Noi gương Bác về sự nêu gương

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, trong hệ thống chính trị và nhân dân, phải tạo thành công việc tự giác, thường xuyên, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên…

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất quán của nói đi đôi với làm, về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, về cái tâm, cái đức lo cho dân, cho nước, về tình thương yêu con người...Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thấm sâu vào tim óc các thế hệ người Việt Nam chúng ta, có lẽ, hơn mọi ngôn từ, đó chính là hình ảnh một con người đã tự mình nêu gương.

Nói đi đôi với làm như một nguyên tắc cơ bản của đạo đức. Đạo đức Hồ Chí Minh gắn với hành - hành nhiều hơn nói, hành trước, nói sau, lặng lẽ, nêu gương như một triết lý sống. Ở Bác không có sự khác biệt giữa đạo đức cách mạng và đời thường. Theo Bác, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong cuộc sống, những người có tư cách đạo đức thì mới được nhân dân quý mến. Và để được nhân dân quý mến thì phải rèn luyện suốt đời. Bác đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy nhà nước là người có nhiều hoặc ít quyền hành cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, nhất là phải tận tâm với công việc phục vụ dân, chịu sự giám sát của dân, giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nếu không thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Thực tế cho thấy, có không ít những quyết định gây thất thoát, lãng phí, sử dụng kém hiệu quả ngân sách nhà nước mà không ai chịu trách nhiệm, có khi, có người còn đi rao giảng về đạo đức, về sự cần kiệm… Ở đây đòi hỏi phải đề cao tính tự giác của mỗi cá nhân và tinh thần đấu tranh xây dựng của tập thể đối với những vi phạm, nếu không thì việc học Bác trở nên hình thức.

Hồ Chí Minh là người đã xây dựng hệ thống quan điểm dân chủ và ra sức thực hành dân chủ. Bác đã thực hiện việc mở rộng dân chủ trong Đảng và thực hành dân chủ rộng rãi với dân. Bác xem thực hành dân chủ rộng rãi là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Sinh thời, Bác không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức. Bác dạy: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”.

Dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương. Việc tăng cường kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của dân với Đảng. Có kiểm tra, giám sát mới giúp cán bộ ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm và khơi dậy tính tích cực. Việc kiểm tra được tiến hành từ trên xuống, từ dưới lên. Theo Bác, người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra. Bác thường xuyên xuống cơ sở, đến với công nhân, nông dân, bộ đội… trực tiếp nghe người thật, việc thật, qua đây hình thành những chủ trương, chính sách trong chỉ đạo, lãnh đạo…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, năm 2016, công tác kiểm tra đã chủ động tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm khá nhiều, kết hợp với kiểm tra thường xuyên, và thể hiện sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí, công luận… nhưng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức. Đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc. Mảng giám sát chưa có chuyển biến rõ nét. Cần phải làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn trong Đảng. Chú trọng việc phát huy vai trò nhân dân, công luận. Không khoan nhượng với những hành vi vi phạm kỷ luật và không có vùng cấm. Theo Tổng Bí thư “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Tinh thần ấy, nhận được sự đồng cảm sâu sắc của người dân.

Bác Hồ luôn nghiêm khắc với chính mình và rộng lòng khoan thứ, khoan dung. Bác tin vào sức mạnh phẩm giá, sức sáng tạo của con người, luôn coi trọng việc gần gũi, bàn bạc với dân chúng. Theo Bác là phải học, phải hỏi, phải hiểu, phải liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cách xa dân chúng cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Trong thực tế, việc lắng nghe sự góp ý, hiến kế, kể cả phản biện xã hội chưa nhiều. Muốn lắng nghe phải có tấm lòng, sự dũng cảm và cả sức chịu đựng sự phê phán thẳng thắn, xây dựng mới có sự thông cảm, hiểu biết, tin cậy, vì lợi ích đất nước và nhân dân.

Thực tiễn đòi hỏi phải có bước tiến về hành động nhằm tạo ra sự thay đổi tốt hơn. Nhân dân đang dõi theo và kỳ vọng Chỉ thị 05 lần này sẽ tạo được sự chuyển biến rõ nét, nhất là việc noi gương Bác về sự nêu gương.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục