Nỗi đau từ thủy điện

Sau gần 1 tuần bị cơn lũ dữ cuốn trôi, thi thể cô giáo Nguyễn Thị Yến, giáo viên Trường THCS thị trấn KBang, huyện KBang (tỉnh Gia Lai) mới được tìm thấy trong ngổn ngang đất đá dưới lòng suối KBang. Cùng bị nhấn chìm trong cơn lũ còn có đồng nghiệp Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên mới ra trường đứng trên bục giảng vừa tròn 2 tháng. Hai cô giáo trẻ trên vùng núi KBang đáng lẽ ra không bị chết thảm trong dòng nước xiết, nếu như Nhà máy thủy điện An Khê - Knak không xả lũ trong cơn áp thấp nhiệt đới vừa qua…

Chứng kiến 2 cháu nhỏ con cô giáo Yến (đứa lên 7, đứa lên 5) gào khóc tìm mẹ bên dòng suối KBang, không ai cầm được nước mắt. Cháu lớn Phạm Nguyễn Yến Nhi cứ nắm lấy vạt áo cô giáo đồng nghiệp của mẹ, nài nỉ: “Cô ơi, ráng tìm mẹ về cho cháu với…”. Một cán bộ thị trấn KBang nói: “Dòng suối KBang này có bao giờ lên quá 1m đâu. Hôm đó nước lên tận ngọn cây, phải hơn 3m. Chiều đó nghe tin báo nhà máy sẽ xả lũ, nhưng chỉ 10 phút sau là lũ đã ầm ầm đổ về, không ai kịp trở tay…”.

Theo thống kê của UBND thị trấn KBang, cơn lũ tràn về giữa tháng 11 gây thiệt hại cho gần 300 nóc nhà. Nhiều hoa màu, lương thực, vật nuôi, phân bón, tài sản… của người dân bỗng chốc trôi sạch theo dòng lũ dữ. Đau lòng nhất là hai cô giáo trên đường từ trường về cách nhà chỉ còn vài chục mét đã bị dòng lũ nhấn chìm. Trước đó, trong cơn bão số 11, thủy điện An Khê - Knak cũng xả lũ không thông báo trước khiến một học sinh lớp 6 bị cuốn trôi. Chưa kể, những thiệt hại về ruộng vườn, đất đai trồng trọt của người dân do dòng lũ xả ra từ Nhà máy thủy điện An Khê - Knak làm đất đá lấp lên thì không thể tính hết được. Nỗi đau từ thủy điện - nhân tai gây ra cho người dân vùng núi KBang là quá lớn và không ai bảo đảm nỗi đau ấy không lặp lại lần nữa khi dòng lũ dữ cứ chực chờ đổ ập xuống đầu họ bất cứ lúc nào…

Điều bức xúc của người dân huyện KBang lúc này là sự vô cảm, vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm tại Nhà máy thủy điện An Khê - Knak. Những ngày qua, tuy tận mắt chứng kiến những mất mát về tài sản và tính mạng của người dân, nhưng chưa một lần đại diện nhà máy đi thăm hỏi, có biện pháp khắc phục thiệt hại. Thủy điện phải có trách nhiệm với dân, phải bồi thường những thiệt hại do họ gây ra. Đó là tiếng nói của người dân khẩn thiết gửi đến các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ hành vi vô trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị đã gây ra thiệt hại về nhiều mặt cho người dân và buộc họ phải bồi thường thỏa đáng.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục