Chính vì vậy, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang tìm mọi cách hạn chế sử dụng các loại sản phẩm này. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 và hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường, tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường... Tuy nhiên, đến nay túi ni lông thân thiện với môi trường vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng sử dụng.
TPHCM có khoảng 11 DN sản xuất túi ni lông được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận sản phẩm túi ni lông thân thiện môi trường. Thế nhưng, đại diện Công ty TNHH Phúc Lê Gia cho biết, túi ni lông thông thường (khó phân hủy) thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với túi ni lông thân thiện với môi trường, nên được đông đảo người tiêu dùng sử dụng.
Hiện tại, sản phẩm của Phúc Lê Gia chỉ có thể đưa vào siêu thị, rất khó bán ở các chợ… khiến năng lực sản xuất của công ty bị dư thừa. Ông Hồ Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Công ty CP Bao bì Vafaco, cũng cho biết mặc dù công ty đã được miễn giảm thuế theo chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường của Chính phủ nhưng do phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong sản xuất nên giá thành vẫn cao hơn túi ni lông thông thường. Tại các chợ, các cơ sở sản xuất túi ni lông thông thường vẫn bán cho các tiểu thương với giá khoảng 30.000 đồng/kg mà không bị đánh thuế, trong khi túi tự hủy là hơn 40.000 đồng/kg. Như vậy ở khía cạnh lợi nhuận, người tiêu dùng tất nhiên sẽ chọn lựa loại túi rẻ. Cái khó lớn nhất hiện nay đó là các công ty sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường và tiểu thương, người tiêu dùng không thể tìm thấy điểm chung về giá cả để cùng giao thương.
Theo các nhà khoa học, phần lớn túi ni lông được sản xuất từ hạt nhựa, phải mất hàng trăm năm mới phân hủy. Sự tồn tại của túi ni lông khó phân hủy trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi khi lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Nghiêm trọng là vậy, song các giải pháp khuyến khích, kêu gọi đẩy mạnh sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường, như phản ánh ở trên, lại đang gặp nhiều khó khăn. Giá thành của bao bì tự hủy luôn cao hơn nhiều so với bao bì thông thường do từ máy móc, công nghệ cho đến các chất phụ gia để sản xuất phải nhập từ nước ngoài.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, việc triển khai tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy cũng như kêu gọi các DN đẩy mạnh sản xuất bao bì thân thiện với môi trường trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc túi ni lông thân thiện môi trường có giá thành cao hơn túi ni lông khó phân hủy thì chính các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường cũng không đáp ứng được nhu cầu cung cấp mẫu túi đa dạng cho các cửa hàng nhỏ, lẻ… Đồng thời, cơ quan chức năng cũng chưa có quy định chung về tiêu chuẩn, tiêu chí, chất lượng, mẫu mã đối với sản phẩm thân thiện môi trường, cách thức phân biệt túi ni lông thông thường và túi thân thiện với môi trường để người tiêu dùng nhận biết.
Kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 của TPHCM đã đặt mục tiêu giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Để đạt được kế hoạch này, TPHCM còn cần phải làm rất nhiều việc để người dân có thể nói không với túi ni lông khó phân hủy.