Nỗi lo không của riêng ai

THU HỒNG
Nỗi lo không của riêng ai

Chồng đi đón con về, câu đầu tiên là: “Em đọc tin gì chưa? Anh vừa nghe trên đài về vụ chém người ở trường học”. “Hả?”. “Một thằng bé xách kiếm vào trường. Có người chết, có người bị thương, cả học sinh. Tệ quá. Lần đầu tiên ở Thụy Điển đấy. Loạn mất rồi!”.

Lần đầu tôi đến Thụy Điển là cách đây gần 15 năm, vào giữa mùa đông. Ấn tượng hồi đó trong tôi là một đất nước của lạnh lẽo và tối tăm (sáng 9 giờ trời vẫn còn lờ mờ và chiều 3 giờ đã tối mịt) nhưng con người thì tuyệt vời: cao ráo, mảnh mai, thân thiện và luôn sẵn lòng giúp đỡ… Báo chí Thụy Điển được coi là một trong những nền báo chí phát triển nhất thế giới, nhưng chả mấy khi có vụ nào giật gân. Chúng tôi thường đùa đất nước này chán đến nỗi chả bao giờ có vụ án nào nên các nhà văn phải thi nhau viết truyện trinh thám cho dân đỡ buồn.

Duyên phận đưa đẩy thế nào tôi lại định cư ở cái xứ này, và đúng vào đợt bầu cử năm 2010. Năm đó đánh dấu lần đầu tiên đảng Dân chủ Thụy Điển (SD - một đảng cực hữu chủ trương chống nhập cư) đặt được chân vào Quốc hội trong bối cảnh hai liên minh chính có nhiều mâu thuẫn nội bộ. Phần đông dân chúng và báo chí phiền lòng với kết quả này. Họ cũng như gia đình tôi, lo rằng các phần tử và hành vi phân biệt chủng tộc, bạo lực xã hội liên quan đến vấn đề này sẽ gia tăng, giống như ở nhiều nước châu Âu khác. Quả thật, sau đó có nhiều vụ bạo động liên tiếp xảy ra.

Hái nấm, hoạt động ngoài trời được nhiều người Việt ưa thích Ảnh: THU HỒNG

Bầu cử cuối năm ngoái, đảng Dân chủ Thụy Điển tăng từ 20 lên 49 ghế trong Quốc hội, vì nhiều lẽ, trong đó có lý do ngày càng nhiều dân ủng hộ tư tưởng chống nhập cư vì họ lo dân nhập cư lấy mất cơ hội việc làm, tiêu tốn tiền thuế họ đóng, làm giảm phúc lợi họ đáng được hưởng. Làn sóng tị nạn ồ ạt từ nhiều nước, trong đó gần đây nhất là Syria đã làm tình hình tệ đi, dù đa phần dân chúng vẫn quyết tâm hào phóng giúp đỡ dân tị nạn và dù nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh về lâu dài dân nhập cư mang lại lợi ích kinh tế và con người cho đất nước hơn nhiều so với chi phí bỏ ra cho họ.

Thế là đất nước vốn thanh bình, giàu có, hào phóng đang dần thay đổi, theo hướng xấu. Một đợt có nhiều vụ bạo động đốt nhà, đốt xe xảy ra ở các khu vực có đông người nhập cư. Có những người dân đứng trên cao nhổ nước bọt xuống đầu dòng người tị nạn. Chỉ mới một, hai tuần trước thôi, có tới sáu khu nhà dự định làm nhà tị nạn đã bị đốt cháy lúc nửa đêm, trong đó có một khu đã có người tị nạn, cả người lớn lẫn trẻ em. May mắn không có ai thiệt mạng nhưng từ giờ trở đi, việc tòa nhà, khu vực nào được cơ quan xuất nhập cảnh mua hay thuê làm nhà tị nạn sẽ không được đăng tải công khai như trước nữa.

Trở lại vụ giết chóc ở trường học cách đây mấy hôm. Phía điều tra cho rằng nguyên nhân là phân biệt chủng tộc vì trước đó kẻ thủ ác có nêu quan điểm phát xít, tham gia các nhóm phản đối nhập cư và hắn chỉ tấn công giáo viên và học sinh da màu trong khi bỏ qua người da trắng. Không chỉ là những mạng người oan uổng, mà vụ chém giết này còn có nguy cơ gây tổn hại đến một thứ quyền thiêng liêng mà người Thụy Điển vốn tôn thờ “allemansrätten” - ai cũng có quyền tự do đi lại, hái nấm hay hoa quả dại ở bất kỳ đâu trên đất nước, kể cả trên đất tư, miễn là không xuất hiện trong tầm nhìn của căn nhà chủ đất ở.

Cũng có con đi học, tôi buồn và khá lo lắng trước tình hình bạo lực này. Tuy nhiên, chồng tôi bảo: “Em thấy rồi đấy, hàng ngàn người mang đồ ăn thức uống, quần áo, đồ dùng ra đón người tị nạn. Tất cả các đảng khác đều vẫn nhất quyết không cộng tác với đảng Dân chủ Thụy Điển. Em và các con chưa bao giờ gặp ánh nhìn khó chịu nào của những người xung quanh chứ đừng nói những lời miệt thị. Đa số dân là những người tốt. Mà vụ tấn công trường học này có vẻ đã làm thức tỉnh một số người ủng hộ đảng Dân chủ Thụy Điển. Ngay trong đảng đã có nhiều người quay lưng rồi. Đừng lo nữa đi”


THU HỒNG (từ Stockholm, Thụy Điển)