Nối kết những trái tim

Có nên yêu người có người thân bệnh tâm thần?
Nối kết những trái tim

Có nên yêu người có người thân bệnh tâm thần? 

Em mới quen một người bạn trai lớn hơn em 6 tuổi. Gia đình anh ấy nghèo lắm, mẹ anh ấy phải chạy lo từng bữa ăn. Anh trai anh ấy bị bệnh tâm thần gần 20 năm rồi. Anh ấy nói người anh trai thường lên cơn đập phá khiến cả nhà chịu không nổi, có lúc nóng giận quá anh ấy muốn giết anh trai mình luôn để cả nhà không mệt mỏi nữa. Em thấy hơi sợ sợ. Em không biết bạn trai em có bị ảnh hưởng gì không? Bệnh tâm thần có di truyền không chị? Em có nên quen một người bạn trai có gia đình như thế không chị?
lanthanh@...

Chị nghĩ, trong cảnh nghèo túng, khó khăn lâu dài và chứng khiến cảnh anh trai bệnh tật, có lẽ bạn trai em cũng đang muốn làm cách nào đó để giúp anh trai của anh ấy lẫn gia đình thoát khỏi tình trạng bi thương này, nhưng anh ấy không biết phải làm gì cho đúng. Việc anh ấy có suy nghĩ muốn giết anh trai cũng là một cách giải quyết của người cảm thấy bất lực, bế tắc trước hoàn cảnh… nhưng đó chỉ là suy nghĩ trong lúc túng quẫn, bộc phát cảm xúc bị dồn nén. Chị nhận thấy, việc anh ấy nói cho em biết anh ấy đã muốn làm gì khi anh trai lên cơn, chứng tỏ anh ấy đang rất muốn chia sẻ cùng em nhiều điều, kể cả những cảm xúc bực dọc, lẫn những khó khăn liên quan đến anh ấy và gia đình của anh ấy. Theo chị, một người bình thường mà sống trong hoàn cảnh như anh ấy cũng có thể bị những ảnh hưởng nhất định (chị không nói là bị tâm thần, mà muốn nói đến tính khí của người thường xuyên phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống). Thực tế, khi khám tâm thần, các bác sĩ thường hỏi trong dòng họ có ai đã từng bị bệnh liên quan đến tâm thần, để có chẩn đoán chính xác hơn. Giống như các bài học về gien di truyền, tùy vào yếu tố gien lặn, gien trội mà thế hệ sau có hoặc không có sự thừa huởng đặc điểm của các gien đó.

Hiện tại, em xem anh ấy như người bạn, vậy hãy giúp người bạn của mình vượt qua những khó khăn này bằng sự chia sẻ, cảm thông…, điều mà chị nghĩ anh ấy đang rất cần ở em.

Nếu phải ngồi cùng bàn với bạn ấy thì...

Cuối năm lớp 7, ngồi kế con là một bạn nam, bạn này ở lại lớp 2 năm rồi, con vừa ghét vừa sợ bạn này. Bạn này là học sinh cá biệt, vừa học dở vừa quậy, cô chủ nhiệm mời phụ huynh bạn này rất nhiều lần nhưng không bao giờ gặp. Không hiểu sao lúc nào bạn ấy cũng quay tới quay lui, chụp cái này lấy cái kia và nói, nói một mình cũng nói. Đáng sợ hơn là bạn ấy hay tự lấy dao rọc giấy tự rạch tay chân mình cho chảy máu hơi hơi chơi. Con sợ lắm, không bao giờ dám làm gì để bạn ấy không bằng lòng, tới nỗi nguyên cái bàn mà con ngồi có 1/3, còn 2/3 là bạn ấy. Con có xin cô đổi chỗ nhưng cô nói bạn đó ngồi với con là bạn đó đỡ phá nhất vì con không gây lại, ngồi với bạn khác là lớp chịu không nổi luôn. Năm sau lên lớp 8 không biết con có còn bị ngồi kế bạn ấy nữa không; có cách nào để ngăn chặn chuyện này xảy ra không cô? Nếu lỡ xui bị ngồi kế thì con phải làm sao? Các bạn trong lớp và nhiều thầy cô nói bạn ấy khùng; vậy bạn ấy có khùng không cô?
hamacon@...

Cô rất cảm thông trước sự lo lắng của con. Qua lời nói của cô giáo và những cảm nghĩ của con, cô nghĩ rằng từ cách con không phản ứng hay chê trách, xa lánh bạn như các bạn khác nên bạn ấy đã không làm gì ảnh hưởng tới con. Theo cô, có thể vì bạn ấy học không theo kịp các bạn, lời thầy cô giảng bạn không hiểu, nên không thể tập trung cho việc nghe giảng như các bạn trong lớp. Khi đã không thể tập trung nghe giảng thì bạn ấy dễ phân tán sự chú ý đến mọi thứ xung quanh và có thể có khuynh hướng tìm cách lôi kéo mọi người như mình. Cô không nghĩ bạn ấy khùng, có thể do điều kiện gia đình bạn ấy không được như các bạn khác cả về vật chất lẫn sự quan tâm của ba mẹ. Và cách bạn ấy đang làm cho mọi người sợ hãi, theo cô, đó là cách bạn ấy đang cố tình lôi kéo sự quan tâm, chú ý từ mọi người xung quanh.

Nếu con thật sự quan tâm đến bạn ấy, hãy mạnh dạn một lần hỏi thăm và đề nghị giúp đỡ bạn (cô nghĩ con có thể giúp bạn ấy học tốt hơn, rất có khả năng bạn ấy sẽ nghe lời con vì con chưa bao giờ làm bạn ấy phật lòng). Biết đâu từ sự thân thiện, quan tâm của con có thể giúp bạn ấy trở nên hòa nhập với mọi người hơn. Cô hy vọng, con sẽ không còn sợ hãi với người bạn này mà còn có thêm một người bạn tốt nữa.

Chúc con có đủ can đảm để nói chuyện với bạn ấy.

CVTV NGÔ ĐẸP

Tin cùng chuyên mục