Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về trật tự và an toàn giao thông tại TPHCM

Năm 2012 được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn là năm An toàn giao thông, với mục tiêu giảm tai nạn giao thông xuống 5%-10% so với năm 2011 trên địa bàn cả nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các ngành và địa phương đã huy động mọi lực lượng, phương tiện có thể, quyết liệt tham gia đảm bảo an toàn giao thông, chấn chỉnh trật tự giao thông trên địa bàn.
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về trật tự và an toàn giao thông tại TPHCM

Năm 2012 được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn là năm An toàn giao thông, với mục tiêu giảm tai nạn giao thông xuống 5%-10% so với năm 2011 trên địa bàn cả nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các ngành và địa phương đã huy động mọi lực lượng, phương tiện có thể, quyết liệt tham gia đảm bảo an toàn giao thông, chấn chỉnh trật tự giao thông trên địa bàn.

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến có các ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM; Đậu An Phúc - Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ và Đại úy Chu Thị Thu Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS CA TPHCM. Sau đây là nội dung buổi giao lưu:

Ngọc Lan - Nữ - ngoclannguyenthi@gmail.com -
- Cách đây vài năm, Ban An toàn Giao thông TPHCM và Bộ Tư lệnh TPHCM đã đưa dân quân tự vệ ra các giao lộ để hỗ trợ CSGT điều tiết giao thông. Nhưng gần đây không còn thấy hình ảnh các anh dân quân đứng ở các giao lộ nữa. Xin hỏi Ban An toàn Giao thông TPHCM việc này có còn không hay đã dẹp?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM: Hiện nay, lực lượng phối hợp chính để hướng dẫn và điều tiết giao thông tại các giao lộ trên địa bàn thành phố do hai lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố và lực lượng Thanh niên xung phong đảm nhiệm.

Riêng lực lượng dân quân của các quận, huyện chủ yếu do các quận, huyện chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan để điều tiết giao thông trên địa bàn của quận, huyện mình. Vì vậy mà thời gian qua công tác phối hợp giữa Công an Thành phố và Bộ tư lệnh Thành phố chủ yếu tập trung vào công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội, phòng chống đua xe trái phép và tụ tập thành từng đoàn gây rối trật tự công cộng.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM

Lê Hoài Anh - Nam - Khu phố 3, P.12, Bình Thạnh
- Lâu nay ai cũng biết có một bộ phận không nhỏ CSGT tiêu cực. Khi tham gia giao thông nếu vi phạm chỉ cần đưa tiền cho CSGT là có thể được đi, đôi bên cùng có "lợi". Lỗi lẽ ra bị lập bản phạt 2 triệu đồng, nhưng chỉ cần đưa 1 triệu đồng là đuợc tha ngon lành. Đây cũng là một tệ nạn nhức nhối, làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp. Vậy xin hỏi vị đại diện ngành CA chúng ta có giải pháp gì để dẹp bỏ hẳn tệ nạn này? Lộ trình cụ thể ra sao?
- Đại úy Chu Thị Thu Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS CA TPHCM:
- Để hạn chế và ngăn chặn tiêu cực đối với lực lượng CSGT thì Phòng CSGT Đường bộ -Đường sắt đã triển khai nhiều biện pháp. Cụ thể:
- Thành lập tổ điều lệnh kiểm tra về tư thế, tác phong, quy trình công tác... Đồng thời CBCS làm công tác tuần tra kiểm soát phải ghi lại các nội dung đã thực hiện của ngày công tác hôm đó vào sổ nhật ký tuần tra để chỉ huy đơn vị quản lý. Kiên quyết điều chuyển ra khỏi lực lượng CSGT những trường hợp nhiều lần vi phạm quy trình công tác, có dấu hiệu tiêu cực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
- Tại trụ sở tiếp dân đều niêm yết công khai các quy định, văn bản liên quan đến lĩnh vực giao thông, công bố số điện thoại đường dây nóng, hòm thư phản ánh góp ý để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát và phản ánh trực tiếp, kịp thời đến chỉ huy các đơn vị.
- Bên cạnh đó, Phòng còn phát động thi đua nêu cao ý thức tự tu dưỡng rèn luyện bản thân của CBCS như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa hết lòng vì nhân dân phục vụ”... và mỗi CBCS phải xây dựng chương trình hành động xác định mục tiêu phấn đấu cho bản thân.
 

Lê Trung Dũng - Nam - Khu phố 3, P.12, Bình Thạnh
- Xin đại diện Sở Văn Hoá-Thể thao-Du lịch TPHCM cho biết, tôi thường nghe, khi tham gia giao thông thì phải có văn hoá giao thông. Văn hóa giao thông là gì, cách ứng xử ra sao để thể hiện mình là nguời có văn hoá trong khi tham gia giao thông?
- Ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Người tham gia giao thông có văn hóa giao thông là người hiểu và nắm được các quy định của pháp luật về giao thông, tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông, biết nhường nhịn nhau, đồng thời biết giúp đỡ những người khác khi giao thông trên đường. Đặc biệt là khi có sự cố như ùn tắc hay tai nạn giao thông xảy ra thì phải có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các sự cố... tạo thành một thói quen về chấp hành pháp luật và trật tự an toàn giao thông

- Tuân thủ pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ: đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ về tốc độ; dừng và đỗ xe đúng quy định; đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy; không vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; không phóng nhanh vượt ẩu; nói chuyện điện thoại; vượt đèn đỏ; lưu hành phương tiện khi không có đủ giấy tờ theo quy định.

- Tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẩn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

- Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kể cả khi vắng bóng lực lượng kiểm soát trên đường.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

phamthingoc1972@yahoo.com - Nữ - -
- Thanh niên xung phong là lực lượng góp nhiều công sức để điều tiết giao thông, nhưng từ khi có bóng dáng “áo xanh”, thì “áo vàng” lại “lui về phía sau” làm một bộ phận người lưu thông không ngại vi phạm (vì thanh niên xung phong không có quyền phạt). Điều này Ban An toàn Giao thông TPHCM có cần đề xuất UBND TPHCM giao các ngành liên quan chấn chỉnh?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM: Thật sự, ý thức của người tham gia giao thông trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, trên 80% tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông như, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường ngược chiều...

Nhiều trường hợp khi đến các giao lộ, nếu không thấy bóng dáng Cảnh sát giao thông thì chạy lấn làn, dừng không đúng vạch, thậm chí vượt đèn đỏ, mà lực lượng thanh niên xung phong không có thẩm quyền xử phạt, chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn và điều tiết giao thông, mặt khác, do lực lượng Cảnh sát giao thông quá mỏng, không đủ lực lượng để bố trí đủ ở các chốt giao thông trọng điểm, điều này cũng làm cho nhiều người tham gia giao thông cố tình vi phạm.

Ban An toàn Giao thông Thành phố cũng đã đề nghị Công an Thành phố tăng cường, bố trí lực lượng ở các giao lộ trọng điểm để xử lý các tình trạng vi phạm nêu trên.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về trật tự và an toàn giao thông tại TPHCM ảnh 3

Em Nguyễn Thị Tâm - Nữ - đường Võ Văn Tần, phuờng 5, quận 3
- Thành phố mình đã nhiều lần đề ra những giải pháp chống ùn tắc giao thông, tốn khá nhiều tiền. Còn nhớ có lần phân luồng tại Ngã sáu Phù Đổng, Quận 1, tình hình giao thông đã không thông thoáng lại càng làm tắc đường thêm, sau đó phải dẹp. Vậy xin hỏi bây giờ có gjải pháp nào căn cơ hơn không vì dịp Tết, khu vực trên rất hay kẹt xe?
- Ông Đậu An Phúc - Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ: Sở Giao thông Vận tải luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân thành phố, của nguời tham gia giao thông về các giải pháp tổ chức giao thông, các biện pháp kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.  

Trong những năm qua, thông qua ý kiến đóng góp của nhân dân, Sở GTVT đã tiếp thu và điều chỉnh giao thông trên nhiều tuyến đường, đoạn đường. Đối với khu vực ngã 6 Phù Đổng trong thời gian qua, sau khi điều chỉnh giao thông bằng tín hiệu đèn giao thông, tình hình giao thông tại khu vực này đã đi vào ổn định.

Tuy nhiên, do mật độ phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng tăng nên tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 vào các giờ cao điểm chiều tốc độ lưu thông của các phương tiện chậm. Ngoài ra, vừa qua Sở GTVT đã phối hợp với Công an thành phố, lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức điều chỉnh lại giao thông tại giao lộ Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai.

Cụ thể: cấm các loại ô tô lưu thông rẽ trái từ đường Nguyễn Thị Minh Khai vào đường Cách Mạng Tháng 8 trong giờ cao điểm. Qua theo dõi giao thông trong thời gian qua đã khả quan hơn. Theo tôi được biết, Công an thành phố cũng đã có kế hoạch bảo vệ trật tự an toàn giao thông tại khu vực này vào các ngày Tết, như vậy giao thông tại khu vực này sẽ đảm bảo trật tự an toàn.

Ông Đậu An Phúc - Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ

Ông Đậu An Phúc - Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ

Trần Thị Tú Trang - Nữ - Gò Vấp, TPHCM
- Ngoài cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, TPHCM còn có Lực lượng trật tự đô thị của các phường. Xin hỏi Ban An toàn Giao thông TPHCM (với chức năng tham mưu cho UBND TPHCM và điều tiết hoạt động các sở ngành liên quan lĩnh vực giao thông) rằng lực lượng này có quyền phạt xe máy, ô tô dừng đỗ không?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM: Việc xử phạt chính xe máy, ô tô dừng đỗ không đúng quy định là trách nhiệm của Cảnh sát Giao thông và thanh tra Sở Giao thông Vận tải; không phải trách nhiệm của lực lượng trật tự đô thị.

Ngọc Hân – Ngọc Hà - Nữ - Quận 1, TPHCM
- Gần Tết là có chuyện đào, cày xới vỉa hè, dán gạch các bồn hoa… điều này khá lãng phí. Xin hỏi Tết này có cần lặp lại chuyện này không?
- Ông Đậu An Phúc - Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ: Việc đào đường để thi công các công trình vào các ngày lễ lớn, đặc biệt là ngày Tết cổ truyền của thành phố là hết sức hạn chế. Tuy nhiên, có thể tại một số vị trí tuyến đường vẫn có thể xuất hiện tình trạng đào đường để giải quyết sự cố, hoặc một số vỉa hè được UBND các quận huyện cải tạo truớc Tết để đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho khách bộ hành, việc này cũng hết sức hạn chế tại các địa phuơng.

Nguyễn Tấn Long - Nam - tanlong@yahoo.com - quận 3
- Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn chưa có biện pháp xử lý quyết liệt hơn nhằm chấn chỉnh tình trạng này? Nhất là tại các BV Chợ Rẫy, ĐHYD, Chấn thương chỉnh hình. Đây là trách nhiệm của địa phương hay của Ban An toàn Giao thông TPHCM
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM: Năm 2012 là Năm an toàn giao thông, vì vậy, việc lập lại trật tự lòng lề đường là một trong những nhiệm vụ mà thành phố ta phải quyết liệt thực hiện.

Ngay từ đầu năm, thành phố đã đăng ký 159 tuyến đường điểm của 24 quận huyện. Việc lập lại trật tự tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Đại Học Y Dược, Chấn thương chỉnh hình... đây là trách nhiệm của các địa phương.

Triệu Quang Hùng - Nam - Quận 11, TPHCM
- Trước đây, thành phố có vận động cán bộ công nhân viên đi xe buýt, mở màn bằng hình ảnh Giám đốc Sở Giao thông Vận Tải trước đây - Trần Quang Phượng ngồi trên xe buýt chụp ảnh, đăng báo, chúng tôi mong rằng các ông lãnh đạo thành phố hãy bỏ ra thời gian nhìn thật kỹ những chiếc xe buýt lưu thông trên đường như những con bò điên. Cần phải chấn chỉnh ngay, đưa vào lề lối hoạt động của xe buýt và cả tài xế xe buýt. Ý kiến ông như thế nào?.
- Ông Đậu An Phúc - Truởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đuờng bộ: Trước hết xin cảm ơn ông Triệu Quang Hùng đã quan tâm và theo dõi những chuyển động của ngành giao thông trong những nỗ lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Ý thức và đạo đức của đội ngũ lái xe buýt luôn là những quan tâm hàng đầu của ngành giao thông, Chúng tôi thường xuyên mở các lớp đào tạo và giáo dục nhân viên lái xe, tiếp viên phục vụ trên xe các chuẩn mực về chuyên ngành, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nguời dân thành phố.

Kiên quyết xử lý đối với những hành vi tiêu cực, thói quen xấu khi điều khiển phương tiện là xe buýt gây bức xúc trong nhân dân, hành khách đi xe buýt. Rất mong nhận đuợc nhiều ý kiến đóng góp của ông để chúng tôi ngày càng hoàn thiện hơn.

Cần xây dựng hình ảnh tài xế xe buýt thân thiện với người dân hơn.
Cần xây dựng hình ảnh tài xế xe buýt thân thiện với người dân hơn.

Nguyễn Thị Thanh Hằng - Nữ - Bình Tân - TPHCM
- Mấy năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ tạo nét văn hóa rất ấn tượng trong mắt người dân và du khách. Xin hỏi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM rằng năm nay có tổ chức đường hoa không? Và dự kiến sẽ làm trên bao nhiêu tuyến đường trung tâm TPHCM?
- Ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Tết Quý Tỵ năm nay, thành phố vẫn tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ do Tổng Công ty du lịch Sài Gòn thực hiện và phục vụ từ 7/2/2013 ( 27 tháng chạp) đến ngày 13/2/2013 ( mùng 4 tết). Ngoài ra, thành phố sẽ thực hiện trang trí ánh sáng đèn trên các tuyến đường: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Hồ con Rùa; thực hiện mở đèn trang trí đợt 1: từ 19/12/ 2012 đến 6/1/2013, đợt 2: Từ 1/2/2013 đến 17/2/2013 để phục vụ nhân dân đón Tết.

Hội Hoa xuân được tổ chức tại Công viên Tao Đàn từ ngày 25 tháng chạp đến ngày mùng 7 Tết. Ngoài ra ở các quận huyện cũng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí để phục vụ nhân dân, đăc biệt là ở các huyện ngoại thành Sở VHTTDL sẽ đua các đoàn nghệ thuật đi phục vụ nhân dân ở các nơi này

Chú Tám Nghĩa - Nam - Phường Tân Tạo A, Bình Tân, TPHCM
- Nghị định 71 yêu cầu phạt “xe không chính chủ”. Nhưng xe tôi mua 3 triệu đồng, giờ sang tên 1 triệu đồng theo đề nghị mới của TPHCM, vậy chẳng khác nào ép tôi bỏ xe. Sao không tạo điều kiện sang tên đổi chủ miễn thuế, hoặc người dân chỉ cần làm cam kết là đủ, khỏi phải chạy đôn đáo đi tìm chủ cũ. Như vậy người dân chấp hành NĐ71 mới tâm phục khẩu phục. TPHCM có “kế hoạch” gì riêng vừa phù hợp tình hình lại đúng luật?
- Đại úy Chu Thị Thu Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS CA TPHCM: Quy định xử phạt xe không chuyển quyền sang tên sở hữu theo quy định đã được thực hiện từ các Nghị định xử phạt trước, nay Nghị định 71/2012/NĐ-CP điều chỉnh tăng nặng hành vi này, cụ thể mức phạt trung bình đối với ôtô tăng từ 1.500.000đ lên 8.000.000đ, đối với môtô tăng từ 150.000đ lên 1.000.000đ.

Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện cần có đủ các loại giấy tờ sau: CMND, Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe (phù hợp với loại xe) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có) và Bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực.

Đối với kinh doanh vận tải hoặc hành khách thì thêm các giấy tờ có liên quan; Luật không quy định người tham gia giao thông phải điều khiển phương tiện do mình đứng tên, vì vậy người dân có thể an tâm đối với vấn đề này. Tuy nhiên cũng cần nói rõ khi thực hiện việc mua bán, sang tên, người dân phải tiến hành làm thủ tục sang tên theo quy định, quá thời hạn 30 ngày nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Phòng trong quá trình kiểm tra giấy tờ mà phát hiện người đứng tên trong giấy đăng ký xe không trùng với tên của người lái xe mà nếu người lái xe trình bày là xe mượn thì không được xử lý lỗi này.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về trật tự và an toàn giao thông tại TPHCM ảnh 6
Đại úy Chu Thị Thu Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS CA TPHCM

Hùng - Nam - Bình Thạnh
- Với điều kiện hạ tầng giao thông của TP hiện nay, TP có lo ngại về việc xe buýt không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại khi tiến hành hạn chế xe cá nhân? Quy hoạch giao thông như thế nào để giảm được ùn tắc giao thông mà không ảnh hưởng nhiều đến đồi sống của người dân?
- Ông Đậu An Phúc - Truởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ: Về nguyên tắc khi tiến hành hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sẽ phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện nay, thành phố cũng đang có các chính sách để phát triển vận tải hành khách công cộng thông qua các đề án như trợ giá xe buýt, đầu tư cải tạo hệ thống  xe buýt, đầu tư phát triển hệ thống metro, phát triển bến bãi vận tải…trên cơ sở đó sẽ đưa ra lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (xin nhắc là hiện nay Chính phủ vẫn chưa triển khai thực hiện việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đây cũng chỉ là đề án đang được Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu, việc thực hiện cũng phải có lộ trình cụ thể).

Về quy hoạch giao thông vận tải của thành phố Hồ Chí Minh đã được phê duyệt năm 2007, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa thực hiện xong, điều này đã ảnh hưởng đến tình hình giao thông và đến đời sống của người dân. Các cơ quan ban ngành của thành phố cũng đang tích cực để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông qua việc ban hành các chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trần Đông - Nam - Hai Bà Trưng, Quận 1 – TPHCM
- Gần kết thúc một năm phát động “Năm an toàn giao thông 2012”, xin cho biết việc kéo giảm tai nạn giao thông và những công trình mà ban ngành thành phố đã làm phục vụ cho chương trình này. Phương án của những tháng cuối năm như thế nào, thưa các ông?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM: Sau 10 tháng ra quân thực hiện Năm an toàn giao thông, nhìn chung, các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, thành phố chúng ta đều cố gắng đạt được. Cụ thể, đã kéo giảm tai nạn giao thông ở cả ba mặt số vụ (xảy ra 679 vụ, giảm 149 vụ, tức giảm 18%), số người chết (597 người chết, giảm 117 người, tức giảm 16,39%) và số người bị thương (262 người bị thương, giảm 129 người, tức giảm 32,99%).

Thời gian qua, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành nhiều công trình Giao thông trọng điểm, góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân được nhanh chóng, thuận lợi hơn, tổ chức Giao thông khoa học và hợp lý hơn, đồng thời bảo đảm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu và khắc phục nhiều bất cập về giao thông, xử lý nhanh các điểm đen về tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải công cộng...

Từ đây đến cuối năm, thành phố tập trung quyết liệt để hoàn thành các công trình đã đề ra từ đầu năm, trong đó, sớm hoàn thành các cầu vượt để khắc phục ùn tắc giao thông... Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung vào các hành vi thường xảy ra tai nạn giao thông, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn trật tự giao thông, nhằm góp phần nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông. Trong đó, sẽ đi sâu vào nghị định 71 của chính phủ.

