Chung sống với giá tăng bằng cách siết chặt “hầu bao” trong mỗi gia đình - dù muốn hay không - vẫn là một trong những cách để tồn tại trong cơn bão giá thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điện tăng giá, đã có giải pháp ít xài hoặc không xài các thiết bị điện chưa thật sự cần thiết. Giá nước tăng, không sao, chỉ cần bớt đi những nhu cầu phù phiếm trong sinh hoạt. Thực phẩm tăng, cũng là chuyện nhỏ nếu chúng ta biết tiết kiệm, tính toán chi ly từng bữa ăn, từng calo thức ăn bị đốt cháy trong cơ thể… Nhưng động tới giá thuốc, câu hỏi này thật khó trả lời nếu không nói là không thể trả lời. Ở đây, mọi biện pháp tiết kiệm triệt để đều bất lực và càng nghĩ cách tìm lối thoát thì bạn càng… tăng huyết áp trong bối cảnh giá thuốc vẫn sẽ tăng trước khi đạt tới “mặt bằng giá” mới cho phù hợp hơn với nhà sản xuất và phân phối.
Nói thế để thấy hai điều ước đầu năm của người dân: Kiểm soát và giảm giá thành thuốc sản xuất - chắc chắn vẫn sẽ là ước nguyện của nhiều năm tới. Tất nhiên như người ta nói mọi so sánh đều khập khiễng, khi chúng ta không thể so sánh với các nước phát triển về tiềm lực kinh tế, khả năng đầu tư chất xám, nghiên cứu và phát triển R&D… nhưng dẫu sao vẫn không thể không so sánh cách họ và chúng ta tiếp cận vấn đề.
Thực tế cho thấy ngành dược nước ta tuy có bước tăng trưởng khích lệ về “lượng” (năm 2009 tuy kinh tế khó khăn vẫn tăng trưởng hơn 20%, đã tự sản xuất và đáp ứng 50% nhu cầu thị trường) nhưng thực ra vẫn chỉ là “lấy công làm lời”, không thoát vòng “gia công” luẩn quẩn (phải nhập tới 90% nguyên liệu sản xuất) giống như ngành may mặc hoặc da giày. Đáng nói hơn, các loại thuốc nội sản xuất cũng chỉ là loại xoàng - như đánh giá của Bộ Y tế “chỉ là những thuốc thông thường, dạng bào chế thông thường, để chữa bệnh thông thường…”. Và thêm nữa là rất khó ghi nhận “bản sắc” riêng của từng thương hiệu : Trên 300 cơ sở sản xuất trong nước đều bào chế các loại thuốc na ná nhau về công dụng, và chỉ khác nhau… tên thuốc. Đến mức có loại thuốc như Paracetamol cũng có trên 300 số đăng ký.
Chính từ sự nhạt nhòa của ngành công nghiệp dược nội địa, các đại gia dược nước ngoài được dịp chi phối phân khúc cao cấp của thị trường khám chữa bệnh: thuốc đặc trị các bệnh kinh niên, bệnh nan y, nhất là bệnh đường tim mạch và ung thư. Và chịu thiệt nhất vẫn là người dân nghèo phải cõng trên đôi vai gầy gánh nặng giá thuốc do tỷ giá USD tăng, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, do “hoa hồng” các đại lý chi cho bác sĩ kê toa… Và nhất là do sự quản lý lỏng lẻo, khuất tất của các cơ quan chức năng.
Và tuy biết là không thể “mặc cả” như khi mua mớ rau, miếng thịt ngoài chợ, nhưng người dân vẫn hy vọng mua được thuốc tốt với giá rẻ. Để có viễn cảnh này, ngành công nghiệp dược phải có định hướng và chính sách rõ ràng, không thể cái gì cũng “tập trung phát triển” để rốt cuộc lại quay về điểm xuất phát ban đầu.
Trước tiên, để nâng “chất” và hạ giá dược phẩm, chúng ta phải “đi tắt, đón đầu” bằng cách ưu tiên sản xuất loại thuốc generic như cách Trung Quốc đang thực hiện. Thuốc generic hay còn gọi là thuốc tương đương sinh học là loại thuốc được phép sản xuất khi thời hạn bảo hộ công thức đã hết. Nghĩa là một loại “nguồn mở” cho phép ai cũng sử dụng được nếu có công nghệ thích hợp. Ở đây, dù generic có “cũ người” nhưng với các xí nghiệp dược nội địa thì vẫn “mới ta” và có vẫn hơn không. Tiếc rằng, hướng “mở” này vẫn chưa được chú trọng, khai thác triệt để. Thứ hai, chất lượng thuốc thường phù hợp với giá cả. Thông thường, thuốc tốt, có hiệu quả chữa trị nhanh không bao giờ có giá rẻ. Đơn giản vì từ nghiên cứu đến sản xuất đại trà rất tốn kém và nước nghèo không thể mơ tới việc tự bào chế loại thuốc cỡ như Tamiflu dùng chữa cúm A/H1N1.
Để giải quyết vấn đề, có thể mạnh tay áp dụng kinh nghiệm ở một số nước phát triển: Công bố danh mục các loại thuốc phát miễn phí khi kê toa. Thuốc này tất nhiên là thuốc sản xuất trong nước. Và nếu như bác sĩ chỉ định thuốc trong danh mục này thì bạn sẽ nhận thuốc uống/chích không phải trả tiền. Dĩ nhiên “thuốc cấp không” càng nhiều thì càng chứng tỏ “đẳng cấp” phát triển của đất nước. Đây phải nói nó giống như một mũi tên bắn trúng nhiều đích: Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dược và giúp nâng cao uy tín của thầy thuốc. Và nếu như các cơ sở sản xuất dược biết chính xác đơn đặt hàng được ngân sách chi trả thì chắc chắn họ sẽ có thể dành khoản kinh phí đáng kể cho nghiên cứu và phát triển (R&D) các loại thuốc mới.
Còn nhiều giải pháp khác như tạo cơ chế thông thoáng khi tung thuốc ra thị trường, mở các cuộc thi ý tưởng sáng chế để nhận hỗ trợ kinh phí từ phía nhà nước… Và tất nhiên, giá thuốc sẽ phụ thuộc vào “tầm” và “tâm” từ phía các cơ quan chức năng. Ngoài ra, để khỏi ám ảnh sự phi mã của giá thuốc, tốt nhất là người dân tự “kích cầu” cho sức khỏe mình để không bao giờ… phải cậy nhờ đến thuốc.
BÍCH AN