Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với UBND quận Tân Phú về tình hình tổ chức học bán trú ở bậc tiểu học, nhiều người đã xót xa khi nghe Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết hiện nay trên địa bàn quận Tân Phú có 2 trường có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày là 0%. Trong khi đó theo yêu cầu chung của ngành giáo dục, từ nay đến năm 2020 phải đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đối với 2 trường hợp vừa nêu ở Tân Phú, mục tiêu đó xem ra là nhiệm vụ quá khó khăn, nếu không muốn nói là ngoài sức tưởng tượng của các đơn vị.
Đáng nói hơn là cũng theo báo cáo của Tân Phú, trên địa bàn có một trường hợp trường học phải giải tán bếp ăn để tăng thêm chỗ học cho học sinh. Đó là tình trạng “chẳng đặng đừng” đang diễn ra tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Trường phải ký hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp với hàng loạt yêu cầu về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhưng theo thừa nhận của một thành viên ban giám hiệu, chất lượng bữa ăn vẫn phụ thuộc vào lương tâm của chính đơn vị cung cấp.
Giống như trường Võ Thị Sáu, nhiều trường học trên địa bàn các quận, huyện khác cũng đã và đang tận dụng tối đa diện tích sẵn có để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Đơn cử như Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp), có 2 phòng học được ngăn cách với nhau chỉ bằng một tấm cửa cuốn. Theo một thành viên trong ban giám hiệu, từ thứ hai đến thứ sáu, cửa cuốn luôn trong tình trạng đóng để ngăn cách giữa 2 lớp học. Nhưng vào những ngày thứ bảy, chủ nhật cuối tuần hoặc khi có hoạt động ngoại khóa, toàn bộ bàn ghế của học sinh sẽ dời đi, cửa cuốn được kéo lên tạo thành khoảng không gian rộng lớn (do diện tích 2 phòng học gộp lại) làm hội trường tổ chức các hoạt động. Tương tự, một trường tiểu học ở quận 4 cách đây nhiều năm cũng phải hy sinh một phần diện tích phòng giáo viên, nhập chung hai phòng thư viện và y tế làm một để tăng thêm diện tích làm chỗ học cho học sinh. Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Phú cho biết, dù biết việc cải tạo công năng phòng ốc sẽ ít nhiều ảnh hưởng chất lượng học tập của học sinh nhưng trước áp lực quá cao về mặt sĩ số, các trường không còn cách nào khác ngoài việc “co kéo” diện tích để tăng thêm chỗ học cho người dân. Trong vai trò hiệu trưởng, các thầy, cô luôn đau đầu với bài toán vừa đảm bảo chất lượng học tập, vừa không để một học sinh nào không được đến trường vì trường, lớp không đủ chỗ.
Thực trạng trường, lớp xây dựng không theo kịp đà tăng dân số là vấn đề đã được cảnh báo và nỗ lực khắc phục nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thời gian càng gần mốc 2020 các đơn vị càng lo lắng cho nhiều mục tiêu “nhìn thấy trước là không thể thực hiện”. Xem ra con đường còn rất dài và mục tiêu cứ dần xa…
THANH THU