Nguyễn Thị Hồng - Nữ - Quận 10, TPHCM
- Văn minh đô thị biểu hiện trực quan ở ngoài đường qua nhiều khía cạnh, góc nhìn, thế nhưng chỉ cần nhìn vào lòng lề đường ở thành phố chúng ta hiện nay là du khách nước ngoài có thể đánh giá ngay trình độ quản lý cũng như nếp sống thị dân của TP Hồ Chí Minh. Là lãnh đạo Sở VH-TT-DL, ý kiến của ông như thế nào?.
- Ông Nguyễn Văn Minh-Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Trong những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông bao gồm việc mở rộng nâng cấp và xây dựng tuyến đường... và bắt đầu tiến hành các dự án phát triển giao thông công cộng như metro, motorail...

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số và bùng nổ số lượng xe gắn máy trên địa bàn TP. Cùng với việc chiếm dụng lòng, lề đường để kinh doanh đã tạo ra nhiều trở ngại đối với nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông. Do đó, một trong những nội dung trọng tâm để chấn chỉnh trật tự ATGt trên địa bàn TP trong năm thực hiện chủ đề ATGT 2012 là chấn chỉnh việc sử dụng lòng, lề đường... TP và các quận, huyện đã chọn ra 159 tuyến đường để tập trung giải quyết tình trạng lề đường, vỉa hè bị chiếm dụng trái phép cho những mục đích kinh doanh.

Biện pháp thực hiện:

- Tuyên truyền sâu rộng tại các cộng đồng dân cư có các tuyến đường đi qua

- Tăng cường kiểm tra duy trì trật tự, giải tỏa các vấn đề phát sinh, tái chiếm dụng lòng lề đường .

- Xử lý nghiêm theo Nghị định 34 (nay được điều chỉnh bổ sung bằng Nghị định 71).

Đối với những cư dân sinh sống ven đường cần phải:

- Không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

- Không sử dụng lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ an toàn giao thông để kinh doanh, buôn bán hàng hóa.

- Có thái độ phê phán, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Không thực hiện hành vi gây cản trở giao thông hoặc tham gia các hoạt động gây rối trật tự an toàn giao thông 

Đại diện lãnh đạo báo SGGP tặng hoa các khách mời buổi giao lưu.

Đại diện lãnh đạo báo SGGP tặng hoa các khách mời buổi giao lưu.

Lê Thanh Phong - Nam - Củ Chi, TPHCM
- Việc xử phạt qua camera của CSGT lâu nay sao không thấy nhắc đến, xin hỏi chị Thủy?
- Đại úy Chu Thị Thu Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS CA TPHCM: Hiện nay công tác xử phạt qua hình ảnh vẫn là một trong những biện pháp quan trọng của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt trong công tác đảm bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Cụ thể trong 10 tháng đầu năm 2012, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã ghi hình thiết lập, trích xuất và hoàn chỉnh 17.592 phiếu báo vi phạm qua hình ảnh (bao gồm 11.416 trường hợp phạt nguội, 6.176 trường hợp phạt nóng). Số tiền xử phạt nộp về kho bạc nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Đồng thời Phòng cũng chuyển thông báo vi phạm đến địa chỉ thường trú của chủ phương tiện đối với CA phường - xã - thị trấn, từ đó chủ động đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông trong nhân dân, góp phần hạn chế vi phạm Luật giao thông.

Trương - Nam - Tân Bình
- Xin "méc" Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Trên một số tuyến đường đang cho lưu thông với tốc độ 50- 60km/h lại đột ngột gắn biển báo hạn chế tốc độ xuống 40km/h, 30km/h thì làm sao tài xế xử lý kịp, đôi khi phải thắng gấp. Tuy nhiên, CSGT lại đứng ngay biển này để xử phạt hoặc bắn tốc độ. Làm vậy tội lái xe quá.
- Ông Đậu An Phúc - Truởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đuờng bộ: Việc hạn chế tốc độ lưu thông trên đường là một trong những việc làm ngoài mong muốn của ngành giao thông.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố quá nhanh, cùng với một lượng lớn phương tiện từ các tỉnh thành khác tham gia giao thông trên địa bàn thành phố nên trong những năm qua, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố mặc dù luôn đuợc kéo giảm, nhưng vẫn còn là nỗi lo của thành phố và qua thống kê các vụ tai nạn giao thông thì nguyên nhân do phóng nhanh, vuợt ẩu luôn chiếm tỷ lệ cao. 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà tuyến đường nào chúng tôi cũng lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ, truớc khi thực hiện chúng tôi luôn phối hợp với các ngành chức năng có liên quan nghiên cúư, khảo sát để có quyết định phù hợp.

Trong trường hợp một số tuyến đường theo đánh giá của anh Nam chưa phù hợp, xin anh vui lòng cung cấp cụ thể tên đuờng, vị trí để Sở GTVT chúng tôi xin ghi nhận, đi khảo sát thực tế và sẽ phản hồi đến anh.

