Căn hộ chung cư, đối với hầu hết người dân là chuyện lớn, không phải ai cũng đủ khả năng mua nhà, có người phải tích lũy cả đời mới tìm được chốn an cư nhỏ nhoi, thế mà bỗng dưng lại đối mặt nguy cơ mất nhà!
Khơi mào cho câu chuyện nóng này là từ chung cư The Harmona, quận Tân Bình. 600 căn hộ đã có chủ, an cư hơn 3 năm qua, bỗng dưng đối mặt nguy cơ phải ra đường bởi một trát đòi nợ từ BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn (BSG) liên quan đến khoản nợ đã cắm vào nhà băng trước đó của chủ đầu tư. Đối với thị trường bất động sản TPHCM, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc như vậy. Cách đòi nợ của nhà băng đã làm dấy lên làn sóng bất an của cư dân không chỉ tại chung cư này mà dẫn đến sự lo lắng, khựng lại của hàng chục ngàn căn hộ đang giao dịch trên địa bàn TPHCM! Còn các cơ quan chức năng, một sự phản ứng trực diện với nhà băng, đặc biệt là chính Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La cho rằng đây là cách hành xử “sai luật và gây bất an cho người dân”. Ông cấm các cơ quan đến chứng kiến việc xiết nợ như theo yêu cầu của ngân hàng, nếu ngân hàng xuống xiết nợ sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng “mời” về quận làm việc và phát văn bản yêu cầu chấn chỉnh kiểu “làm ăn lôm côm” của BIDV BSG!
Sự việc đang nín thở chờ đến “giờ G”- ngày 15-6 - liệu chủ đầu tư chung cư The Harmona có thanh toán toàn bộ khoản nợ hay không để kết thúc sự lùm xùm thì đùng một phát, cũng tại Tân Bình, hàng chục hộ dân vừa chân ướt chân ráo dọn về chung cư Bảy Hiền Tower đang trong giai đoạn “hoàn tất vội vàng” bị cúp điện, cúp nước và bị đuổi ra khỏi nhà! Lý do vì chủ đầu tư xây dựng sai phép 722m2, cơ quan quản lý nhà nước tiến hành cưỡng chế để chủ đầu tư khắc phục đúng theo thiết kế được duyệt. Đây cũng là sự việc chưa có tiền lệ tại TPHCM. Điều đáng nói là cách làm của chủ đầu tư đặt sự việc vào thế đã rồi. Dự án làm chưa xong, công trình chưa nghiệm thu nhưng đã bố trí cư dân vào ở, chẳng may xảy ra sơ suất chắc chắn tai họa khôn lường! Diễn biến tiếp theo là câu hỏi dài dằng dặc: Trước mắt cư dân sẽ ở đâu, phần xây dựng sai phép khi nào sẽ khắc phục xong, việc đập phá sẽ ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà như thế nào?
Những dự án bị lộ gây chấn động như vậy, thế còn biết bao nhiêu dự án đang râm ran âm ỉ, có thể bùng lên bất kể lúc nào? Câu trả lời ở đây, xin nhường cho cơ quan quản lý nhà nước! Nhưng xem ra, những cư dân của chung cư The Harmona, Bảy Hiền Tower may đã có căn nhà, còn may mắn hơn hàng ngàn trường hợp đã đóng tiền cho chủ đầu tư, nhưng dự án dang dở năm bảy năm nay không biết khi nào nhận nhà, như dự án Petrolandmark (quận 2) - chủ đầu tư đã vướng vòng lao lý, chung cư Thảo Loan Plaza (Bình Chánh)…
Nguyên nhân đầu tiên không ai khác, chính là chủ đầu tư. Nguyên tắc bất di bất dịch, dự án thế chấp ngân hàng khi bán căn hộ là phải giải chấp từng căn hộ được bán đi, hoặc giải chấp toàn bộ dự án. Nhưng khi sự việc trái với quy luật, dẫn đến sự cố ngay tức khắc. Tất cả xuất phát từ “lòng tham”. Lẽ ra, khi vay tiền từ ngân hàng mua được dự án, mở bán căn hộ nào thì giao cho nhà băng kiểm soát dòng tiền đó, cho đến khi kết thúc dự án. Đằng này, chủ đầu tư lại gom hết tất cả nguồn tiền đi làm dự án khác. Chẳng may thị trường sụp đổ, cái mới thì dang dở, cái cũ không xong, dìm nhau chết chìm. Hoặc việc xây dựng trái phép cũng thế, không ngoài lý do chủ đầu tư muốn xây thêm để kiếm thêm tiền!
Xét về mặt pháp luật, các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… với hàng loạt chế tài trên cả “mức bình thường” đã trói buộc chủ đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người mua nhà, đặc biệt mới đây nhất là hình thức bảo lãnh dự án. Thế nhưng sai phạm vẫn xảy ra, lý do ở đây chính là sự thiếu trách nhiệm “của anh, của ả”. Chẳng hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Sở Xây dựng, mặc dù được giao quản lý thị trường bất động sản nhưng trên thực tế có nhiều dự án nhà ở làm sai quy định nhưng không tuýt còi hoặc đã phát hiện xây sai phép, xử phạt rồi lại không theo dõi mà để cho chủ đầu tư “làm lén lút”, như trường hợp chung cư Bảy Hiền Tower?
Sự minh bạch của thị trường bất động sản không chỉ đem lại sự an toàn cho người mua mà còn kiểm soát được tình trạng bong bóng dẫn đến sụp đổ thị trường, gây khủng hoảng cho nền kinh tế. Muốn có được minh bạch, không ai khác chính là vai trò của chủ đầu tư, ngân hàng tham gia cho vay, cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, nhân tố đóng vai trò quyết định, trung tâm của thị trường bất động sản chính là khách hàng. Trước khi xuống tiền mua nhà hãy tìm hiểu kỹ dự án có đủ điều kiện bán theo quy định hay không; hãy kiên quyết nói không và bỏ ngoài tai lời “đường mật” với dự án nhà ở sai luật; hãy theo dõi tiến độ dự án và báo với các cơ quan chức năng về những dự án sai lệch so với cam kết. Làm như vậy, chí ít cũng bảo vệ phần nào an toàn cho mình, không để đồng tiền ky cóp cả đời “đi mây về gió”!
LƯƠNG THIỆN