Hơn 2,5 tấn chất tạo nạc thành phẩm dùng trong chăn nuôi vừa bị các cơ quan chức năng phát hiện tại một kho hàng ở Đồng Nai.
Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp trong thời gian qua, cơ quan thú y ở phía Nam cũng phát hiện không ít cơ sở chăn nuôi heo sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta agonist để tạo nạc cho thịt heo đã khiến người tiêu dùng không khỏi rùng mình. Thậm chí, không ít kẻ hám lợi coi thường tính mạng con người còn sử dụng công nghệ biến thịt ôi thối thành thịt tươi; lục phủ ngũ tạng gia súc, gia cầm thiu thối chỉ qua vài công đoạn ngâm tẩm hóa chất, ướp thêm chút gia vị, bỗng trở nên tươi rói.
Những thứ “thực phẩm” nguy hại được phù phép đã tràn lên mâm cơm từng gia đình, len lỏi vào bếp ăn tập thể trong những nhà máy, khu công nghiệp, thậm chí cả trường học. Vậy nên gần như ngày nào cũng xảy ra ngộ độc thực phẩm. Nhỏ thì dăm ba người trong gia đình phải nhập viện, lớn thì hàng chục, hàng trăm công nhân cả một nhà máy, hay học sinh cả một lớp học, trường học… “miệng nôn, trôn tháo”, phải nhập viện. Điều đáng nói, các vụ nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh chế biến thực phẩm ôi thiu, không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra hàng ngày như thách thức các cơ quan chức năng.
Thống kê mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, chỉ riêng trong năm 2011, cả nước đã có hơn 3.600 trường hợp phải nhập viện, trong đó có 27 người tử vong. Nguyên nhân do vi sinh vật, hóa chất và độc tố tự nhiên, nhưng cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng ngàn mẫu thực phẩm có chứa các hóa chất cấm nguy hiểm như phẩm màu, hàn the, formaldehyt, Rhodamine B, kim loại nặng…
Tuy nhiên, những con số trên mới chỉ là bề nổi về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta. Rất nhiều dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm, cũng như nhiều loại bệnh tật do thực phẩm gây ra đang lặng lẽ gặm nhấm, bào mòn sức khỏe con người, thậm chí cả thế hệ tương lai mà chúng ta chưa thể lường hết được.
Không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như ngộ độc thực phẩm đã và đang trở thành vấn đề bức xúc, gây ra rất nhiều lo ngại cho người dân và xã hội. Trong khi đó, tới thời điểm này vẫn chưa có bất cứ lãnh đạo cơ quan chức năng, bộ ngành nào dũng cảm, thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm rõ ràng, mà tất cả đều chung chung, theo lối mòn, đây là vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm, đang cố gắng ban hành nhiều văn bản luật làm cơ sở pháp lý và tăng cường các biện pháp quản lý.
Đã thế, sau mỗi vụ việc bức xúc về an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết xử lý triệt để. Vẫn chỉ là những biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tịch thu, tiêu hủy và lập biên bản xử phạt, hiếm thấy có tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm bị truy tố hình sự hay như người đứng đầu cơ quan chức năng từ chức hoặc bị cách chức do chưa làm tròn trách nhiệm quản lý.
Tình trạng “cha chung không ai khóc” trong quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã gây bất an dai dẳng trong đời sống - xã hội. Người dân đang chờ những công bộc của mình thực thi đầy đủ, có trách nhiệm nhiệm vụ được giao để miếng ăn thực sự sạch.
NGUYỄN QUỐC