Chở 4 người, không đội nón bảo hiểm: Coi thường tính mạng

Chở 4 người, không đội nón bảo hiểm: Coi thường tính mạng

Lê Minh - Nam - Bình Thạnh - TPHCM
- Liệu qua năm an toàn giao thông 2012, các phong trào lắng dịu xuống và đâu lại vào đấy, giao thông vẫn cứ bát nháo? TPHCM sẽ có những chương trình nào tiếp nối nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông không?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách An toàn giao thông TPHCM: Năm 2012, chính phủ chọn là năm an toàn giao thông, đây là năm tiền đề cho những năm tiếp theo. Kết quả bước đầu đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận như: tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tiếp tục kéo giảm một cách đáng kể, trong đó tai nạn giao thông đã được kéo giảm trên cả ba mặt, ý thức của người tham gia giao thông ngày càng được nâng cao, tỉ lệ người chấp hành luật giao thông cao hơn trước đây.

Công tác kiểm tra, tuần tra, xử lý, xử phạt có nghiêm hơn, bố trí lực lượng và thời gian tương đối phù hợp. Trật tự lòng lề đường của nhiều tuyến đường đã được thông thoáng hơn, đặc biệt, là không còn tình trạng đua xe trái phép, giảm rất nhiều các vụ tụ tập thành từng đoàn, chạy xe, gây rối, lạng lách, đánh võng làm mất trật tự an toàn giao thông. Tổ chức giao thông ở nhiều khu vực được sắp xếp bố trí phù hợp hơn, các lực lượng có phối hợp đồng bộ hơn.

Để chuẩn bị kế hoạch hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013, thành phố dự kiến xây dựng chủ đề năm "Nâng cao ý thức trách nhiệm người thực thi công vụ và xây dựng văn hóa của người tham gia giao thông". Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết của năm 2013 vẫn là Năm an toàn giao thông.

Đinh Văn Đạo - Nam - Quận 8
- Các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông TP HCM đã được đưa ra từ nhiều năm và nhắc đi lại nhắc lại năm nào cũng với giải pháp đó. Vậy giải pháp nào phù hợp với hoàn cảnh giao thông hiện nay? Kẹt xe và tai nạn giao thông, TP đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng tình hình chưa được cải thiện là bao.
- Ông Đậu An Phúc - Truởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ: Việc giải quyết ùn tắc giao thông đặc biệt đối với thành phố Hồ Chí Minh hết sức khó khăn, nó đòi hỏi tổng thể của nhiều giải pháp về kỹ thuật, hành chính, tuyên tuyền, giáo dục… và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi phải kiên trì, thường xuyên, lien tục trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, các giải pháp của các năm thường giống nhau và chủ đề của mỗi năm tập trung vào một số vấn đề cụ thể.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, Đảng bộ và Chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chương trình dài hại, trung hạn và ngắn hạn để giải quyết ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (chương trình số 12 của Thành ủy, Quyết định 25 và Quyết định 187 của UBND thành phố…) và đã đạt được kết quả khích lệ thông qua các chỉ tiêu:

Qua 18 tháng thực hiện Quyết định 25:

- Về tai nạn giao thông: Tính từ tháng 6 năm 2011 đến hết tháng 10 năm 2012, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.244 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.086 người và làm 500 người bị thương. So với 18 tháng trước đó giảm 03 mặt, giảm 295 vụ tai nạn giao thông (-19,17%); giảm 206 người chết (-15,94%) và giảm 230 người bị thương do tai nạn giao thông (-31,46%).

- Về ùn tắc giao thông: Từ tháng 6 năm 2011 đến hết tháng 10 năm 2012, trên địa bàn thành phố xảy ra 12 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, đã giảm 53 vụ (-81,54%) so với 18 tháng trước đó.

Qua 11 tháng trong năm 2012 thực hiện Quyết định 187: trên địa bàn thành phố đã xảy ra 729 vụ TNGT, làm chết 645 người, bị thương 272 người. So với 11 tháng đầu năm 2011, giảm 138 vụ (-16%), giảm 101 người chết (-14 %), giảm 137 người bị thương (-33%)

Toàn cảnh buổi giao lưu

Toàn cảnh buổi giao lưu

Nguyễn Thị Hồng - Nữ 36 tuổi - be_den88@yahoo.com.vn - Lê Duẩn, Q1, TP HCM
- Hiện nay hệ thống xe buýt của thành phố nhếch nhác, xe cũ, không đồng bộ. Xin hỏi đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch rằng: Thành phố có chủ trương gì trong việc tạo lại hình ảnh các xe buýt? Tôi được biết ở các tỉnh thành, việc quảng cáo xe buýt đã tạo hình ảnh mới, đẹp, vui và tạo nguồn thu không nhỏ.
- Ông Nguyễn Văn Minh-Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Việc quản lý hệ thống xe buýt thuộc chức năng quản lý của ngành GTVT, tuy nhiên việc tạo một hình ảnh đẹp trong phục vụ xe buýt là việc cần phải làm trong thời gian tới, nhất là nâng cao tinh thần phục vụ, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt đối với khách sử dụng xe buýt.

Theo Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2013 có quy định trong điều 32 khoảng 2 như sau: Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng (lô-gô), biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định về giao thông.

sodocuaba@gmail.com - Nam -
- Cảnh sát giao thông hóa trang, mặc thường phục vào ban đêm sẽ gây hiểu nhầm cho nhân dân và tạo cơ hội tốt cho bọn cướp giật giả danh làm bậy, TPHCM có chủ trương gì về việc này?
- Đại úy Chu Thị Thu Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS CA TPHCM: Nhằm để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, theo Thông tư 27 của Bộ Công an cho phép lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.

