Mặc dù ngày chính thức khai giảng năm học mới là 5-9, nhưng tại thời điểm này, hầu hết các trường học đã tựu trường, trong đó hầu hết các trường tư đã tổ chức dạy học. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn đang lo gấp rút hoàn tất khâu bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất trường học để kịp ngày khai giảng.
Không thể phủ nhận, những năm qua, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương luôn quan tâm đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, ưu tiên thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhờ vậy, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học đều tăng trong năm học 2015 - 2016. Theo Bộ GD-ĐT, ước chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành GD-ĐT năm 2015 đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, ngân sách chi sự nghiệp GD-ĐT chủ yếu là chi cho con người; còn chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập và thực hành vẫn chiếm tỷ lệ thấp, cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục, nhất là trong lộ trình thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.
Vì nguồn lực đầu tư từ ngân sách không đủ để chăm lo cho cơ sở vật chất trường học, hầu hết các địa phương đã chủ động, tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Chẳng hạn, năm học 2015 - 2016, các tỉnh vùng 4 (gồm các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) đã vận động nhân dân, huy động được tổng số tiền trên 21 tỷ đồng để làm lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh, dựng lán trại, đóng góp lương thực, mua các vật dụng sinh hoạt, thuê người nấu ăn và trông nom học sinh. Nhờ vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, điều kiện sinh hoạt của các em học sinh và giáo viên được cải thiện đáng kể.
Dù đã nỗ lực, nhưng thực tế hiện nay là cơ sở vật chất ngành giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, giảng dạy, nhất là ở các địa bàn còn khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho chất lượng giáo dục còn hạn chế. Trên thực tế có thể thấy, ở khối giáo dục phổ thông, cơ sở vật chất thuộc hệ thống trường lớp tư nhân khang trang, đầy đủ hơn hẳn so với hệ công lập. Còn ở khối trường đại học - cao đẳng thì nhìn chung, cơ sở vật chất ở các trường dân lập có phần yếu hơn các trường công lập.
Năm học 2016 - 2017 là năm học thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Dù đầy thách thức nhưng ngành giáo dục bắt buộc phải giải những bài toán mà hiện nay thực tiễn đang bức xúc đòi hỏi. Trong đó có việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; đẩy mạnh hội nhập quốc tế... Và dĩ nhiên, quan trọng hàng đầu là bài toán tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Có một thực tế chắc chắn, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn hiện nay, việc phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất sẽ không thể tạo đột phá phát triển giáo dục trong thời gian tới. Vì vậy, phải đa dạng hóa, đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong thu hút, huy động các nguồn lực của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho giáo dục để bảo đảm cơ sở vật chất các trường học đủ chuẩn, hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực.
LÂM NGUYÊN