… từ đó, phát huy vai trò điều tiết nước và khả năng phát điện. Ngoài ra, một biện pháp quan trọng, cấp bách hiện nay là xác định đúng vai trò, trách nhiệm của việc xả nước tại các hồ thủy điện vừa qua nhằm xử lý nghiêm nếu vận hành sai quy trình, cũng như tìm cách bịt những lỗ hổng trong việc phối hợp giữa các nhà máy thủy điện với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống lũ.
HÀ MY