Tuy nhiên khi triển khai thực hiện đều phải có phương án, kế hoạch được Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt và đều có xin ý kiến chỉ đạo Ban Giám đốc CATP.

Việc bố trí cán bộ, chiến sĩ hóa trang sẽ được thực hiện trong các trường hợp như khi cần bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hoặc để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

Nguyễn Thị Hồng - Nữ 36 tuổi - be_den88@yahoo.com.vn - Lê Duẩn, Q1, TP HCM
- Hiện nay ở Hà Nội đã lắp đặt các "cầu vượt tạm" để giải quyết tình trạng ngã tư, ngã năm ùn tắc. Tôi xin hỏi Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương lắp đặt hệ thống "cầu vượt tạm" này không? và sẽ triển khai ở đâu?
- Ông Đậu An Phúc - Truởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đuờng bộ: Chủ trương xây dựng các cầu vuợt tạm để giải quyết giao thông tại các khu vực giao lộ đã đuợc lãnh đạo thành phố chỉ đạo thực hiện.

Hiện nay, Sở GTVT đang triển khai cầu vượt tạm tại các vị trí vòng xoay Hàng Xanh; giao lộ Xa lộ Hà Nội - Võ Văn Ngân (Lê Văn Việt); giao lộ vòng xoay Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ là những vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông cao. Ngoài ra Sở GTVT đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất tiếp tại các giao lộ tương tự.

Mai Thị Hằng Thu - Nữ - SV Đại học kinh tế TPHCM
- Tôi muốn hỏi các vị tư lệnh về văn hóa có tuyên truyền, phố biến luật lệ giao thông sâu rộng, hiệu quả trong trường học chưa? Dạy trẻ từ thuở mới vào ngồi ghế nhà truờng để chúng ta có hẳn một thế hệ có trách nhiệm và tinh thần tự giác cao khi tham gia giao thông.
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM: Từ trước đến nay, thành phố luôn luôn xác định công tác giáo dục tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến đối tượng chính là thanh niên và học sinh. Vì vậy, trong thời gian qua, Ban An toàn Giao thông thành phố đã có nhiều kế hoạch phối hợp liên tịch với Thành đoàn và Sở Giáo dục Đào tạo để thực hiện tốt kế hoạch này. Trong đó, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức cuộc thi Giao thông thông minh trên Internet cho học sinh cấp 1 và 2 trên toàn địa bàn thành phố; thực hiện chiến dịch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em; xây dựng 100 cổng trường an toàn giao thông; trang bị nhiều tài liệu và dụng cụ học tập về an toàn giao thông cho một số trường...

Nguyễn Thị Hồng - Nữ 36 tuổi - be_den88@yahoo.com.vn - Lê Duẩn, Q1, TP HCM
- Cho tôi hỏi ý nghĩa của biển báo: Trên đuờng Lò Gốm, quận 11 có biển cấm ô tô phía dưới có ghi "Xe của cơ quan và dân trong khu vực được lưu thông"?
- Ông Đậu An Phúc - Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ: Nội dung của biển báo này chỉ mang tính tạm thời, vì tuyến đuờng Lò Gốm hiện đang thi công hệ thống cống thoát nuớc của Ban QLDA Nâng cấp đô thị thành phố (thuộc Sở Xây dựng).

Việc lắp đặt biển báo này nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông của nguời dân, của doanh nghiệp sinh sống và hoạt động trên tuyến đường bị ảnh hưởng bởi thi công, các phương tiện này được phép đi lại qua khu vực công trường theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông. Các phuơng tiện khác không thuộc diện như trên không đuợc phép lưu thông.

Ngọc Anh - Nữ - Quận 8, TPHCM
- Hàng ngày đi trên đường, chúng ta thấy có một "bộ phận không nhỏ" người điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, vượt đèn đỏ, phạm luật giao thông đó là do ý thức kém? Ông nghĩ sao về điều này? Ông có thể cho biết về những kết quả đạt được trong thực hiện "Văn hóa giao thông" trên địa bàn TPHCM?
- Ông Nguyễn Văn Minh-Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Theo chúng tôi muốn có văn hóa giao thông thì trước hết, người tham gia giao thông phải có ý thức tôn trọng và chấp hành Luật giao thông. Mà ý thức là sản phẩm của giáo dục, muốn có ý thức cần phải giáo dục và việc làm ấy nên bắt đầu từ giới trẻ. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bản thân những chủ thể tham gia giao thông phải tự cảm thấy "ngượng" khi vi phạm Luật giao thông. Giáo dục bao gồm tuyên truyền vận động, khuyến khích và khen thưởng người thực hiện tốt, đồng thời phải xử phạt nghiêm minh với mọi hành vi vi phạm...

Nếu thực hiên tốt những vấn đề trên thì có thể trong một tương lai gần, bức tranh về giao thông sẽ tốt hơn. Tai nạn giao thông sẽ không còn là nỗi ám ảnh cho những ai tham gia giao thông và lúc ấy tinh thần của họ cũng sẽ thoải mái, giữ được an toàn cho mình và cho mọi người.

Thanh Tâm - Nam - - Phường 14, quận 10, TPHCM
- Các tổ công tác 141 ở Hà Nội gồm CSGT, CSHS, CSCĐ làm rất tốt. Sao TPHCM không áp dụng mô hình này trong lúc cướp giật nở rộ và Tết gần kề? Nếu có mô hình 141, người dân sẽ an toàn hơn khi tham gia giao thông, chúng ta lại thanh lọc được xe cũ, xe gian và các đối tượng hình sự, quậy phá. Ban An toàn Giao thông có đề xuất cấp trên làm thí điểm chưa?
- Đại úy Chu Thị Thu Thủy - Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng CSGT ĐB-ĐS CA TPHCM: Lực lượng CSGT ngoài việc đảm bảo trật tự giao thông thông suốt an toàn thì còn phải phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức khác trong việc đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đảm trách.

Để thực hiện tốt chức trách cũng như vụ được giao, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã tham mưu cho Ban Giám đốc CATP ngoài việc có kế hoạch phối hợp với  các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, lực lượng TNXP... thì còn triển khai phương án phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP: Phối hợp với công an các quận, huyện trong công tác phòng chống tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng. Xây dựng các phương án vây bắt, tổng kiểm tra xử lý tất cả các đối tượng vi phạm. Phối hợp với Trung đoàn cảnh sát cơ động, phối hợp Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trong việc đấu tranh, phòng ngừa  các bọn tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông... Đồng thời phục vụ yêu cầu công tác và trấn áp các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã  thành lập Tổ chuyên đề tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và tổ này sẽ do BCH Phòng trực tiếp phụ trách và chỉ huy với tên gọi 612. Với mục đích để nâng cao năng lực cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo việc xử lý có trọng tâm, trọng điểm  nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về việc tự giác chấp hành các quy định pháp luật giao thông với mục tiêu góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, xây dựng một nếp sống văn hóa giao thông và đồng thời đẩy mạnh công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ chiến sĩ CSGT.

Cảnh sát giao thông điều khiển giao thông trên đường. Ảnh: CAO THĂNG

Cảnh sát giao thông điều khiển giao thông trên đường. Ảnh: CAO THĂNG

Hoàng Văn Mai - Nam - Lý Thuờng Kiệt, Quận 10, TPHCM
- Từ đầu năm đến nay, tình trạng bán hàng lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự vẫn diễn ra phức tạp. Thông thường vào dịp cuối năm, việc lấn chiếm lòng lề đường càng tràn lan, bát nháo hơn. Thành phố có giải pháp gì về vấn đề này?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM: Thực tế, thời gian qua thành phố ta đã có nhiều quyết tâm và nỗ lực chấn chỉnh tình trạng bán hàng lấn chiếm lòng lề đường, nhiều quận, huyện thường xuyên ra quân, tuy nhiên, tình trạng trên chưa được khắc phục một cách triệt để.

Để giải quyết tình trạng này, theo tôi, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó công tác tuyên truyền của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM và các tổ chức đoàn thể là hết sức quan trọng, phải làm sao chuyển biến được ý thức của mọi người dân và làm sao để mọi người đều thấy đây là trách nhiệm của mình. Vì vậy, việc hình thành các hộ tự quản, các tổ tự quản, khu dân cư tự quản là hết sức quan trọng.

Ngoài ra, công tác tuần tra, xử lý và nhắc nhở của các lực lượng chức năng cũng phải được phối hợp đồng bộ và duy trì thường xuyên. Đồng thời vận động và cho các hộ đăng ký "không vi phạm buôn bán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè".

Tú Trinh - Nữ - - Tân Bình, TPHCM
- Việc cấp giấy phép lái xe hai bánh và bốn bánh còn dễ dãi, đôi khi còn có biểu hiện tiêu cực dẫn đến người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn. Thành phố đã có chấn chỉnh gì trong việc thi và cấp giấy phép lái xe?
- Ông Đậu An Phúc - Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng Giao thông đường bộ: Sở GTVT TP.HCM luôn thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định của Bộ GTVT trong viêc đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời là địa phương duy nhất thực hiện việc thi và chấm thi trên máy vi tính (không còn thực hiện thủ công như một số tỉnh thành khác); đảm bảo chất luợng của các kỳ thi, Sở GTVT cũng thành lập tổ giám sát do Thanh tra Sở GTVT chịu trách nhiệm, đồng thời gắn các thiết bị camera giám sát và truyền trực tiếp cho mọi nguời dân giám sát. Sắp tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục gắn camera giám sát hành trình để theo dõi khâu thi đường trường. 

Buổi giao lưu đến đây kết thúc. Xin cảm ơn sự tham gia của các khách mời và sự quan tâm của bạn đọc

SGGP Online

Tin cùng chuyên mục